Tìm trên trang KT-XH
Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội đến tháng 5 và triển khai nhiệm vụ tháng 6 năm 2023
11/11/2023 10:34:AM

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 5

1. Tình hình phát triển sản xuất.

a) Lĩnh vực dịch vụ:

- Hoạt động du lịch: Các hoạt động du lịch diễn ra trên địa bàn huyện khá sôi động; các điểm du lịch như sông, suối, biển đã có du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; tổng lượng khách khu lịch ước đạt 781.240 lượt khách, đạt 43,65% kế hoạch; trong đó: Khách quốc tế đạt 251.326 lượt khách (chủ yếu ở tại các khu du lịch cao cấp như Laguna - Lăng Cô, Vedana Lagoon…); khách nội địa đạt 529.914 lượt. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 264.677 lượt (khách quốc tế: 109.879 lượt, khách nội địa: 154.798 lượt). Doanh thu du lịch ước đạt khoảng 838,1 tỷ đồng, đạt 48,16% kế hoạch.

Đã chỉ đạo tuyên truyền, quảng bá lễ hội Khinh khí cầu và Festival nghề truyền thống Huế 2023. Tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến và quảng bá du lịch năm 2023, xây dựng các phóng sự tuyên truyền các điểm du lịch trên địa bàn huyện.

- Hoạt động thương mại diễn ra bình thường; giá cả thị trường tại các chợ luôn ổn định, không có biến động mạnh, không có biểu hiện đầu cơ, găm hàng, tăng giá, ép giá, đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Qua kiểm tra, nắm bắt thị trường, lượng hàng hoá kinh doanh tại các đại lý và chợ trung tâm chủ yếu là hàng hoá trong nước, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, đạt 43,3% kế hoạch. Doanh thu từ các ngành dịch vụ đến tháng 5 đạt khoảng 10.500 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch.

- Dịch vụ vận tải phát triển đa dạng và phong phú, chất lượng các dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng được nâng cao, hiện nay có thêm 03 tuyến xe bus chất lượng cao đưa vào hoạt động trên địa bàn huyện nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương của Nhân dân. Khối lượng hàng hóa luân chuyển 20.500 tấn/km đạt 43,2% kế hoạch, lượng hành khách luân chuyển đạt 42.500 hành khách/km đạt 43,3% kế hoạch.

b) Lĩnh vực công nghiệp - TTCN:

Giá trị sản xuất ước khoảng 1.650 tỷ đồng, đạt 42,8% kế hoạch, trong đó sản xuất công nghiệp 1.200 tỷ, TTCN 450 tỷ.

Các ngành nghề TTCN chủ yếu trên địa bàn huyện tập trung các lĩnh vực: mộc mỹ nghệ, chế biến nông, lâm sản, khai thác và sản xuất VLXD, chế biến thủy hải sản, sản xuất dầu tràm, chế biến thực phẩm,…có giá trị sản xuất tương đối ổn định, các sản phẩm hàng hóa được chú trọng về chất lượng, mẫu mã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng tại địa phương, trong tỉnh và ngoài tỉnh.

c) Lĩnh vực nông nghiệp:

- Trồng trọt: Diện tích gieo trồng là 8.342,35 ha, đạt 97% so với kế hoạch năm, bằng 104,5% so với cùng kỳ.

Vụ Đông Xuân gieo trồng được 4.792,35ha, đạt 94,9% so kế hoạch, đạt 99,5% so cùng kỳ; trong đó, diện tích lúa 3.742,35ha, đạt 100% so kế hoạch, đạt 99,3% so cùng kỳ, năng suất đạt 63,81 tạ/ha (tăng 19,3 tạ/ha so với cùng kỳ), sản lượng 23.878,32 tấn. Cây trồng khác 1.050ha, đạt 84% so với kế hoạch và cùng kỳ; trong đó, sắn 150ha, khoai các loại 300ha, lạc 200ha; thuốc lá 19,5ha, đậu các loại 129ha, rau 131ha, dưa các loại 61ha, ớt 14,3ha, mía 32,5ha, ngô 9,1ha,…các cây trồng khác phát triển tốt cho năng suất ổn định.

Vụ Hè Thu, ước thực hiện diện tích gieo trồng 3.550ha, trong đó: lúa  2.800ha, rau màu các loại 750ha; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa thiếu nước vụ Hè Thu khoảng 100ha sang trồng các cây trồng khác như lạc, dưa, khoai lang,…

- Chăn nuôi: Chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăm sóc cho đàn gia súc, gia cầm, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại.

Thực hiện Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; hiện nay, đã hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện ký cam kết thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư.

- Lâm nghiệp: Tổ chức trồng lại rừng sản xuất sau khi thu hoạch, hướng dẫn các chủ rừng phát quang đường ranh, xử lý thực bì đúng quy định. Lũy kế từ đầu năm đã trồng 228ha, bằng 91% so với cùng kỳ (chủ yếu là tràm và keo các loại); từ đầu năm đến nay, có 08 vụ vi phạm về pháp luật bảo vệ rừng.

- Thủy sản:

+ Về quản lý khai thác và nuôi trồng thủy sản: UBND huyện đã chỉ đạo Phòng chuyên môn xây dựng Kế hoạch kiểm tra tình hình vi phạm về khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện năm 2023; đến nay, đã tổ chức kiểm tra 07/12 xã, thị trấn.

+ Công tác tự kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản: Các chi hội Nghề cá thuộc các xã: Vinh Hiền, Giang Hải, Vinh Hưng, Lộc Trì, Lộc Điền đã phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 25 buổi tuần tra, kịp thời ngăn chặn và xua đuổi các đối tượng khai thác tận diệt ở địa phương khác đến như xung điện, cào lươn, lưới vây, cắt lưới,... bằng thuyền máy.

- Kinh tế hợp tác xã, sản phẩm Ocop; xây dựng xã nông thôn mới:

Chỉ đạo, hướng dẫn các hợp tác xã tổ chức đại hội tổng kết năm 2022; đến nay, đã có 20/35 HTX tổ chức đại hội tổng kết nông nghiệp.

Đến nay, đã cấp Giấy chứng nhận cho 10 sản phẩm/8 cơ sở Ocop gồm: Mắm nêm Cá cơm Mệ Em, nước mắm cá cơm Xuân Anh, dầu tràm Trường Hải, dầu tràm Nhật Tân, cá khô Mỹ Á, vang Bạch Mã, Vang 1932, Vang trà vả, dưa lưới Vinh Hưng, dầu lạc hữu cơ Mỹ Á.

Đối với xây dựng nông thôn mới, ngoài 06 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới  còn có các xã đang xây dựng NTM: 02 xã đạt 19 tiêu chí (Xuân Lộc, Lộc Bình), 01 xã đạt 17 tiêu chí (xã Lộc Thủy), 01 xã đạt 16 tiêu chí (Giang Hải), 01 xã đạt 14 tiêu chí (Lộc Tiến); 02 xã đạt 12 tiêu chí (Lộc Thủy, Lộc Tiến), 01 xã đạt 13/19 tiêu chí (xã Lộc Vĩnh).

2. Tình hình đầu tư phát triển, giải phóng mặt bằng

Về đầu tư phát triển: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến tháng 5 khoảng 3.425 tỷ đồng, đạt 45,6% so với kế hoạch. Quản lý đầu tư xây dựng được tập trung chỉ đạo thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công năm 2023, nên đã chủ động trong công tác quản lý, thanh toán và đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các dự án có trong kế hoạch. Tình hình thực hiện các nguồn vốn đầu tư xây dựng đến tháng 5 như sau:

a) Đối với nguồn vốn huyện: Tổ chức thực hiện phân bổ vốn đầu tư theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, gồm: 108,5 tỷ đồng, phân bổ đầu tư 152 công trình chuyển tiếp, 06 công trình xây dựng mới và đối ứng xây dựng đề án, chương trình xây dựng nông thôn mới, quy hoạch, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, xây dựng công trình theo cơ chế đặc thù... Hiện nay, các chủ đầu tư đang lập thủ tục hồ sơ để thực hiện; tổng số giải ngân 32,65 tỷ đồng, đạt 30,1% so với Kế hoạch.

b) Nguồn vốn tỉnh: Phân bổ 53,622 tỷ đồng cho 05 công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng làm chủ đầu tư (bao gồm kinh phí chuyển nguồn của công trình Nghĩa trang Trường Đồng 9,622 tỷ đồng); hiện nay, đang tiếp tục thi công; giải ngân 17,625 tỷ đồng, đạt 32,8% so với Kế hoạch.

c) Nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia:

* Kế hoạch thực hiện năm 2022:

- Vốn đầu tư phát triển: UBND tỉnh thông báo kinh phí năm 2022 chuyển sang năm 2023 là 2,939 tỷ đồng để tiếp tục thanh toán cho 08 công trình. Đến nay, số vốn giải ngân đạt 0,98 tỷ đồng.

- Vốn sự nghiệp: Ngân sách Trung ương phân bổ 5,069 tỷ đồng; giải ngân đến 4/2023 là 4,214 tỷ đồng (đạt 83,14%KH); kinh phí năm 2022 chuyển sang năm 2023 là 0,812 tỷ đồng, hiện nay, các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện.

* Kế hoạch thực hiện năm 2023:

- Vốn đầu tư phát triển

+ Vốn ngân sách Trung ương: Phân bổ 16,725 tỷ đồng, trong đó: Chương trình nông thôn mới 7,229 tỷ đồng (gồm 5,9 tỷ đồng cho 07 công trình chuyển tiếp, 1,329 tỷ đồng cho 02 công trình khởi công mới); Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi: 0,496 tỷ đồng (gồm 0,196 tỷ đồng cho 01 công trình chuyển tiếp, 0,3 tỷ đồng cho 01 công trình mới); Chương trình Giảm nghèo bền vững: 9 tỷ đồng (gồm 6,483 tỷ đồng cho 08 công trình chuyển tiếp, 2,517 tỷ đồng cho 02 công trình mới).

+ Vốn ngân sách tỉnh: UBND tỉnh đã phân bổ 9,002 tỷ đồng, trong đó: 7,132 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư Chương trình XD nông thôn mới (phân bổ 7 tỷ cho các công trình chuyển tiếp, 0,132 tỷ cho 02 công trình mới); 1,828 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư Chương trình Giảm nghèo bền vững (phân bổ 1,419 tỷ cho các công trình chuyển tiếp, 0,409 tỷ cho 02 công trình mới); 0,042 tỷ hỗ trợ đầu tư Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số & Miền núi.

Hiện nay, các chủ đầu tư đang lập kế hoạch đấu thầu đối với công trình khởi công mới để thực hiện; số vốn giải ngân đến tháng 5/2023 là 4,19/25,425 tỷ đồng, đạt 16,47% kế hoạch, chủ yếu thanh toán cho các công trình chuyển tiếp.

- Vốn sự nghiệp: Năm 2023, ngân sách Trung ương phân bổ 11,679 tỷ đồng, theo đó, UBND huyện đã thông báo kinh phí để các chủ đầu tư lập thủ tục thực hiện.

d) Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 45 dự án với tổng diện tích đất thu hồi: 1.461,15 ha; trong đó: 11 dự án trọng điểm (diện tích: 1.238,8 ha), 34 dự án chuyển tiếp (diện tích: 222,4 ha). Nhìn chung, công tác giải phóng mặt bằng các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, đã bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án, như: Dự án Hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây đã bàn giao: 202,55/ 275,84 ha; Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế đã bàn giao: 103,87/164,9 ha; Đường trục chính khu đô thị Chân Mây tại xã Lộc Vĩnh đã bàn giao 1,23/1,43Km…..  

3. Thu chi ngân sách

Thu ngân sách nhà nước tại địa phương đến tháng 5/2023 đạt 48,247 tỷ đồng, đạt 19% so với kế hoạch (nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu ngân sách đạt 37% kế hoạch); Tổng chi ngân sách địa phương 361,6 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch.

4. Quy hoạch, quản lý tài nguyên môi trường và trật tự xây dựng

a) Công tác quy hoạch: Tập trung thực hiện hoàn thành các đồ án quy hoạch xây dựng chuyển tiếp năm 2022 và triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch theo kế hoạch năm 2023; tiến độ cụ thể như sau:

- Tổng hợp ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; tham gia ý kiến về Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch ven biển Vinh Mỹ,…

- Hoàn thiện các tiêu chí (khắc phục các điểm ngập úng, tuyến phố văn minh đô thị,…), phục vụ xây dựng Đề án công nhận các đô thị mới Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc đạt tiêu chí đô thị loại V.

b) Quản lý tài nguyên môi trường

Đến tháng 5, đã xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 171 trường hợp, với diện tích 22,78 ha; lũy kế đến nay, đã cấp 109.515 giấy chứng nhận với diện tích 21.952,47 ha, đạt tỷ lệ 99,19% diện tích cần cấp.

Chỉ đạo thực hiện thu gom và vận chuyển rác thải, không để xảy ra tình trạng rác thải tồn đọng tại các chợ và khu đông dân cư; tích cực thực hiện phong trào “ngày Chủ nhật xanh”, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tiếp tục thực hiện tốt các tuyến đường do Nhân dân tự quản, phát động việc xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu. Quản lý tài nguyên được tăng cường; thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn.

c) Công tác quản lý trật tự xây dựng: Trên địa bàn xảy ra 04 trường hợp vi phạm về lĩnh vực trật tự xây dựng (01 tại thị trấn Phú Lộc, 03 tại thị trấn Lăng Cô). Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, nhằm kịp thời xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm, đặc biệt các trường hợp xây dựng đối phó giải phóng mặt bằng.

5. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

a) Văn hóa, thể thao: Chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ Nhân dân; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm như: Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Mừng Đảng mừng Xuân Quý Mão, Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng quê hương Phú Lộc (24/3/1975 - 24/3/2023), 48 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2023), hoạt động kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023),…

b) Y tế: Chỉ đạo triển khai công tác đánh giá các tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã năm 2023. Đẩy mạnh các hoạt động về phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các xã, thị trấn. Đã tổ chức triển khai Hội nghị Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023; đồng thời, thành lập và tổ chức 19 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện.

Tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh dịch bệnh trong tình hình mới; đến nay, tỷ lệ bao phủ vắc xin được tiêm đối với người từ 18 tuổi trở lên: mũi 1 đạt 100% (89.100 mũi tiêm), mũi 2 đạt 100% (89.165 mũi tiêm), mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1) đạt 63,2% (56,378 mũi tiêm), mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) đạt 95,0% (8.332 mũi tiêm); người từ 12-17 tuổi: mũi 1 đạt 100% (13.594 mũi tiêm), mũi 2 đạt 100% (13.705 mũi tiêm), mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1) đạt 81,9% (10.822 mũi tiêm); nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: mũi 1 đạt 89,0% (13.320 mũi tiêm), mũi 2 đạt 60,8% (9.090 mũi tiêm).

c) Giáo dục và đào tạo: Tập trung chỉ đạo công tác kiểm tra và tổ chức sơ kết học kỳ I các bậc học. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các trường hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia theo lộ trình Đề án đã phê duyệt. Đến nay, đã có 10 trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá, trong đó có 03 trường đã hoàn thành và đã làm hồ sơ đề nghị tỉnh đánh giá ngoài công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia gồm: các trường Tiểu học: An Lương Đông, Vinh Giang, Trường TH&THCS Lâm Mộng Quang.

d) An sinh xã hội:

Chính sách xã hội được thực hiện tốt, công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách được quan tâm thường xuyên. Đã giải quyết 987 hồ sơ BTXH; trong đó: 370 hồ sơ hưởng mới, 247 hồ sơ mai táng phí, 64 hồ sơ điều chỉnh mức hưởng, 304 hồ sơ thôi hưởng trợ cấp và 02 hồ sơ đề nghị Sở Lao động-TB&XH tiếp nhận, đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm BTXH; giải quyết 132 hồ sơ chính sách có công; trong đó, 56 hồ sơ đề nghị trợ cấp mai táng phí cho người có công với cách mạng và 76 hồ sơ đề nghị trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, 01 hồ sơ đang hưởng mất sức lao động đề nghị hưởng thêm trợ cấp thương binh và 04 hồ sơ miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người có công với cách mạng. Đồng thời, triển khai công tác điều dưỡng năm 2023, với nhu cầu 70 người có công, thân nhân người có công đi điều dưỡng ngoại tỉnh, điều dưỡng tập trung tại tỉnh: 193 người và điều dưỡng tại nhà: 363 người.

Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân huyện và Công an huyện hỗ trợ xây dựng 05 nhà ở cho hộ nghèo và sửa chữa 17 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí 635 triệu đồng (trong đó, xây dựng mới là 380 triệu đồng, sửa chữa nhà 255 triệu đồng). Đồng thời, tổng hợp 748 hộ nghèo không có khả năng lao động theo thứ tự ưu tiên để có phương án hỗ trợ.

Tập trung chỉ đạo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; kết quả 5 tháng đầu năm, đã đào tạo mới cho 915/1.794 lao động (đạt 51% KH); giải quyết việc làm mới cho 923/1.745 lao động (đạt 52,89% KH); trong đó, giải quyết việc làm mới cho lao động đã qua đào tạo 875/1.730 lao động (đạt 50,56% KH). Đồng thời, phối hợp đưa 160/300 lao động (đạt 53,33% KH) xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

6. Lĩnh vực nội chính, giải quyết đơn thư khiếu nại.

- Về quốc phòng - an ninh: Các cơ quan đơn vị, địa phương, lực lượng vũ trang thực hiện tốt việc xây dựng và triển khai kế hoạch trực bảo vệ cơ quan, đơn vị; chuẩn bị tốt các điều kiện và nắm bắt kịp thời những diễn biến xã hội, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Đã tổ chức thành công Lễ giao nhận quân năm 2023. Buổi lễ đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, giao đủ 100% quân (cụ thể: đã giao 172 quân, trong đó: 156 quân cho Bộ Quốc phòng, 16 quân cho Bộ Công an).

- An toàn giao thông: Đến tháng 5, tai nạn giao thông xảy ra 12 vụ làm chết 06 người, bị thương 10 người; trong đó: Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 11 vụ làm chết 05 người, bị thương 10 người. Tai nạn giao thông đường sắt: Xảy ra 01 vụ, làm 01 người chết.  

- Về công tác tiếp công dân: Trong tháng 5, đã tổ chức 02 cuộc tiếp công dân định kỳ với 04 lượt công dân.

- Về giải quyết đơn thư: Trong tháng 5, UBND huyện đã tiếp nhận 28 đơn kiến nghị, phản ánh, cụ thể như sau:

+ Đơn thuộc thẩm quyền: 11 đơn kiến nghị, phản ánh. UBND huyện đã tiếp nhận và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện kiểm tra, xác minh để tham mưu UBND huyện giải quyết, trả lời đơn đảm bảo theo quy định. Đến nay, đã giải quyết: 03/11 đơn (đang trong thời hạn giải quyết), đạt 27% (đơn kiến nghị, phản ánh), còn 08 đơn (đang trong thời hạn giải quyết), UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan khẩn trương giải quyết đảm bảo thời gian quy định.

+ Đơn không thuộc thẩm quyền: 17 đơn (gồm: 14 đơn kiến nghị, phản ánh 02 đơn tranh chấp, 01 đơn tố cáo): UBND huyện đã có Công văn chuyển đơn đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để được giải quyết theo đúng quy định.

7. Công tác cải cách hành chính, khoa học công nghệ:

a) Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo thực hiện; đã triển khai Hội thi trực tuyến tìm hiểu công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 trong cán bộ, công chức, viên chức năm 2023. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện năm 2023.

Hoạt động của Trung tâm Hành chính công huyện ngày càng phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác phục vụ. Trong tháng 5, Trung tâm Hành chính công huyện đã tiếp nhận 988 hồ sơ; trong đó: tiếp nhận truyền thống: 575 hồ sơ, liên thông, trực tuyến: 413 hồ sơ (liên thông từ cấp xã: 337 hồ sơ; công dân/tổ chức nộp: 76 hồ sơ). Đã giải quyết: 519 hồ sơ, đúng hẹn: 514 hồ sơ; trễ hẹn: 05 hồ sơ (Lĩnh vực Đất đai: 03 hồ sơ, Lĩnh vực hoạt động xây dựng: 02 hồ sơ). Đã trả kết quả cho công dân/tổ chức: 897 hồ sơ (trả qua dịch vụ Bưu chính công ích: 651, trả trực tiếp: 246 hồ sơ). Thực hiện số hóa hồ sơ TTHC đã tiếp nhận tại Trung tâm đạt 100%.

b) Về công tác Chuyển đổi số

UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 06/12/2202 về Chuyển đổi số trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 262/KH-UBND ngày 30/12/2022 về Chuyển đổi số trên địa bàn huyện năm 2023; Kế hoạch 23/KH-UBND ngày 18/01/2023 về tuyên truyền công tác Chuyển đổi số năm 2023; Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 15/02/2023 về triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 28/01/2023 về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số trên địa bàn huyện Phú Lộc năm 2023. Đã tổ chức phiên gặp gỡ, trao đổi với chuyên gia T.S Phùng Văn Đông - Giám đốc Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam về Chuyển đối số trên địa bàn huyện.

c) Khoa học - công nghệ: Tiếp tục Triển khai thực hiện các dự án KH&CN: Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất Sâm bồng bồng và dây Thìa canh gắn với chuỗi giá trị tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế” và “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng cây tràm gió tại xã Xuân Lộc và Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Phối hợp Đại học Nông Lâm tổ chức Hội nghị triển khai đề tài KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu bảo tồn, phát triển và chế biến sản phẩm chè Truồi tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Hướng dẫn các đơn vị, cá nhân có liên quan tiến hành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu cá nhân cho các sản phẩm địa phương.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 6

1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra tại Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 03/01/2023 của UBND huyện về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 03/01/2023 về Chương trình công tác năm 2023 của UBND huyện; trong đó, tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện hoàn thành chương trình công tác, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn bà con gieo sạ đảm bảo trong khung thời vụ của vụ Hè Thu năm 2023. Thực hiện tốt công tác quản lý giống gia súc, gia cầm và thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn, chăm sóc phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân cải tạo ao hồ đảm bảo quy trình kỹ thuật; xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án khai thác mặt nước đầm Lập An, thị trấn Phú Lộc năm 2023; tăng cường công tác kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiểm soát các nghề khai thác trái phép và đánh bắt hủy diệt trên đầm phá.

3. Đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, đặc biệt là các công trình trọng điểm, công trình phục vụ sản xuất và các chương trình MTQG. Thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư, đảm bảo theo đúng quy định của Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 27/12/2022 của UBND tỉnh.

4. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND các xã, thị trấn, đặc biệt là các xã, thị trấn trong khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ GPMB các công trình, dự án trên địa bàn huyện.

5. Chỉ đạo Chi cục Thuế khu vực Phú Lộc - Nam Đông, UBND các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác thu ngân sách trên địa bàn, thực hiện hiệu quả công tác thu - chi ngân sách; đẩy mạnh công tác chống thất thu, nợ đọng thuế, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

6. Tiếp tục chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác kiểm định chất lượng giáo dục và trường chuẩn Quốc gia đối với các trường đề nghị công nhận trong năm 2023. Tổ chức xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023 và hướng dẫn tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2023-2024.

7. Chỉ đạo Trung tâm Y tế, Văn phòng HĐND và UBND huyện chủ động nắm bắt tình hình, tổ chức giám sát, xử lý các dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh mùa hè, sốt xuất huyết,.... Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 theo quy định. Đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và quản lý các đối tượng hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn.

8. Chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3 và các đơn vị liên quan, tổ chức kiểm tra tại các chợ, các điểm kinh doanh trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ; tình hình niêm yết giá các mặt hàng thiết yếu…

Rà soát các quy hoạch chung đô thị, nông thôn, khu chức năng để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Tiếp tục đầu tư xây dựng La Sơn đạt tiêu chí đô thị loại V; phối hợp xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị Chân Mây; nâng cấp và từng bước hình thành các đô thị mới: Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Vinh Hưng đạt tiêu chí đô thị loại V.

Phê duyệt các Đồ án quy hoạch chi tiết phân lô các khu dân cư, tái định cư của các Chủ đầu tư theo định hướng quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và quy hoạch chung đô thị để tạo quỹ đất đấu giá và bố trí tái định cư đảm bảo thời gian quy định.

9. Tiếp tục chỉ đạo Đội Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, tham mưu xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn; tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch về đảm bảo trật tự công cộng, trật tự đô thị, trật từ ATGT gắn với phòng trào chủ nhật xanh trên địa bàn huyện.

10. Chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2023 và Kế hoạch bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2023; Kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2023.

11. Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tổ chức tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm các ngày lễ, kỷ niệm lớn trong năm; đặc biệt là tổ chức tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh,… Tiếp tục rà soát, tham mưu UBND huyện hoàn chỉnh xây dựng Kế hoạch tuyên truyền công tác Chuyển đổi số năm 2023; Kế hoạch tổ chức Hội nghị tập huấn về nghiệp vụ công tác thông tin cơ sở năm 2023. Chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm.

12. Chỉ đạo lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn quyết tâm, tập trung theo dõi, đôn đốc cán bộ, công chức, viên chức tham gia thụ lý hồ sơ TTHC thực hiện đúng quy trình giải quyết hồ sơ, nâng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn theo mục tiêu chất lượng đề ra; tổ chức hưởng ứng, tham gia Hội thi trực tuyến tìm hiểu công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 trong cán bộ, công chức, viên chức năm 2023.

13. Chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân tại cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường công tác giải quyết, trả lời đơn thư, khiếu nại của công dân theo đúng quy định, tránh để tồn đọng, chậm xử lý gây bức xúc cho công dân và kiến nghị, khiếu nại vượt cấp.

14. Tập trung chỉ đạo và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và phòng cháy chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

15. Chỉ đạo Công an huyện, Công an các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn huyện, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 và Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt./.

Văn Dàng
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày