Tìm trên trang KT-XH
Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021
02/09/2021 10:36:AM

Phần I

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

Thực hiện Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND huyện về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 04/01/2021 về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, các ban ngành cấp huyện, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức thực hiện bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và triển khai ngay từ đầu năm để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 cụ thể như sau:

 

TT

Chỉ tiêu

KH 2021

TH

6 tháng

Tỷ lệ % so với KH

1

Thu cân đối ngân sách (tỷ đồng)

184,69

96,62

52,0

2

Chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn (tỷ đồng)

586,594

332,866

56,7

3

Thu nhập bình quân đầu người (tr.đồng)

62

Tính vào cuối năm

4

Tổng đầu tư toàn xã hội (tỷ đồng)

7.000

3.383

48,3

5

Sản lượng lương thực có hạt (1.000 tấn)

40,350

24,601

60,96

6

Sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản  (tấn)

10.835

3.400

31,37

 

Trong đó: Sản lượng nuôi trồng (tấn)

3.190

770

24,13

                 Sản lượng đánh bắt thủy sản (tấn)

7.645

2.630

34,4

7

Lượt khách du lịch (nghìn lượt)

845

365

43,2

8

Tổng mức bán lẻ hàng hóa (tỷ đồng)

5.520

2.516

45,6

9

Tỷ lệ hộ nghèo (%)

3,8

Tính vào cuối năm

10

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (%)

6,42

Tính vào cuối năm

11

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (%)

58,5

47,8

 

12

Tạo việc làm mới trong năm (người)

1.540

869

56,43

13

Tỷ lệ lao động được đào tạo (%)

66,0

50,3

 

14

Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch (%)

96,5

96,2

 

15

Số xã đạt chuẩn Nông thôn mới (xã)

Tăng 1

Tính vào cuối năm

16

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân (%)

≥ 96,5

96

 

 

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về phát triển kinh tế:

a) Lĩnh vực dịch vụ:

Dịch vụ du lịch: Trong những tháng đầu năm, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đã có nhiều chính sách khuyến mãi, quảng bá nên thu hút và đón được nhiều lượt khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời gian gần đây, một số địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc… đã làm cho lượng khách du lịch trong những tháng cao điểm giảm mạnh, nhiều tour chuyến bị hủy bỏ; các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tạm ngừng hoạt động, đặc biệt là tại địa bàn các xã Khu 2 và Khu trung tâm, đây là nơi có nhiều điểm dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Tổng lượt khách du lịch khoảng 365.000 lượt, đạt 43,2% kế hoạch. Doanh thu dịch vụ du lịch khoảng 385 tỷ đồng, đạt 42,3% so với kế hoạch.

Dịch vụ thương mại: Hoạt động thương mại trong 6 tháng đầu năm, có nhiều khởi sắc, thị trường nội địa được khai thác có hiệu quả, hoạt động lưu thông hàng hoá, dịch vụ đã đáp ứng được nhu cầu đời sống nhân dân, đặc biệt là thời điểm dịp Tết Nguyên đán, sức mua các loại hàng hóa tiêu dùng tăng cao, tuy vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, đã tiến hành hoạt động kiểm tra, kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường tại các chợ và triển khai thực hiện đánh giá tiêu chí, xác nhận điều kiện hoạt động an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Các ngành dịch vụ khác: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã tạm hoãn hoạt động. Tổng doanh thu dịch vụ vận tải trong 6 tháng đầu năm, khoảng 2.906 tỷ đồng, đạt 44,7% kế hoạch; khối lượng hàng hóa luân chuyển trên toàn huyện khoảng 18.760 tấn/km, đạt 46,9% kế hoạch; lượng hành khách luân chuyển khoảng 45.410 hành khách/km, đạt 47,8% kế hoạch; chất lượng các dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng được nâng cao.

Giá trị sản xuất ngành dịch vụ 6 tháng đầu năm khoảng 8.015 tỷ đồng, đạt 45,8% so với kế hoạch, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 2.516 tỷ đồng, đạt 45,6% kế hoạch, tăng 16,4% so với cùng kỳ.

b) Lĩnh vực công nghiệp: Tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh phát triển các ngành nghề có tiềm năng thế mạnh như chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp gia công, in ấn bao bì, sản xuất cơ khí, điện tử, may mặc... Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề phụ trợ tại khu công nghiệp thông qua chương trình khuyến công, hỗ trợ mua sắm máy móc, trang thiết bị, tìm kiếm thị trường đầu ra nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân

c) Lĩnh vực khuyến công, xúc tiến thương mại: Đã tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa một số vị trí để đăng ký thành lập Cụm công nghiệp; trong đó, đăng ký ưu tiên đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Vinh Hưng và đăng ký 03 vị trí định hướng thành lập các cụm công nghiệp, cụm làng nghề mới (thôn Vinh Sơn, xã Lộc Sơn, diện tích khoảng 15ha).

Đã triển khai bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021, từng bước hình thành dự kiến có khoảng 15 sản phẩm và nhóm sản phẩm tham gia bình chọn; trong đó, các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của huyện gồm: Máy ấp trứng gia cầm, Dầu Tràm, Rượu vang Bạch Mã, mộc mỹ nghệ, mắm, nước mắm, sản phẩm chế biến từ thủy hải sản…

Giá trị sản xuất lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện khoảng 1.545 tỷ đồng, đạt 46,6% kế hoạch và tăng 26,7% so với cùng kỳ; trong đó, sản xuất công nghiệp 1.197 tỷ đồng, tiểu thủ công nghiệp 348 tỷ đồng.

c) Lĩnh vực nông nghiệp:

Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 8.227,9 ha, đạt 96,5% so với kế hoạch, bằng 99,1% so với cùng kỳ.

Vụ Đông Xuân: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 4.878,9 ha, đạt 96,6% kế hoạch và đạt 106,2% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích lúa 3.828,9 ha, đạt 100% kế hoạch vụ Đông Xuân và bằng 101,3% so với cùng kỳ; năng suất lúa đạt 64,23 tạ/ha, tăng 2,53 tạ/ha so với cùng kỳ, sản lượng thóc 24.592,9 tấn; tỷ lệ giống xác nhận, nguyên chủng đưa vào sản xuất đạt trên 95%, tương đương 376 tấn. Cây trồng khác 1.050 ha, hầu hết đang phát triển tốt và cho năng suất ổn định. Về cơ cấu giống vụ Đông Xuân, đã đưa vào gieo cấy các giống lúa có năng suất, chất lượng cao như: ĐT100: 380 ha; Hà Phát 3: 430 ha; HN6: 385 ha; HG 12: 370 ha; Thiên ưu 8: 180 ha… đây là các giống mới có khả năng thâm canh cao, kháng sâu bệnh, chống đỗ ngã tốt, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nông dân đầu tư thâm canh tăng năng suất, nhờ vậy năng suất lúa ngày càng tăng.

Vụ Hè Thu: Diện tích gieo trồng 3.421 ha, đạt 96,4% so với kế hoạch và cùng kỳ; trong đó, lúa 2.671 ha, rau màu các loại 750 ha; chuyển đổi khoảng 100 ha cây trồng trên diện tích lúa thiếu nước sang trồng các cây trồng khác như: lạc, dưa, khoai lang…; hiện nay, các loại cây trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt; diện tích đất bỏ hoang 129 ha, tăng 29 ha so với cùng kỳ, nguyên nhân do nắng nóng kéo dài gây khô hạn, nguồn nước không đảm bảo để sản xuất.

Đã triển khai thực hiện các Đề án gồm: Đề án Cánh đồng mẫu với diện tích thực hiện 230 ha, ở 10 HTX, kết quả đánh giá năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, cao hơn 06 tạ/ha so với lúa sản xuất đại trà; Đề án cải tạo, nhân rộng bưởi da xanh, trồng mới 5,5 ha bưởi da xanh (lũy kế đến nay đã trồng mới 23 ha), 01 ha dâu Truồi. Tổ chức thí điểm mô hình sản xuất lạc hữu cơ ở HTX Mỹ Hải, đã gieo trồng 4,5 ha; các mô hình nuôi cá chình hoa 2.000m2 ở xã Lộc Hòa, cá lăng 1,5 ha ở xã Lộc Sơn, ốc bươu đen 1.000 m2 ở xã Lộc Điền, Vinh Mỹ; trồng bưởi da xanh xen ổi 07 ha ở xã Lộc Sơn.

Chăn nuôi: Duy trì tổng đàn trâu 4.125 con, bò 3.719 con, gia cầm 589.815 con, đàn lợn 10.900 con, dê 1.114 con. Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển lợn an toàn sinh học năm 2021; đến nay, đã tổ chức nghiệm thu, hỗ trợ thức ăn và 400 con giống cho 11 hộ/04 xã (Vinh Hưng, Lộc Bổn, Lộc Hòa, Lộc An, Lộc Trì). Chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăm sóc cho đàn gia súc, gia cầm, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; tổ chức tiêm phòng vụ Xuân theo kế hoạch.

Lâm nghiệp: Tổ chức trồng lại rừng sản xuất sau khi thu hoạch, hướng dẫn các chủ rừng phát quang đường ranh, xử lý thực bì đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm, đã khai thác 846 ha với sản lượng 50.748 m3 gỗ rừng trồng; kiểm tra phát hiện và xử lý 17 vụ vi phạm về pháp luật bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng.

Thủy sản: Tổ chức hướng dẫn bà con cải tạo ao hồ, chuẩn bị các điều kiện nuôi trồng đảm bảo lịch thời vụ. Đến nay, đã thả nuôi 1.310 ha; trong đó, nuôi nước lợ 1.005 ha, nuôi nước ngọt 305 ha, nuôi cá lồng 430 lồng (nước lợ 4.080 lồng, nước ngọt 220 lồng), nuôi bể xi măng 23.000m3. Sản lượng nuôi trồng 800 tấn, đạt 21,1% kế hoạch, bằng 97% cùng kỳ, trong đó: tôm 430 tấn, cua 100 tấn, cá các loại 120 tấn, nhuyễn thể 150 tấn; sản lượng khai thác tự nhiên khoảng 3.400 tấn, đạt 31,37% kế hoạch năm và bằng 97% cùng kỳ (trong đó đánh bắt biển 2.630 tấn, sông đầm 770 tấn).

Tiếp tục thực hiện Đề án quản lý và khai thác mặt nước đầm Lập An, đến nay, đã cắm 09 bảng pano quanh đầm để phân vùng quản lý, khai thác mặt nước; cắm cọc mốc trên đầm về các khu vực nuôi hàu, nuôi lồng và vùng sử dụng chung, luồng lạch...

Kinh tế hợp tác xã: Chỉ đạo các HTX xây dựng, sửa chữa các công trình đê, đập thủy lợi, nạo vét kênh mương, xây dựng phương án phòng, chống hạn năm 2021. Phối hợp với các địa phương chỉ đạo các HTX Đại hội tổng kết năm, đến nay 24/36 đơn vị đã hoàn thành; đã tổng hợp kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 của 27 HTX (08 đơn vị chưa báo cáo quyết toán, 01 đơn vị mới thành lập); kết quả xếp loại, 04 đơn vị tốt, 08 đơn vị khá, 09 đơn vị trung bình và 06 đơn vị yếu.

Đối với công tác xây dựng nông thôn mới: Ngoài 08 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay có 02 xã đạt 17 tiêu chí (Xuân Lộc, Lộc Bình), 01 xã đạt 16 tiêu chí (Giang Hải), 01 xã đạt 14 tiêu chí (Lộc Vĩnh); 02 xã đạt 12 tiêu chí (Lộc Thủy, Lộc Tiến). UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, bố trí kinh phí ngân sách huyện để thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất trường học của Trường Tiểu học & THCS Xuân Lộc, Lộc Bình, tổng mức đầu tư 10,6 tỷ đồng và đã đăng ký nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 các công trình để bổ sung hoàn thành tiêu chí như: Xây dựng khối nhà hiệu bộ và khối nhà 04 phòng học Trường Mầm non Xuân Lộc, tổng mức đầu tư 9,7 tỷ đồng; công trình xây dựng khu hiệu bộ, 04 phòng bộ môn cơ sở vật chất văn hóa Trường TH&THCS Lộc Bình, tổng mức đầu tư 6,5 tỷ đồng; Phòng đa năng và phòng hành chính Trường Mầm non Lộc Bình, tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng,… Đối với tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã Vinh Hưng đạt 16/17 chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, còn lại Tiêu chí cảnh quan môi trường và còn 550 m chưa có đường ống nước sạch. Đối với tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, xã Lộc Bổn đạt 12/13 chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, còn lại tỷ lệ hộ nghèo chưa đạt (hiện còn 1,39%).

2. Tình hình đầu tư phát triển, giải phóng mặt bằng:

Về đầu tư phát triển: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm khoảng 3.383 tỷ đồng, đạt 48,3% so với kế hoạch. Quản lý đầu tư xây dựng được tập trung chỉ đạo thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, đã chủ động trong công tác quản lý, thanh toán và đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các dự án có trong kế hoạch. Tình hình thực hiện các nguồn vốn đầu tư công trong 6 tháng như sau:

Các công trình thuộc nguồn vốn tỉnh: Năm 2021, bố trí 71,64 tỷ đồng, phân bổ đầu tư 13 công trình, gồm: 11 công trình chuyển tiếp và 02 công trình mới. Đã thanh toán 24,085 tỷ đồng, đạt 34% so với kế hoạch, đến 30/6/2021 giải ngân 41,19 tỷ đồng, đạt 58% so với kế hoạch, không có công trình nào vi phạm về chậm trễ giải ngân theo Chỉ thị 28/CT-UBND của UBND tỉnh.

Các công trình thuộc nguồn vốn huyện: Tổng vốn đầu tư 91,1 tỷ đồng, phân bổ đầu tư 87 công trình chuyển tiếp, 65 công trình xây dựng mới. Hiện nay, hầu hết công trình đã triển khai thi công, số công trình còn lại đang tổ chức giải phóng mặt bằng. Tổng vốn đầu tư thanh toán đến 30/6/2021 là 45,95 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch.

Các công trình thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia 2021 đã tổ chức đăng ký, thẩm định, trình phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư; hiện nay, đang đợi kế hoạch phân bổ vốn của Trung ương, của tỉnh để thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Trong 6 tháng đầu năm, tiếp tục thực hiện các công trình chuyển tiếp của năm trước và triển khai thực hiện các công trình, dự án mới. Đã thực hiện 29 dự án, trong đó có 10 dự án mới, 19 dự án chuyển tiếp; tăng cường đối thoại giải quyết các vướng mắc, kịp thời chi trả bồi thường theo khối lượng đã phê duyệt. Nhìn chung tiến độ công tác GPMB các dự án đảm bảo yêu cầu, kế hoạch của nhà đầu tư.

Về xúc tiến đầu tư: Đã tổ chức rà soát, xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; giai đoạn 2021-2022, UBND tỉnh đã thống nhất lập các thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 09 dự án (trong đó: dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng 01 dự án, tổng vốn dự kiến 1.800 tỷ; thương mại, dịch vụ 03 dự án, tổng mức dự kiến 160 tỷ; khu dân cư mới 02 dự án, tổng mức dự kiến 1.020 tỷ; kết cấu hạ tầng khác 02, tổng mức dự kiến 140 tỷ và nông nghiệp 01 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến 700 tỷ đồng). 

3. Thu, chi ngân sách:

Thu ngân sách nhà nước tại địa phương trong 6 tháng đạt 96,62 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch, bằng 97% so với cùng kỳ; trong đó, các khoản thu do huyện quản lý thu 58,6 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch (thu cấp quyền sử dụng đất chỉ đạt 13% so với dự toán giao), các khoản thu Cục Thuế trực tiếp quản lý thu 37,178 tỷ đồng, đạt 138% kế hoạch. Nếu loại trừ thu cấp QSD đất, thu cân đối đạt 82% kế hoạch.

Công tác quản lý chi ngân sách đảm bảo đúng kế hoạch và phục vụ kịp thời các hoạt động của các ngành, các cấp cũng như đầu tư xây dựng cơ bản. Kho bạc Nhà nước huyện thường xuyên thực hiện công tác kiểm soát chi đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân. Tổng chi ngân sách trên địa bàn 332,866 tỷ đồng, đạt 56,7% kế hoạch; trong đó, chi ngân sách huyện 267,931 tỷ đồng, chi ngân sách xã, thị trấn 64,935 tỷ đồng. Đã kịp thời chi hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng do bão lụt năm 2020, chi khắc phục các công trình, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi góp phần ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau bão, lụt.

4. Quy hoạch, quản lý tài nguyên môi trường và trật tự xây dựng:

Công tác quy hoạch: Tập trung thực hiện hoàn thành các đồ án quy hoạch xây dựng chuyển tiếp của năm 2020 như: Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phú Lộc; Quy hoạch phân khu Khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng ven biển tại xã Giang Hải - Vinh Hiền và đã triển khai lập, thẩm định, trình phê duyệt nhiệm vụ các quy hoạch, đề án mới như: Quy hoạch phân khu Khu vực Lộc Bình (núi Quện); Quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn khu vực ven đầm Cầu Hai; Quy hoạch chung đô thị mới Vinh Hưng; quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Phú Lộc và thị trấn Lăng Cô... Đã chủ động bố trí một phần kinh phí để chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Đồ án quy hoạch.

Quản lý đất đai, tài nguyên môi trường:

Trong 6 tháng đầu năm, đã cấp 185 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 42,65 ha; lũy kế đến nay, đã cấp được 108.283 giấy với diện tích 21.842,49 ha, đạt tỷ lệ 98,87% so với tổng diện tích đất cần cấp. Các loại đất đã cấp trong 6 tháng gồm: Đất sản xuất nông nghiệp 82 giấy, diện tích 9,81 ha; đất lâm nghiệp 04 giấy, diện tích 24,12 ha; đất ở đô thị 13 giấy, diện tích 0,66 ha; đất ở nông thôn 82 giấy, diện tích 5,94 ha.

Trong 6 tháng đầu năm, đã cấp đổi 692 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 57,71 ha; lũy kế đến nay đã cấp đổi được 31.200 giấy, với tổng diện tích 3.440,44 ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 18.508 giấy, diện tích 2.017,47 ha; đất lâm nghiệp 272 giấy, diện tích 265,63ha; đất nuôi trồng thủy sản 698 giấy, diện tích 218,46ha; đất ở tại nông thôn 9.685 giấy, diện tích 810,26 ha; đất ở tại đô thị 2.037 giấy, diện tích: 128,62 ha.

Chỉ đạo thực hiện Đề án thu gom và vận chuyển rác thải, không để xảy ra tình trạng rác thải tồn đọng tại các chợ và khu đông dân cư; tích cực thực hiện phong trào “ngày Chủ nhật xanh”, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tiếp tục thực hiện tốt các tuyến đường do nhân dân tự quản, phát động việc xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu. Quản lý tài nguyên được tăng cường; thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Công tác quản lý trật tự xây dựng: Trong 6 tháng đầu năm, phát hiện 34 trường hợp xây dựng vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai; 08 trường hợp xây dựng không có giấy phép, vi phạm chỉ giới xây dựng và xây dựng trên đất thuộc vùng quy hoạch được phê duyệt; đã lập biên bản vi phạm và xử lý theo quy định. Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nhằm kịp thời xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm, đặc biệt là các trường hợp xây dựng đối phó để giải phóng mặt bằng; cụ thể, đã phát hiện 08 trường hợp xây dựng sau khi đã có thông báo thu hồi đất giai đoạn 6 (dự án Sài Gòn - Huế).

5. Lĩnh vực văn hóa, xã hội:

a) Văn hóa, thể thao:

Chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ bà con nhân dân trong dịp tết và lễ hội Xuân. Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021); tuyên truyền công tác tuyển quân năm 2021; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2021; tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; an toàn giao thông, cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến… trên sóng phát thanh và truyền hình, xe tuyên truyền lưu động, đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Đặc biệt, đã tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 và hướng dẫn cách ly y tế tại hộ gia đình để người dân nắm bắt thông tin và phối hợp tốt nhằm phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn huyện; Kế hoạch triển khai Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 01-KH/TU ngày 22/12/2020 của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Kết luận 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

b) Giáo dục và đào tạo: Chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021. Xây dựng Đề án trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2021-2025; đã chỉ đạo các trường cận chuẩn, đã đạt chuẩn đến thời gian đề nghị công nhận, tiến hành tự đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục để công nhận trường chuẩn Quốc gia trong năm 2021. Hiện nay, đã nộp hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn thêm 04 trường, nâng số trường đạt chuẩn Quốc gia lên 36/67 trường, chiếm tỷ lệ 54%. Trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh, huyện đạt 89 giải, gồm: 03 giải nhất, 10 giải nhì, 34 giải ba và 42 giải khuyến khích, xếp thứ 2 toàn tỉnh; trong kỳ thi giải toán bằng máy tính cầm tay cấp tỉnh lớp 9 năm học 2020-2021, huyện đạt 25 giải, xếp thứ nhất toàn tỉnh; trong cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - nhi đồng cấp tỉnh, huyện đạt 02 giải ba và 03 giải khuyến khích.

c) Y tế:

Đẩy mạnh các hoạt động về phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các xã, thị trấn; đã kiểm tra giám sát hoạt động của mô hình điểm giám sát bữa ăn đông người tại các xã: Lộc Sơn, Lộc Bình, Xuân Lộc, Vinh Hiền, Giang Hải, Lộc Điền, Lộc Hòa, Vinh Hưng, Vinh Mỹ; qua kiểm tra, có 28,6% vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm.

Công tác phòng, chống dịch bệnh: Đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bộ tiêu chí cơ sở bán thuốc an toàn phòng chống dịch Covid-19; rà soát, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập đảm bảo an toàn về phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình hoạt động. Đã chỉ đạo tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ các trường hợp đến và trở về từ các khu vực có dịch và các trường hợp có tiếp xúc gần với người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19; chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid tại các điểm bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đến nay, đã tổ chức tiêm 2.539 liều vắc - xin Covid-19 (chưa bao gồm công an, quân đội).

d) Thực hiện các chính sách xã hội, việc làm:

Tiếp nhận, phân bổ quà tết kịp thời, đến tận tay đối tượng chính sách và người nghèo, bảo đảm không để thất thoát, thiếu đói trước và trong dịp Tết Nguyên đán; đã tổ chức trao tặng 20.836 suất quà, với kinh phí 7.139.100.000 đồng.

Về công tác bảo trợ xã hội, đã tổ chức giải quyết 953 hồ sơ cho các đối tượng bảo trợ xã hội; trong đó, hồ sơ hưởng mới 356 hồ sơ, thôi hưởng 319 hồ sơ, 228 hồ sơ mai táng phí và 50 hồ sơ điều chỉnh mức hưởng. Phối hợp với Viettel Thừa Thiên Huế và UBND các xã, thị trấn tổ chức thu thập thông tin mở tài khoản ViettelPay, thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt. Đến nay, đã hoàn thành 100% việc mở tài khoản ViettelPay cho đối tượng tại 17 xã, thị trấn; đã tổ chức việc chi trả chính sách xã hội không dùng tiền mặt tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Về công tác chính sách có công, đã giải quyết 108 hồ sơ chính sách có công; trong đó, 82 hồ sơ mai táng phí, 24 hồ sơ thờ cúng liệt sĩ, 02 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Triển khai Kế hoạch điều dưỡng năm 2021 cho UBND 17 xã, thị trấn với 110 người điều dưỡng ngoại tỉnh, 200 người điều dưỡng tập trung tại tỉnh: 426 người điều dưỡng tại nhà.

Về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em được quan tâm và chung tay của toàn xã hội; đã tổ chức trao học bổng cho 80 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó trên địa bàn, với tổng số tiền 55 triệu đồng do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và Văn phòng dự án Zhishan Foundation tài trợ; Xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2021 và Kế hoạch bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2021. Xây dựng Kế hoạch phòng chống tệ nạn xã hội năm 2021. Phối hợp với Trung tâm Công tác Xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em, Sở Lao động-TB&XH tổ chức 02 lớp tập huấn về Công tác xã hội với ứng phó thiên tai, rủi ro và tập huấn Công tác xã hội với Phòng chống bạo lực gia đình tại UBND xã Lộc Trì và UBND xã Lộc Sơn với sự tham gia của gần 130 đại biểu của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nữ ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021- 2026, với 170 người tham gia.

Triển khai thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, các đối tượng chính sách. Ban hành Kế hoạch số 786/KH-UBND ngày 26/2/2021 về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021; theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2021, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 3,0%, tương ứng giảm 0,83% so với năm 2020 (năm 2021, tiếp tục áp dụng chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020)

Tập trung chỉ đạo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động năm 2021; đến nay, đã đào tạo mới cho 755/1.500 lao động (đạt tỷ lệ 50,3%); số lao động có việc làm sau khi đào tạo 625 người, giải quyết việc làm mới cho 869/1.540 lao động (đạt tỷ lệ 56,43%); triển khai, đôn đốc các xã, thị trấn tổ chức hội nghị tư vấn về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Phối hợp các xã, thị trấn hỗ trợ Công ty Billion Max tuyển dụng 500 lao động phổ thông.

Đã chỉ đạo tổ chức rà soát các đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 02 chính sách trở lên theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và  Công văn số 1458/UBND-TC ngày 22/2/2021 của UBND tỉnh về việc chi hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 (đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 02 chính sách trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất). Qua rà soát, đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm phần chênh lệch 250.000 đồng/người cho 154 trường hợp (người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm 138 hồ sơ và người bán vé số: 16 hồ sơ) với tổng số tiền 38.500.000 đồng.

6. Công tác cải cách hành chính, khoa học công nghệ:

a) Công tác cải cách hành chính: Năm 2021, tập trung chỉ đạo thực hiện với chủ đề: “Cải cách hành chính gắn với phát triển Chính quyền điện tử” hướng tới xây dựng Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trong giai đoạn 2021-2025 tại Chiến lược 4 không - 1 có “Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không dùng tiền mặt; Dữ liệu có chuyển đổi số”.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phần mềm dùng chung, thực hiện hoàn toàn việc gửi/nhận văn bản qua mạng, đăng ký lịch họp và phát hành giấy mời qua mạng, phần mềm xử lý dịch vụ công, theo dõi ý kiến chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo huyện. Tăng cường tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến nhằm góp phần giảm chi phí và thời gian đi lại, đặc biệt là tránh tập trung đông người trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hoạt động của Trung tâm Hành chính công huyện ngày càng phát huy hiệu quả, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm hành chính công huyện đã tiếp nhận 5.301 hồ sơ; trong đó, số hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 là 1.912 hồ sơ, chiếm 36%. Số hồ sơ đã giải quyết: 4.406 hồ sơ (trong đó, giải quyết đúng hạn: 3.702 hồ sơ, đạt 84,02%; giải quyết trễ hạn: 704 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 15,98%). Số hồ sơ đang giải quyết: 895 hồ sơ (chưa đến hạn: 797 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 89,05%; đã trễ hạn: 98 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 12,3%). 100% hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm Hành chính công được số hóa. Số tài khoản Cổng dịch vụ công đã tạo cho công dân: 416 tài khoản. Đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm Hành chính công, đến nay, có 08 trường hợp thanh toán thành công.

Tại Bộ phận TN&TKQ các xã, thị trấn, trong 6 tháng đầu năm, đã tiếp nhận 14.390 hồ sơ; trong đó, hồ sơ đã giải quyết 13.908 hồ sơ (trước hạn 6.732 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 48,4%; đúng hạn 6.685 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 48,07%; trễ hạn 491 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 3,53%); hồ sơ đang giải quyết 482 hồ sơ (chưa đến hạn 236 hồ sơ, chiếm 48,96%; trễ hạn 246 hồ sơ, chiếm 51,04%).

b) Về khoa học và công nghệ:

Tiếp tục thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi cá Chình thương phẩm trên sông Truồi, xã Lộc An, huyện Phú Lộc”, nghiên cứu thực hiện Dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường ở các bể nuôi cá lóc, cá trê tại xã Vinh Mỹ”; đăng ký thực hiện đề án khuyến công cấp tỉnh năm 2021: “Ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất sản phẩm thực phẩm” của cơ sở kinh doanh thực phẩm chay Phú Lộc và “Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ” của cơ sở Trần Đình Đẩu - xã Vinh Hưng.

7. Quốc phòng, an ninh, nội chính và giải quyết đơn thư khiếu nại:

Các cơ quan đơn vị, địa phương, lực lượng vũ trang thực hiện tốt việc xây dựng và triển khai kế hoạch trực bảo vệ cơ quan, đơn vị, chuẩn bị tốt các điều kiện và nắm bắt kịp thời những diễn biến xã hội, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; các hoạt động lễ hội Xuân đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tổ chức tốt công tác giao nhận quân năm 2021 đảm bảo yêu cầu và chỉ tiêu được giao; hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, giao đủ 100% quân (cụ thể: đã giao 189 quân, trong đó: 172 quân cho Bộ Quốc phòng, 17 quân cho Bộ Công an). Xây dựng kế hoạch triển khai lực lượng dân quân các xã, thị trấn tham gia các chốt thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện (tổng số 24 chốt, 105 đồng chí/3ca/ngày).

An toàn giao thông: Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 23 vụ, làm chết 17 người, bị thương 13 người, so với cùng kỳ giảm 03 vụ, chết tăng 01 người; tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 01 vụ làm 01 người chết và 01 người bị thương; so với cùng kỳ tăng 01 vụ; tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa, không xảy ra.

Về công tác tiếp công dân: Trong 6 tháng đầu năm, đã tiến hành 22 cuộc tiếp công dân; trong đó, 08 cuộc tiếp công dân thường xuyên tại Ban Tiếp công dân huyện với 25 công dân (bao gồm 01 đoàn 17 người); 13 cuộc tiếp công dân định kỳ tại Ban Tiếp công dân huyện với 06 lượt công dân và 01 cuộc tiếp công dân định kỳ cùng Chủ tịch UBND tỉnh tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh (không có ý kiến của công dân huyện Phú Lộc).

Về giải quyết đơn thư: Trong 6 tháng đầu năm, UBND huyện đã tiếp nhận 82 đơn (khiếu nại: 03 đơn; tố cáo: 03 đơn; tranh chấp: 06 đơn; kiến nghị, phản ánh: 96 đơn), 26 đơn kỳ trước chuyển sang chưa giải quyết (khiếu nại: 02 đơn; tố cáo: 01 đơn; tranh chấp: 02 đơn; kiến nghị, phản ánh: 21 đơn), đến nay, tiến độ cụ thể như sau:

Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết 74 đơn: Đã giải quyết: 44/74 đơn, đạt 59,45% (tố cáo: 01 đơn, kiến nghị, phản ánh: 43 đơn), còn lại 30 đơn (khiếu nại: 03 đơn, tranh chấp: 03 đơn, kiến nghị, phản ánh: 24 đơn)UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan khẩn trương tham mưu giải quyết.

Đơn không thuộc thẩm quyền 32 đơn (tố cáo: 01 đơn; tranh chấp: 03 đơn; kiến nghị, phản ánh: 28 đơn)(trong đó: khiếu nại:03 đơn; tố cáo: 01 đơn; tranh chấp: 03 đơn; kiến nghị, phản ánh:67 đơn).

Đơn không đủ điều kiện xử lý: 02 đơn (tố cáo: 01 đơn, kiến nghị, phản ánh: 01 đơn).

8. Về công tác bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp: Đã chỉ đạo tập trung cao độ cho công tác bầu cử, kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về bầu cử; kịp thời rà soát lại tất cả các công việc, chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử. Kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn huyện diễn ra thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực sự là ngày hội của toàn dân; đã bầu đủ số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, 33 đại biểu HĐND cấp huyện, 416 đại biểu HĐND cấp xã (thiếu 02 đại biểu xã Gianh Hải). Chất lượng đại biểu trúng cử được nâng lên, những người trúng cử thực sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

II. MỘT SỐ KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ.

1. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian gần đây, một số địa phương phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly tạm thời, giãn cách xã hội, đã tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải, xây dựng trên địa bàn, làm giảm doanh thu của các hoạt động này.

2. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn nhỏ lẻ, kinh tế hộ là chủ yếu, chưa chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá quy mô lớn, kinh tế trang trại phát triển chậm; thiếu sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ; còn nhiều HTX hoạt động yếu kém, các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chiếm tỷ lệ thấp, vai trò của hợp tác xã chưa thể hiện rõ nét trong việc làm dịch vụ cho kinh tế hộ phát triển; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa cao; diện tích lúa thiếu nước phải bỏ hoang còn nhiều.

3. Chất lượng trong công tác quy hoạch nông thôn mới chưa cao, quá trình thực hiện thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung.

4. Việc lập các thủ tục tổ chức đấu giá giao QSD đất còn chậm nên nguồn thu từ nguồn quỹ đất chưa đạt yêu cầu, làm chậm tiến độ thông báo vốn để thanh toán cho các công trình.

5. Vốn chương trình MTQG phân bổ chậm đã làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện các mục tiêu theo kế hoạch.

6. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư một số dự án mặc dù đã tổ chức tuyên truyền, đối thoại nhiều lần với người dân nhưng chưa có sự đồng thuận giữa người dân và nhà đầu tư, làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng và thực hiện dự án.

7. Tình trạng khai thác đất, cát trái phép, xây dựng trái phép vẫn còn xảy ra và chưa được xử lý kịp thời, đặc biệt là khu vực Chân Mây - Lăng Cô; do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc thực hiện Đề án Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng” có dấu hiệu chững lại, một số điểm tập kết rác chưa phù hợp, gây mất vệ sinh môi trường.

8. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều bất cập, số lượng đơn thư phát sinh nhiều, việc giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân nhìn chung còn chậm. Bên cạnh đó, một số cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu giải quyết đơn chưa quan tâm đúng mức, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa được đồng bộ, thiếu kịp thời dẫn đến tiến độ, chất lượng giải quyết đơn chưa đảm bảo theo yêu cầu.

9. Chất lượng tham mưu của một số ngành, lĩnh vực mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy được vai trò chủ trì, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị còn thấp, chưa bám sát nhiệm vụ được giao của ngành mình; chế độ thông tin, báo cáo một số đơn vị chưa nghiêm túc, chất lượng báo cáo chưa cao làm ảnh hưởng đến quá trình chỉ đạo, điều hành của UBND huyện.

10. Trong công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhiều thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng… thực hiện chưa đảm bảo thời gian quy định, số lượng hồ sơ trễ hẹn còn nhiều.

Phần II

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2021

Trong bối cảnh hiện nay, dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa xác định thời điểm kết thúc. Do vậy các cấp, các ngành phải tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa phải chủ động các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phải có các giải pháp ổn định sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với quyết tâm chống dịch COVID-19, các ngành, UBND các xã, thị trấn cần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND huyện về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Kế hoạch 120-KH/HU ngày 29/4/2020 của Huyện ủy Uyệnthực hiện Chương trình hành động số 69-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể tập trung các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Lĩnh vực kinh tế, tổng hợp:

a) Chỉ đạo xây dựng và ban hành quy chế làm việc của UBND huyện nhiệm kỳ 2021-2026 đảm bảo khoa học, hiệu quả, gắn với phát triển chính quyền điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo điều hành của UBND huyện, các phòng ban, UBND các xã, thị trấn.

b) Công tác quy hoạch: Đẩy nhanh triển khai các quy hoạch, đề án theo kế hoạch năm 2021 để trình phê duyệt: Quy hoạch phân khu Khu vực Lộc Bình (núi Quện); Lập đồ án quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn khu vực ven đầm Cầu Hai; Lập đồ án quy hoạch chung đô thị mới Vinh Hưng; Đề án đề nghị công nhận đô thị mới Vinh Hiền đạt tiêu chuẩn đô thị loại V; Hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị La Sơn; Hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị thị trấn Phú Lộc. Triển khai rà soát các tiêu chí đô thị loại V đối với các xã: Vinh Hiền, Lộc Thủy, Lộc Vĩnh và Lộc Tiến; rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch nông thôn mới.

c) Sản xuất nông nghiệp: Triển khai thực hiện vụ Hè Thu theo lịch thời vụ, đặc biệt là công tác phòng, chống hạn cho cây trồng. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất; nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo nuôi trồng có hiệu quả, thực hiện kế hoạch khai thác mặt nước đầm Lập An; triển khai thực hiện các công trình nguồn vốn thuỷ lợi phí đã ký hợp đồng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và giết mổ; tiếp tục phòng chống dịch tả lợn châu phi, viêm da nổi cục trâu, bò… Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá các Đề án đàn bò lai, Đề án chuyển đổi diện tích đất trồng lúa thiếu nước và một số sản phẩm nông nghiệp sạch,...

Tiếp tục hỗ trợ cho các ngành chế biến thủy, hải sản, nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ. Xây dựng một số thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp, làng nghề của địa phương; hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại…

d) Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình tiên tiến, hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản để nhân rộng. Rà soát, tổ chức thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 để tranh thủ nguồn lực và kinh phí hỗ trợ của Tỉnh, của Trung ương và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tham gia các hoạt động hội chợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX để kiện toàn, sáp nhập, giải thể các HTX làm ăn kém hiệu quả.

đ) Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nhất là các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để xây dựng tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Định kỳ tổ chức rà soát các tiêu chí chưa đạt theo chuẩn nông thôn mới để chủ động chỉ đạo tổ chức thực hiện, chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm sớm thực hiện các công trình khi có thông báo vốn của Tỉnh. Phấn đấu đến cuối năm 2021, lập hồ sơ đề nghị công nhận các xã Xuân Lộc, Lộc Bình đạt chuẩn nông thôn mới, xã Lộc Bổn đạt nông thôn mới kiểm mẫu, xã Vinh Hưng đạt nông thôn mới nâng cao. Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khi có hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh.

e) Công tác giải phóng mặt bằng: Tích cực thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, chú trọng công tác đối thoại để vận động, thuyết phục các hộ gia đình, tổ chức và cá nhân chấp hành.

g) Tập trung chỉ đạo và tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về PCCCR. Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án PCCCR của các chủ rừng, chính quyền cấp xã.

h) Chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác thu chi ngân sách, tập trung đôn đốc tiến độ các nguồn thu đạt thấp; đẩy mạnh công tác chống thất thu, nợ đọng thuế. Tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch các khu dân cư trên địa bàn, đẩy nhanh công tác đấu giá thu quyền sử dụng đất tạo nguồn thu đầu tư cơ sở hạ tầng. Thực hiện tốt công tác lập dự toán ngân sách năm 2022, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của Chính phủ, của tỉnh.

i) Tiếp tục huy động có hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển. Chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ đầu tư xây dựng, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để nhanh chóng khởi công công trình; đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đầu tư xây dựng theo kế hoạch đầu tư công trong năm, đặc biệt là các công trình trọng điểm, công trình phục vụ sản xuất. Thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch đã cam kết, đảm bảo đúng quy định của Chỉ thị số 28/CT-UBND ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh; đôn đốc các chủ đầu tư lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư, đặc biệt là các công trình hoàn thành chậm lập quyết toán trên 24 tháng, thực hiện theo Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 26/02/2021 của UBND tỉnh. Triển khai thực hiện các công trình theo cơ chế đặc thù.   

k) Tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn huyện. Tăng cường quản lý tài sản công, tổ chức rà soát các điểm trường lẻ không có nhu cầu sử dụng để đề xuất phương án bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn huyện.

2. Lĩnh vực văn hóa, xã hội:

a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh COVID-19, an toàn giao thông, cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến…

b) Tiếp tục chỉ đạo ngành y tế tăng cường công tác giám sát, phát hiện kịp thời và tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Thực hiện giám sát các dịch bệnh khác trên địa bàn như dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn…Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.

c) Tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của Phú Lộc, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch đã quy hoạch trên địa bàn; tập trung phát triển thị trường dịch vụ du lịch biển, suối, kích thích tiêu dung nội địa. Hoàn chỉnh Đề án “Xây dựng đề tài nghiên cứu tour, tuyến du lịch trải nghiệm trên đầm phá Cầu Hai”; Đề án phát triển các điểm du lịch cộng đồng, sinh thái trên địa bàn huyện. Tăng cường đảm bảo an toàn, văn minh tại các điểm du lịch, đặc biệt là các điểm du lịch sinh thái biển, sông hồ, khe suối. Phấn đấu doanh thu du lịch đạt theo kế hoạch năm 2021.

d) Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo lộ trình của Đề án đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra; phấn đấu đến cuối năm 2021 có 38/67 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 56,72%; chỉ đạo công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2021-2022 (theo hình thức trực tuyến đối với tuyển sinh lớp 6 và hình thức nhận hồ sơ trực tiếp đối với tuyển sinh lớp 1 và mầm non); chỉ đạo công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022; chỉ đạo công tác huy động số lượng, nâng cao chất lượng các cấp học năm học 2021-2022; tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chuẩn bị các phương án dạy - học trực tuyến khi có chỉ đạo của cấp trên.

đ) Đẩy mạnh công tác tư vấn xuất khẩu lao động và công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phấn đấu đến cuối năm 2021, giải quyết việc làm mới cho 1.540 lao động và đào tạo nghề cho 1.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,0%. Đẩy mạnh công tác tư vấn xuất khẩu lao động và công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phấn đấu đưa khoảng 180 - 200 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Tăng cường phối hợp quản lý và sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, ưu tiên cho vay đối với các hộ nghèo và hộ sản xuất kinh doanh; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch đề ra vào cuối năm, quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

3. Lĩnh vực an ninh quốc phòng và nội chính:

a) Duy trì nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong các dịp lễ lớn của đất nước; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đặc biệt là theo dõi, giám sát các đối tượng và các địa bàn có tệ nạn ma túy. Hoàn thành diễn tập khu vực phòng thủ xã năm 2021.

b) Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, môi trường; tiếp tục rà soát các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai để xử lý nghiêm, đặc biệt là các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng đất sai mục đích tại các xã: Lộc Vĩnh, Lộc Điền, Lộc Thủy, Lộc Tiến và thị trấn Lăng Cô; thường xuyên tổ chức kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp khai thác đất, cát trái phép. Rà soát, xử lý kịp thời các điểm tập kết rác không phù hợp, gây mất vệ sinh môi trường; tăng cường công tác thu gom rác thải, không để xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải. Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, phong trào “Mai vàng trước ngõ”.

c) Tổ chức cưỡng chế các đối tượng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Xây dựng kế hoạch và tổ chức ra quân, xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường trái quy định nhằm đảm bảo trật tự công cộng, trật tự an toàn đô thị.

d) Đẩy mạnh công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các Đoàn Thanh tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đặc biệt, đẩy nhanh việc thực hiện các nội dung theo kết luận của Thanh tra liên quan đến việc quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện.

đ) Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt các chế độ công vụ; nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính; chấn chỉnh chế độ thông tin, báo cáo của các ngành, địa phương; chấn chính tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.

e) Chỉ đạo Ban An toàn giao thông huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, tổ chức đoàn thể tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông như: Tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại các xã, thị trấn; đưa các đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước dân; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Văn Dàng
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày