Tìm trên trang KT-XH
Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội đến tháng 10, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2023
11/11/2023 10:39:AM

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẾN THÁNG 10/2023

1. Về phát triển kinh tế:

a) Lĩnh vực dịch vụ:

Tổng doanh thu các ngành dịch vụ đến tháng 10 năm 2023 ước đạt 20.500 tỷ đồng, đạt 90,98% so với kế hoạch đề ra trong năm 2023, tăng 24,24% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 7.123 tỷ đồng, đạt 90,87% kế hoạch năm 2023, tăng 33,03% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ du lịch: Trong 10 tháng đầu năm, các hoạt động du lịch diễn ra khá sôi động; các điểm du lịch trên địa bàn huyện đã đón khoảng 1.722.064 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, đạt 98,77% kế hoạch (1.768.676/1.790.000), tăng 11,9% so với cùng kỳ; trong đó: Khách quốc tế đạt 405.053 lượt khách; khách nội địa đạt 1.363.623 lượt. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 454.353 lượt (khách quốc tế: 148.232 lượt, khách nội địa: 306.121 lượt). Doanh thu du lịch ước khoảng 1.635 tỷ đồng, đạt 93,9% kế hoạch.

Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng được quan tâm, các hộ kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang từng bước hình thành, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng; đến tháng 10/2023, riêng các điểm du lịch cộng đồng đã đón khoảng 12.982 lượt khách; trong đó, khách quốc tế khoảng 1.104 lượt khách, khách trong nước khoảng 11.878 lượt khách; doanh thu ước đạt 4,5 tỷ đồng; hiện nay, trên địa bàn huyện có 06 cơ sở lưu trú trong dân (homestay) đang hoạt động, bao gồm: homestay Mê Ly (thị trấn Phú Lộc), homestay Honey (xã Lộc Trì), homestay Phượng Hoàng (xã Lộc Bình), homestay Paciano (xã Lộc Vĩnh), homestay Hà Phương, homestay Homie-Farmstay (thị trấn Lăng Cô). Trong năm 2023, đã hỗ trợ xây dựng, lắp đặt 02 bảng chỉ dẫn, thuyết minh, sơ đồ tham quan du lịch tại Hồ Truồi (xã Lộc Hòa) và Thác Nhị Hồ (xã Lộc Trì); đã tổ chức 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ nhà hàng cho lực lượng nhân viên; hỗ trợ hộ gia đình có nhu cầu xây dựng mới cơ sở lưu trú trong dân (homestay) tại thị trấn Lăng Cô. Nhiều nhà đầu tư đã khảo sát, nghiên cứu dịch vụ như: Xây dựng nhà hàng nổi trên đầm Cầu Hai, xây dựng Khu thương mại và du lịch nghỉ dưỡng tại Mũi Né, các điểm dừng chân dọc Quốc lộ, đường ven đầm phá… góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch của địa phương trong tương lai.

- Dịch vụ thương mại: Sức mua các loại hàng hóa tiêu dùng tăng cao, thị trường nội địa được khai thác có hiệu quả, hoạt động lưu thông hàng hoá, dịch vụ đa dạng và phong phú, đã đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân.

- Dịch vụ vận tải: Khối lượng hàng hóa luân chuyển trên toàn huyện đạt 45,5 triệu tấn/km, đạt 95,79% kế hoạch, tăng 30,0% so với cùng kỳ; lượng hành khách luân chuyển 89,7 triệu hành khách/km, đạt 91,53% kế hoạch, tăng 34,28% so với cùng kỳ.

b) Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:

Giá trị sản xuất đến tháng 10 năm 2023 ước đạt 3.461 tỷ đồng, đạt 89,86% kế hoạch năm 2023, tăng 19,34% so với cùng kỳ; trong đó, sản xuất công nghiệp 2.971 tỷ đồng, TTCN 790 tỷ đồng.

Các ngành nghề TTCN chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: mộc mỹ nghệ, chế biến nông, lâm sản, khai thác và sản xuất VLXD, chế biến thủy hải sản, sản xuất dầu tràm, chế biến thực phẩm…, có giá trị sản xuất tương đối ổn định, các sản phẩm hàng hóa được chú trọng về chất lượng, mẫu mã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng tại địa phương, trong và ngoài tỉnh.

Đã triển khai hiệu quả công tác khuyến công và thương mại năm 2023; qua đó, hỗ trợ phát triển thương hiệu, bao bì cho các sản phẩm như: Dầu tràm, Hồ tiêu, Hạt sen, Nước uống đóng chai Nha Đam, Bột ngũ cốc dinh dưỡng, Bột sắn dây; hỗ trợ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản suất các sản phẩm mộc dân dụng và mỹ nghệ, cơ khí mỹ thuật; triển khai khảo sát vị trí thực hiện trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản, quà tặng, hàng lưu niệm mang đặc trưng huyện Phú Lộc.

c) Lĩnh vực nông nghiệp:

Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cả năm 8.202,71 ha, đạt 95,4% kế hoạch, bằng 103% so với cùng kỳ, trong đó, diện tích gieo trồng lúa là 6.402,71 ha, đạt 97% kế hoạch, bằng 103,2% so với cùng kỳ (vụ Đông Xuân 3.742,35 ha, vụ Hè Thu 2.660,36 ha); các cây trồng khác 1.800 ha[1](vụ Đông Xuân 1.050 ha, vụ Hè Thu 750 ha).

Năng suất lúa đạt 63,19 tạ/ha (Đông Xuân 63,81 tạ/ha, Hè Thu 62,33 tạ/ha), tăng 1,19 tạ/ha so với kế hoạch và cùng kỳ; sản lượng 40,46 ngàn tấn, đạt 99,5 so với kế hoạch và cùng kỳ; năng suất các loại cây trồng khác tương đối ổn định.

Tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án phát triển sản xuất gồm: Đề án Cánh đồng mẫu, lúa mới chất lượng cao với diện tích thực hiện 460 ha, ở 15 HTX; Đề án cải tạo, nhân rộng bưởi da xanh, đến nay đã trồng mới 30,4 ha bưởi da xanh, 05 ha dâu Truồi và cải tạo 19 ha vườn bưởi da xanh; chiết cành giống dâu Truồi để tổ chức trồng vào cuối vụ với diện tích trồng mới 5,1 ha/1.223 cành giống/4 xã (Lộc An, Lộc Điền, Lộc Hòa, Lộc Thủy); tiếp tục tổ chức sản xuất lạc hữu cơ: 7,055 ha (ở HTX Thanh niên Vinh Hưng 1,2 ha, ở HTX Mỹ Hải 5,855 ha và mô hình rau hữu cơ ở HTX Nông nghiệp hữu cơ Mỹ Lợi 3,5 ha, từng bước hình thành các vùng chuyên canh tập trung; đồng thời, đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm Dầu lạc hữu cơ Mỹ Á, Rau hữu cơ Mỹ Lợi và in bao, bì, chai, nhãn mác..., xây dựng cửa hàng bày bán rau hữu cơ tại xã Vinh Mỹ...

Chăn nuôi: Tổng đàn ổn định[2], tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển lợn an toàn sinh học năm 2023 với 400 con/10 hộ. Chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăm sóc cho đàn gia súc, gia cầm, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; tổ chức tiêm phòng vụ Thu theo kế hoạch. Đến nay, toàn huyện có 6 trang trại; trong đó, có trang trại Bôn Lành, ở xã Vinh Mỹ được cấp chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại, bình quân xuất 1.000 lợn thịt/năm, lợi nhuận 1,5 tỷ/năm.

Lâm nghiệp: Tổ chức trồng lại rừng sản xuất sau khi thu hoạch, hướng dẫn các chủ rừng phát quang đường ranh, xử lý thực bì đúng quy định. Đến nay, khai thác rừng trồng khoảng 1.350 ha, trồng lại rừng khoảng 1.300 ha, lũy kế sản lượng khai thác 108.000 m3. Tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC. Tính đến nay, toàn huyện thành lập 7 chi hội chủ rừng phát triển bền vững, trong đó, đã thành lập 5 HTX Lâm nghiệp bền vừng, với hơn 1.136 ha; có 197 hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC; 237,4 ha rừng trồng gỗ lớn (135,6 ha rừng trồng chuyển hoá từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn và 101,8 ha rừng trồng mới) của BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân.

Thực hiện Đề án cây dược liệu ở vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã, đến nay đã trồng được 04 ha các loại cây dược liệu, gồm các loại: ba kích tím, thìa canh, cà gai leo, chè dây ở các xã: Lộc Hòa, Lộc Điền, Lộc Trì, Xuân Lộc, thị trấn Phú Lộc; thời gian tới, tiếp tục triển khai thực hiện trồng mới 8 ha.

Thủy sản: Hướng dẫn bà con cải tạo ao hồ, các điều kiện nuôi trồng đảm bảo lịch thời vụ. Đến nay, diện tích thả nuôi 1.301ha/1.310 ha[3], đạt 99,3% kế hoạch (có 9 ha ở Lộc Bình tạm dừng nuôi do ảnh hưởng thi công đường ven phá); sản lượng thu hoạch NTTS ước đạt 2.823 tấn/3.335 tấn[4], đạt 84,6% so với kế hoạch năm, đạt 96% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác tự nhiên ước đạt 7.010 tấn/8.100 tấn, đạt 86,5% kế hoạch năm và đạt 102,3% so với cùng kỳ; trong đó, khai thác biển 5.235 tấn, khai thác sông đầm 1.775 tấn

Đội tàu đánh bắt xa bờ, cải hoán, chuyển đổi tàu thuyền được duy trì và phát triển, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, gắn phát triển kinh tế biển với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đội tàu thuyền khai thác biển có 722 chiếc, gồm 461 chiếc tàu cỡ nhỏ 6-<12m, 75 chiếc tàu cỡ trung 12-<15m, 176 chiếc tàu cỡ từ 15-<24m, 10 chiếc tàu cỡ lớn từ 24 -<30m; hiện nay, đã có giấy phép 280 chiếc, số còn lại đang cập nhật thông tin để đăng ký.  

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng nông thôn mới: Đến nay, đã cấp Giấy chứng nhận cho 13 sản phẩm OCOP. Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài 08 xã đã đạt chuẩn, còn có các xã đang xây dựng NTM: 02 xã đạt 19 tiêu chí (Xuân Lộc, Lộc Bình) hiện đã nộp hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, 01 xã đạt 17 tiêu chí (xã Lộc Thủy), 02 xã đạt 16 tiêu chí (Giang Hải, Lộc Tiến), 01 xã đạt 13/19 tiêu chí (xã Lộc Vĩnh).

Đã tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2023, xây dựng phương hướng nhiệm vụ 2024.

2. Tình hình đầu tư phát triển, giải phóng mặt bằng, xúc tiến đầu tư:

a) Về đầu tư phát triển: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến tháng đầu năm khoảng 5.918 tỷ đồng, đạt 78,9% so với kế hoạch. Quản lý đầu tư xây dựng được tập trung chỉ đạo thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, tình hình thực hiện các nguồn vốn đầu tư công trong 10 tháng đầu năm như sau:

- Nguồn vốn tỉnh: Phân bổ 76,466 tỷ đồng cho 06 công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng làm chủ đầu tư (bao gồm kinh phí chuyển nguồn của công trình Nghĩa trang Trường Đồng 9,622 tỷ đồng; bổ sung vốn: 22,804 tỷ đồng); hiện nay, các công trình đang thi công; giải ngân 47,956 tỷ đồng, đạt 69,32% so với Kế hoạch.

- Nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia:

* Kế hoạch thực hiện năm 2022:

+ Vốn đầu tư phát triển: UBND tỉnh thông báo kinh phí năm 2022 chuyển sang năm 2023 là 2,939 tỷ đồng để tiếp tục thanh toán cho 08 công trình. Đến nay, số vốn giải ngân đạt 2,624 tỷ đồng.

+ Vốn sự nghiệp: Ngân sách Trung ương phân bổ 5,069 tỷ đồng; giải ngân đến 10/2023 là 4,214 tỷ đồng (đạt 83,14% KH); kinh phí năm 2022 chuyển sang năm 2023 là 0,812 tỷ đồng. Đến nay, số vốn giải ngân đạt 0,238 tỷ đồng, hiện nay, các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện[5].

* Kế hoạch thực hiện năm 2023:

+ Vốn đầu tư phát triển:

Vốn ngân sách Trung ương: Phân bổ 16,425 tỷ đồng, trong đó: Chương trình nông thôn mới 7,229 tỷ đồng (gồm 5,9 tỷ đồng cho 07 công trình chuyển tiếp, 1,329 tỷ đồng cho 02 công trình khởi công mới); Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi: 0,496 tỷ đồng (gồm 0,196 tỷ đồng cho 01 công trình chuyển tiếp, 0,3 tỷ đồng cho 01 công trình mới); Chương trình Giảm nghèo bền vững: 9 tỷ đồng (gồm 6,483 tỷ đồng cho 08 công trình chuyển tiếp, 2,517 tỷ đồng cho 02 công trình mới).

Vốn ngân sách tỉnh (đối ứng chương trình MTQG): UBND tỉnh đã phân bổ 9,002 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ đầu tư Chương trình xây dựng nông thôn mới 7,132 tỷ đồng (phân bổ 7 tỷ đồng cho các công trình chuyển tiếp, 0,132 tỷ đồng cho 02 công trình mới); Chương trình Giảm nghèo bền vững 1,828 tỷ đồng (phân bổ 1,419 tỷ đồng cho các công trình chuyển tiếp, 0,409 tỷ đồng cho 02 công trình mới); Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi 0,042 tỷ đồng phân bổ công trình chuyển tiếp.

Hiện nay, các công trình đang thi công; số vốn giải ngân đến tháng 10/2023 là 22,221/25,425 tỷ đồng, đạt 87,4% kế hoạch (trong đó: vốn Trung ương giải ngân 15,196/16,425 tỷ đồng, vốn tỉnh giải ngân 7,027/9,002 tỷ đồng).

+ Vốn sự nghiệp: Năm 2023, ngân sách tỉnh phân bổ 11,679 tỷ đồng. Hiện nay, UBND huyện đã thông báo kinh phí theo kế hoạch để các chủ đầu tư lập thủ tục thực hiện; số vốn giải ngân đến nay đạt 1,913 tỷ đồng; số vốn còn lại chậm giải ngân do chưa có hướng dẫn định mức kỹ thuật và văn bản hướng dẫn[6].

- Nguồn vốn huyện: Tổng kinh phí 108,5 tỷ đồng, phân bổ cho 152 công trình chuyển tiếp, 06 công trình xây dựng mới và đối ứng xây dựng đề án, chương trình xây dựng nông thôn mới, quy hoạch, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, xây dựng công trình theo cơ chế đặc thù... Hiện nay, đang thi công; tổng số giải ngân 54,107 tỷ đồng, đạt 49,86% Kế hoạch năm 2023. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân còn thấp là do khó khăn trong công tác thu đấu giá quỹ đất.

b) Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Tiếp tục thực hiện 36 dự án; trong đó có 14 dự án trọng điểm. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương giải quyết, tháo gỡ một số vướng mắc của người dân để bàn giao mặt bằng cho các Nhà đầu tư triển khai dự án, như: Hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây đã bàn giao: 208,43/ 283,94 ha; Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế đã bàn giao: 101,81 ha /164,9 ha; Đường trục chính khu đô thị Chân Mây tại xã Lộc Vĩnh đã bàn giao 1,39 km/1,43 km.

c) Về công tác xúc tiến đầu tư: Đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Phú Lộc năm 2023; xây dựng các đoạn phim ngắn giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch, dịch vụ của huyện tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp; qua đó, đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch, thu hút ngày càng đông khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần tăng trưởng ngành du lịch trên địa bàn huyện. Đến nay, ngoài các dự án ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, còn có 03 dự án đã hoàn thành việc lập hồ sơ trình tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư (Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Lộc Điền; Khu dân cư nông thôn Lã Lã, Lộc Bình; Khu nghỉ dưỡng ven biển tại xã Giang Hải); có 02 dự án đang trình tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư (Trang trại trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tại xã Lộc Điền; xây dựng Hạ tầng Cụm công nghiệp Vinh Hưng); bổ sung dự án Khu thương mại dịch vụ Diêm Trường, xã Vinh Hưng vào danh mục đề nghị chấp thuận đầu tư, đang hoàn thành quy hoạch chung đô thị Vinh Hưng để triển khai quy hoạch phân khu và thực hiện các thủ tục tiếp theo.

3. Tài chính, ngân sách:

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đến tháng 10 năm 2023 (chưa bao gồm kinh phí chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023): 827,65 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch. Tổng thu ngân sách huyện, xã hưởng 646,3 tỷ đồng (trong đó: thu cân đối 125,9 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch; thu bổ sung của ngân sách tỉnh 520,41 tỷ đồng đạt 94% kế hoạch). Nếu không tính thu tiền sử dụng đất, thu cân đối ngân sách huyện, xã hưởng 77%.

Tổng chi ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm 2023 (bao gồm kinh phí chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023): 671,01 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch. Đã kịp thời chi hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ theo dự toán giao đầu năm.

4. Quy hoạch, quản lý tài nguyên môi trường và trật tự xây dựng:

a) Công tác quy hoạch: Đã tập trung thực hiện hoàn thành các đồ án quy hoạch xây dựng chuyển tiếp năm 2022 và triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch theo kế hoạch năm 2023 như: Quy hoạch phân khu đô thị mới La Sơn, Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại kết hợp dịch vụ, vui chơi thể thao Lộc Bình, Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch ven biển Vinh Mỹ…; cơ bản hoàn thành Đề án đề nghị công nhận các đô thị mới Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh đạt tiêu chí đô thị loại V; hoàn thành dự thảo nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện; tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận đô thị mới Vinh Hiền đạt tiêu chí đô thị loại V; công bố điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phú Lộc đến năm 2030.

Đã trình Sở Xây dựng thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Vinh Hưng; Hồ sơ cắm mốc giới Quy hoạch phân khu Khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng ven biển tại xã Giang Hải và xã Vinh Hiền. Hiện nay, đang tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại kết hợp dịch vụ, vui chơi thể thao Lộc Bình; Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch ven biển Vinh Mỹ. Hoàn thành thủ tục chấm thầu Quy hoạch phân khu đô thị mới La Sơn. Đã trình Sở Xây dựng thẩm định Quy hoạch phân khu Khu vực Lộc Bình (núi Quện), phối hợp Đơn vị tư vấn để điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ đồ án theo nội dung yêu cầu Sở Xây dựng tại Công văn số 3035/SXD-QHKT ngày 18/8/2023 và Công văn số 2825/SXD-QHKT ngày 03/8/2023.

b) Quản lý đất đai, tài nguyên môi trường: Đến tháng 10/2023, đã cấp mới 431 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 59,88 ha; lũy kế đến nay, đã cấp được 110.525 giấy với diện tích 22.097,86 ha, đạt tỷ lệ 99,4% so với tổng diện tích đất cần cấp[7].

Công tác bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức và đạt kết quả khá tốt; duy trì, phát huy hiệu quả và nhân rộng các phong trào, mô hình về giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. Phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “Hãy xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, sáng”, “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ” và phong trào 3 sạch "Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ"; mô hình “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Trật tự trị an” tại các tuyến đường liên thôn, xóm của địa phương gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

c) Công tác quản lý trật tự xây dựng: Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, lập biên bản ngăn chặn, ban hành các Quyết định xử lý nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình hình xây dựng trái phép diễn ra. Trong 10 tháng đầu năm, đã phát hiện 06 trường hợp xây dựng vi phạm mới theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng (giảm 61% so với cùng kỳ).

Ban hành quyết định xử phạt hành chính 15 trường hợp vi phạm lĩnh vực đất đai (giảm 36% so với cùng kỳ); đã ban hành quyết định xử phạt 04 trường hợp vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản.

5. Lĩnh vực văn hóa - xã hội:

a) Văn hóa, thể thao: Chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ bà con Nhân dân trong dịp Tết và Lễ hội. Thực hiện công tác tuyên truyền chào mừng những ngày lễ lớn trong năm[8]. Đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao như: Tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hoá tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX năm 2023, tham dự giải Đua ghe truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 34, tham gia giải Taekwondo các câu lạc bộ tỉnh năm 2023; tổ chức Lễ hội Đua thuyền truyền thống huyện Phú Lộc năm 2023, giải Bóng đá truyền thống huyện Phú Lộc năm 2023, giải Cờ tướng huyện năm 2023… đã thu hút nhiều vận động viên, người dân, du khách tham gia, tạo sinh khí vui tươi lành mạnh cho Nhân dân và toàn xã hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật và thể dục thể thao trên địa bàn huyện; tuyên truyền hưởng ứng ngày sách Việt Nam,... Đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử Hóc mụ Bồi, xã Lộc Bổn; di tích lịch sử Đình Trung Kiền, xã Lộc Tiến năm 2023.

b) Giáo dục và đào tạo:

- Về giáo dục: Chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm học 2022-2023 đạt các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục đã đề ra; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,81%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 100%. Đã chỉ đạo các trường tổ chức giảng dạy có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 đến lớp 3, lớp 6, lớp 7 và chỉ đạo các trường tổ chức đề xuất danh mục sách giáo khoa, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8 trong năm học 2023-2024. Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia theo lộ trình Đề án đã đề ra, đến nay, có 37/64 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 57,8%. Tổ chức khai giảng năm học 2023-2024, thực hiện nghiêm túc công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh ngay từ đầu năm học.

- Về công tác đào tạo: Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND huyện về Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo sự thay đổi lớn về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

c) Thực hiện chính sách an sinh xã hội và lao động, việc làm, giảm nghèo:

- Tiếp nhận, phân bổ 26.379 suất quà[9] Tết Nguyên đán đến tận tay các đối tượng chính sách và người nghèo kịp thời với tổng số tiền 9.373.920.000 đồng.

- Về công tác bảo trợ xã hội: Đã phê duyệt 1.845 hồ sơ cho các đối tượng BTXH; trong đó, 607 hồ sơ hưởng mới, 507 hồ sơ thôi hưởng, 425 hồ sơ mai táng phí, 302 hồ sơ điều chỉnh, 02 hồ sơ hỗ trợ đột xuất các gia đình có người thân bị tử vong. Đồng thời, đề nghị Sở Lao động-TB&XH tiếp nhận, đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm BTXH 02 đối tượng.

- Về công tác chính sách có công: Đã giải quyết 227 hồ sơ liên quan chính sách cho người có công, đảm bảo kịp thời. Triển khai Kế hoạch điều dưỡng năm 2023 cho UBND 17 xã, thị trấn với tổng nhu cầu điều dưỡng ngoại tỉnh: 69 người (tại Đà Nẵng và Quảng Bình), điều dưỡng tập trung tại tỉnh: 144 người và điều dưỡng tại nhà: 427 người. Đồng thời, tổ chức Lễ tang Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nguyệt trú tại thôn Đông, xã Lộc An trang trọng và chu đáo.

- Đối với công tác giảm nghèo bền vững: Đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023; theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 2,09%, tương ứng giảm 0,65% so với năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ).

Từ nguồn huy động sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể trong việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Đặc biệt là sự tham gia của các nhà hảo tâm và Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; Công an huyện, Điện lực Thừa Thiên Huế… Trong thời gian qua, đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 10 hộ nghèo, hộ cận nghèo và sửa chữa 16 nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí 830 triệu đồng. Thông qua Giải quần vợt huyện Phú Lộc mở rộng năm 2023 với chủ đề “Chung tay vì người nghèo” các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm đã ủng hộ hơn 03 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo.

- Tập trung chỉ đạo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; kết quả 10 tháng đầu năm, đã đào tạo mới cho 1.551/1.794 lao động (đạt 86,45% KH); giải quyết việc làm mới cho 1.527/1.745 lao động (đạt 87,51% KH); trong đó, giải quyết việc làm mới cho lao động đã qua đào tạo 1.481/1.730 lao động (đạt 85,60% KH). Đồng thời, phối hợp đưa 281/300 lao động (đạt 93,67% KH) xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

d) Về y tế: Đã chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân. Chất lượng công tác khám chữa bệnh được cải thiện và ngày càng được nâng cao; hoạt động phòng, chống dịch bệnh được đẩy mạnh. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên; đã tiếp nhận, thẩm định 02 hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho 01 cơ sở theo đúng quy trình và thời gian quy định (01 cơ sở không đủ điều kiện). Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra về công tác hành nghề Y, Dược, Y học cổ truyền tư nhân và các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn huyện Phú Lộc năm 2023.

6. Công tác cải cách hành chính, khoa học công nghệ, chuyển đổi số:

a) Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Việc tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính ngày càng được công khai, minh bạch, kịp thời; hoạt động của Trung tâm Hành chính công huyện ngày càng phát huy hiệu quả, công tác giám sát, đôn đốc được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên; chất lượng hướng dẫn, phục vụ công dân ngày càng được nâng cao. Trong tháng 10/2023, đã tiếp nhận 959 hồ sơ; trong đó, số hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến là 506 hồ sơ, chiếm 52,8%. Số hồ sơ đã giải quyết: 504 hồ sơ; trong đó, giải quyết đúng hạn: 444 hồ sơ (đạt tỷ lệ 88,1%), quá hạn: 60 hồ sơ. 100% hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm Hành chính công được số hóa. Đã tổ chức kiểm tra công tác CCHC tại 13 cơ quan, đơn vị, địa phương, chiếm trên 30% tổng số cơ quan, đơn vị trực thuộc.

b) Về khoa học và công nghệ:

- Công tác ứng dụng và triển khai các thành tựu khoa học công nghệ được quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, duy trì và phát triển các mô hình đã thành công như: Nuôi cá chình trên sông, nuôi cá xen ghép tại đầm Cầu Hai, mô hình rau hữu cơ...

 Các dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh: Phối hợp triển khai Đề án năm 2023 gồm: "Nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học và ứng dụng công nghệ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tai biến lũ quét - lũ bùn đá huyện Phú Lộc; đề xuất 02 Đề án năm 2024: “Nghiên cứu bảo tồn, phát triển và chế biến sản phẩm chè Truồi tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế” và “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm cá vẫu lồng bè phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội vùng đầm Cầu Hai, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế”;

- Các dự án sử dụng vốn ngân sách huyện: Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án năm 2022: Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất Sâm Bồng Bồng và dây Thìa Canh gắn với chuỗi giá trị tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế” và “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng cây Tràm gió tại xã Xuân Lộc và Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế”; triển khai thực hiện 02 dự án năm 2023: Ứng dụng Khoa học và Công nghệ để xây dựng mô hình trồng cây Sâm Bố Chính tại xã Lộc Hòa, Lộc Trì; Ứng dụng Khoa học và Công nghệ để xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm Emuniv, Tricoderma để sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp và bả tràm đã chưng cất.

c) Công tác chuyển đổi số: Đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; trên cơ sở đó, ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023; Kế hoạch tuyên truyền công tác Chuyển đổi số năm 2023; Kế hoạch số triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số trên địa bàn huyện Phú Lộc năm 2023.

Đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số; trong đó, có mời các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế đến để gặp gỡ, trao đổi và tư vấn về đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn huyện.

Đã tổ chức tập huấn triển khai công tác cập nhật địa chỉ số và thu nhập thông tin để xây dựng Hệ thống Giám sát, điều hành thông minh cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Ngày 08/9/2023, UBND huyện đã tổ chức khai trương Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh huyện Phú Lộc.

7. Tổ chức bộ máy, công chức, viên chức; giải quyết đơn thư khiếu nại:

a) Về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức: Ban hành kế hoạch triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập của huyện; đôn đốc, chỉ đạo các Phòng Nội vụ, Tư pháp xây dựng Đề án vị trí việc làm theo quy định; xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm GDNN-GDTX và Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện báo cáo Sở Nội vụ thẩm định. Quyết định sáp nhập 07 trường học thành 04 trường học (giảm 03 đơn vị) theo Đề án 1220.

Ban hành Kế hoạch bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường học năm 2023. Bổ nhiệm 05 viên chức quản lý trường học, bổ nhiệm lại 19 trường hợp (03 công chức, 16 viên chức), luân chuyển công tác lãnh đạo quản lý trường học 23 trường hợp, điều động 74 trường hợp (công chức huyện 3, công chức xã 21, viên chức 50); trình Sở Nội vụ điều động 02 công chức huyện về cấp xã.

Tiếp nhận và bố trí công tác đối với 01 viên chức giáo dục; biệt phái 01 viên chức, thôi biệt phái 03 trường hợp (02 viên chức, 01 công chức xã) đến công tác tại các phòng chuyên môn cấp huyện; đồng ý thuyên chuyển 10 giáo viên. Kỷ luật đối với 01 lãnh đạo, quản lý; thành lập Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức UBND xã Lộc Bổn.

Quyết định phê duyệt chỉ tiêu, kế hoạch tuyển dụng, các văn bản triển khai công tác tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục năm 2023 (đợt 1 và 2); ban hành Kế hoạch tuyển dụng viên chức làm việc tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc năm 2023. Quyết định tuyển dụng công chức xã năm 2022 đối với 04 trường hợp; tuyển dụng 22 viên chức giáo dục (đợt 1/2023).

b) Về công tác tiếp công dân:

Tại Ban tiếp công dân huyện: Trong tháng 10, đã tổ chức 01 cuộc tiếp công dân tại Ban Tiếp công dân huyện với 01 công dân; 01 cuộc đột xuất với 28 công dân; 03 cuộc tiếp công dân định kỳ tại Ban Tiếp công dân huyện với 08 công dân/07 lượt ý kiến.

c) Về giải quyết đơn thư: Trong tháng 10, UBND huyện đã tiếp nhận 18 đơn, cụ thể như sau:

+ Đơn thuộc thẩm quyền: 13 đơn kiến nghị, phản ánh. UBND huyện đã tiếp nhận và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện kiểm tra, xác minh để tham mưu UBND huyện giải quyết, trả lời đơn đảm bảo theo quy định. Đến nay, đã giải quyết: 04/13 đơn (đang trong thời hạn giải quyết), đạt 30.7% (đơn kiến nghị, phản ánh), còn 09 đơn (đang trong thời hạn giải quyết), UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan khẩn trương giải quyết đảm bảo thời gian quy định.

 + Đơn không thuộc thẩm quyền: 05 đơn kiến nghị, phản ánh. UBND huyện đã có Công văn chuyển đơn đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để được giải quyết theo đúng quy định.

8. Quốc phòng, an ninh:

Công tác quốc phòng, an ninh được tổ chức triển khai khá toàn diện, đồng bộ và chặt chẽ từ huyện đến cơ sở; các nội dung phối hợp có chiều sâu và đạt được kết quả thiết thực trên nhiều mặt, tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ QP, AN đề ra. Chất lượng tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân và an ninh Nhân dân nâng lên một bước, LLVT huyện thật sự là lực lượng nòng cốt, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương, góp phần giữ gìn ANCT-TTATXH, thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện.

Tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN năm 2023 cho các đối tượng đúng quy định. Tổ chức huấn luyện các đối tượng DQTV đúng theo quy định, hướng dẫn; thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động, tham gia xóa đói giảm nghèo, quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới, được cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao, nhân dân tin cậy, yêu mến.

Thực hiện tốt việc xây dựng và triển khai kế hoạch trực bảo vệ cơ quan, đơn vị, chuẩn bị tốt các điều kiện, nắm bắt kịp thời những diễn biến xã hội nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Về tai nạn giao thông: Đến tháng 10/2023, trên địa bàn xảy ra 50 vụ làm chết 15 người, bị thương 46 người. So với cùng kỳ năm trước số vụ giảm 15 vụ (50/65); số người chết giảm 16 người (15/31); số người bị thương tăng 05 người (46/41), Trong đó: Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 48 vụ làm chết 13 người, bị thương 46 người. So với cùng kỳ năm trước số vụ giảm 17 vụ (48/65); số người chết giảm 18 người (13/31); số người bị thương tăng 05 người (46/41). Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 02 vụ, làm 02 người chết. So với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 02 vụ; số người chết tăng 02 người.  

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2023

1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2023 của UBND tỉnh, Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 03/01/2023 của UBND huyện về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 03/01/2023 về Chương trình công tác năm 2023 của UBND huyện; trong đó, tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện hoàn thành chương trình công tác, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.

2. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác thu chi ngân sách, tập trung đôn đốc tiến độ các nguồn thu đạt thấp; đẩy mạnh công tác chống thất thu, nợ đọng thuế; khai thác nguồn thu vãng lai, kinh doanh qua mạng; tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch các khu dân cư trên địa bàn, đẩy nhanh công tác đấu giá thu quyền sử dụng đất... phấn đấu vượt mức chỉ tiêu thu NSNN năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng, giải ngân vốn đầu tư, đảm bảo theo đúng quy định của Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 27/12/2022 của UBND tỉnh. Thực hiện tốt công tác lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư và xây dựng dự toán 2024.

3. Hoàn thành Quy hoạch phân khu khu vực đô thị mới La Sơn, Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực Lộc Bình, Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực ven biển xã Vinh Mỹ, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Lộc, Đề án đề nghị công nhận các đô thị mới Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh đạt tiêu chí đô thị loại V… Triển khai rà soát, lập Đề cương đề án đề nghị công nhận xã Vinh Hưng đạt tiêu chí đô thị loại V. Đẩy mạnh việc hoạch chi tiết phân lô các khu dân cư, tái định cư theo định hướng quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và quy hoạch chung đô thị để tạo quỹ đất đấu giá và bố trí tái định cư đảm bảo thời gian quy định.

4. Tiếp tục thực hiện kế hoạch khai thác mặt nước đầm Lập An; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phát huy vai trò của các HTX; thực hiện các mô hình khuyến nông, khuyến ngư có hiệu quả. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch.

5. Tăng cường quản lý tài nguyên môi trường, tiếp tục rà soát các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai để xử lý dứt điểm; kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép tại các sông; thực hiện nghiêm việc hoàn trả lại mặt bằng, tái tạo môi trường tại các vùng khai thác khoáng sản. Tiếp tục chỉ đạo duy trì ra quân, xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường nhằm đảm bảo trật tự công cộng, trật tự an toàn đô thị. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với duy trì thực hiện tốt Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, đẩy mạnh phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 01 lần”; Tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, phân loại rác thải tại chỗ…

6. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục tổ chức các Hội thảo chuyên đề, hội nghị tập huấn nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số đến các ngành địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; Kế hoạch 170/KH-UBND ngày 29/4/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025.

7. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo lộ trình của Đề án đảm bảo đúng tiến độ, dự kiến hoàn thành tiêu chí trường đạt chuẩn Quốc gia 47/64 trường (có 03 trường sáp nhập). Chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các cấp học.

8. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các bệnh: đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tay chân miệng... và các loại dịch bệnh thường xuyên xảy ra trong mùa mưa bão; tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm trong các dịp Lễ, Tết theo kế hoạch.

9. Duy trì nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong các dịp lễ lớn của đất nước. Chủ động làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nắm chắc và xử lý tốt các vụ việc về an ninh, trật tự từ cơ sở ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra tình huống phức tạp, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò của công an xã chính quy.

10. Chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng chống lụt bão và hỗ trợ kịp thời cho người dân ở các vùng bị thiên tai chia cắt; chuẩn bị tốt các điều kiện để ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

11. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông cũng như kiểm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 và Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Trên đây là tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội đến tháng 10 năm và phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2023, UBND huyện kính báo cáo./.

 

[1]Sắn 273 ha, khoai các loại 506,5 ha, lạc 313 ha, đậu các loại 212 ha, rau các loại 192 ha, dưa các loại 172 ha, ngô 22,1 ha, thuốc lá 19,5 ha, ớt 22 ha, mía 32,5 ha, cây sen 35,4 ha

[2]Trâu 3.556 con; đàn bò: 3.615 con (1.505 con sinh sản); đàn lợn 16.010 con, trong đó có 3.100 lợn nái, ổn định cùng kỳ; gia cầm 602.663 con (gà: 401.553 con, gà đẻ: 26.780 con; vịt 201.110 con, vịt đẻ: 7.499 con)

[3]Nuôi nước lợ 996 ha (Vinh Hưng 335 ha, Giang Hải 232 ha, Lộc Điền 178ha, các xã khác 251 ha); nuôi nước ngọt 305 ha; nuôi lồng: 4.300 lồng, đạt 100% kế hoạch; trong đó: nước lợ 4.080 lồng, nước ngọt 220 lồng; nuôi bể xi măng: 23.000m3, đạt 100% kế hoạch

[4]Tôm 840 tấn, cua 225 tấn, cá các loại 1.383 tấn, nhuyễn thể 375 tấn.

[5] + Đối với Dự án 1. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (thuộc Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi): UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Xuân Lộc rà soát, tổ chức họp dân và lấy ý kiến các hộ hưởng lợi có nhu cầu hỗ trợ để xây dựng nhà ở, nhưng số hộ theo đối tượng hưởng lợi đã được hưởng chính sách từ nguồn xã hội hóa năm 2022 và không còn đối tượng. Hiện nay, đang làm thủ tục đề nghị điều chuyển sang nhiệm vụ khác số kinh phí phân bổ theo kế hoạch là 245 triệu đồng.

+ Đối với Dự án 9: Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, chuyển nguồn năm 2022 sang 2023 là 31 triệu. hiện nay, tạm thời dừng triển khai (theo Công văn số 396/BDT-CSDT ngày 22/6/2023 của Ban Dân tộc).

+ Đối với Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 4: Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo): Chưa có hướng dẫn định mức kỹ thuật và văn bản hướng dẫn.

[6] + Đối với Dự án 9: Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, năm 2023 phân bổ 82 triệu; hiện nay, tạm thời dừng triển khai (theo Công văn số 396/BDT-CSDT ngày 22/6/2023 của Ban Dân tộc).

+ Đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 4: Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển (thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo): Chưa có hướng dẫn định mức kỹ thuật và văn bản hướng dẫn.

[7]Các loại đất đã cấp gồm: Đất ở tại nông thôn: 159 giấy chứng nhận, diện tích: 15,41 ha; Đất ở tại đô thị: 55 giấy chứng nhận, diện tích: 2,98 ha; Đất nông nghiệp: 204 giấy chứng nhận, diện tích: 30,39 ha; Đất rừng sản xuất: 8 giấy chứng nhận, diện tích: 6,77 ha; Đất tín ngưỡng: 01 giấy chứng nhận, diện tích: 0,09ha; Đất nuôi trồng thủy sản: 04 giấy chứng nhận, diện tích: 0,42ha.

[8]Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2023) và mừng Xuân Quý Mão năm 2023, 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), 137 năm ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886-01/5/2023), 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), 76 năm ngày Thương binh liệt sỹ, kỷ niệm78 năm ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam(02/9/1945-02/9/2023).

[9]- Quà của Chủ tịch Nước: 3.025 suất với tổng số tiền là 920.100.000 đồng;

  - Quà của tỉnh: 14.532 suất với tổng số tiền là 4.683.300.000 đồng;

  - Quà của huyện: 169 suất với tổng số tiền là 85.000.000 đồng;

  - Quà của các đơn vị, tổ chức và cá nhân: 8.653 suất với tổng số tiền là 3.685.520.000 đồng;

Văn Dàng
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày