Tìm trên trang KT-XH
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
11/11/2023 10:30:AM

1. Mục tiêu: Tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, huy động tốt mọi nguồn lực; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch là ngành mũi nhọn; kết hợp phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân... nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 120-KH/HU, ngày 29/4/2020 của Huyện ủy về thực hiện Chương trình hành động số 69-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023:

Các cơ quan, ban, ngành cấp huyện theo chức năng nhiệm vụ chủ trì tổng hợp, theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch ngành; trong đó, chú ý các chỉ tiêu quan trọng, cụ thể:

a) Phòng Tài chính - Kế hoạch:

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất (giá hiện hành)    : 19%.

- Thu nhập bình quân đầu người                          : 75 triệu đồng.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội                             : 7.500 tỷ đồng.

- Thu NSNN trên địa bàn                                   : 748,819 tỷ đồng;

Trong đó: Thu cân đối ngân sách huyện, xã         : 195,810 tỷ đồng.

b) Phòng Văn hóa và Thông tin:

- Tổng lượt khách du lịch                                    : 1.790 nghìn lượt.

c) Phòng Giáo dục và Đào tạo:

- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia                        : 66,7%.

d) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt                          : 68,0%.

- Tỷ lệ hộ nghèo                                                 : 2,09%.

- Giải quyết việc làm mới cho                             : 1.745 lao động;

Trong đó lao động qua đào tạo tìm được việc làm: 1.730 người.

đ) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới                         : tăng 1-2 xã.

- Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch                        : 97,0%.

e) Các cơ quan, ban, ngành khác theo dõi, giám sát, đề xuất chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch ngành.

3. Chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm:

a) Phân công Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các Phòng, ban ngành và các địa phương tổng hợp tình hình và kết quả triển khai thực hiện 05 Chương trình trọng điểm theo Nghị quyết của HĐND huyện về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

b) Phân công các Phòng, ban ngành, địa phương theo dõi, chỉ đạo thực hiện các chương trình trọng điểm cụ thể:

- Chương trình phát triển dịch vụ - du lịch: Giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Chương trình phát triển dịch vụ - du lịch.

- Chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng mỗi xã một sản phẩm: Giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng mỗi xã một sản phẩm.

- Chương trình cải cách hành chính: Giao Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn hóa và Thông tin, Văn phòng HĐND và UBND huyện, các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính.

- Chương trình phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Đội Quản lý đô thị, các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Chương trình phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

- Chương trình phát triển đô thị: Giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Đội Quản lý đô thị, các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị.

4. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

a) Tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, Kế hoạch số 120-KH/HU, ngày 29/4/2020 của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

b) Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế

- Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 10/3/2022 của UBND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới năm 2022-2023. Chủ động xây dựng kế hoạch hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, giải pháp kích cầu tiêu dùng; khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử…

- Dịch vụ, du lịch: Đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch; gắn phát triển du lịch với bảo vệ cảnh quan môi trường, hệ sinh thái và giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 374/KH-UBND ngày 09/12/2021 của UBND tỉnh về phục hồi, kích cầu các hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới. Đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ Đề án phát triển tour, tuyến trên đầm phá Cầu Hai, Đề án phát triển các điểm du lịch cộng đồng, sinh thái trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, huy động tối đa nguồn lực để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế Vịnh đẹp thế giới, Vườn Quốc gia Bạch Mã. Tăng cường đảm bảo an toàn, văn minh tại các điểm du lịch. Phấn đấu lượt khách du lịch tăng từ 6-7%/năm, doanh thu du lịch tăng từ 5-6%.

- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Đẩy mạnh chương trình công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; tích cực hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển các ngành chế biến thủy, hải sản, nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp, làng nghề; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án khuyến công địa phương trong năm 2023; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; bố trí gian hàng sản phẩm đặc sản Phú Lộc tại các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, điểm dừng chân trên địa bàn huyện.

- Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản: Phát triển sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả; gắn sản xuất, chế biến với thị trường; mở rộng diện tích các loại cây trồng, vật nuôi đã có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế trang trại, chú ý phát triển ở vùng gò đồi; tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân để duy trì và phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn và trồng cây dược liệu dưới tán rừng; tăng cường công tác quản lý việc mở đường khai thác rừng sản xuất. Phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, an toàn và hiệu quả; tiếp tục quản lý nuôi cá lồng theo danh sách và vùng nuôi được phê duyệt; giảm lừ, thay đổi ngư lưới cụ, tăng cường quản lý nò sáo đáy, rớ, cọc hàu,... sau sắp xếp nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên ngày càng phát triển.

- Củng cố phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, HTX ứng dụng công nghệ cao,…. Tập trung chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới xây dựng tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Phấn đấu xã Lộc Thủy, Giang Hải đạt tiêu chí nông thôn mới.

- Chú trọng công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, phát triển đô thị: Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Đẩy nhanh triển khai các quy hoạch, đề án theo kế hoạch năm 2023 để trình phê duyệt[1]. Rà soát các quy hoạch chung đô thị, nông thôn, khu chức năng để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Tiếp tục đầu tư xây dựng La Sơn đạt tiêu chí đô thị loại V, phối hợp xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị Chân Mây; nâng cấp và từng bước hình thành các đô thị mới: Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Vinh Hiền, Vinh Hưng đạt tiêu chí đô thị loại V.

c) Phát triển văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ và bảo đảm an sinh xã hội:

Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân; tổ chức giám sát, xử lý các dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định. Đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và quản lý các đối tượng hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn.

Tập trung đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu có 44/66 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 66,7%. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững và chế độ, chính sách cho người có công. Chủ động đào tạo nguồn nhân lực, nguồn lao động chất lượng cao hướng trọng tâm vào các lĩnh vực tiềm năng, có thế mạnh của huyện. Phấn đấu tạo việc làm mới cho 1.745 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%; đưa trên 186 người lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,09% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,6%.

Tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tại Trung tâm Hành chính công huyện, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã nhằm phát huy tính công khai, minh bạch, thân thiện, hiệu quả; phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt trên 95%; tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao mức độ hài lòng của công dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Tiếp tục chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình đã triển khai thành công và có hiệu quả kinh tế cao.

d) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và tài nguyên, môi trường; chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu:

Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai; tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng, khai thác tài nguyên trái phép. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nói không với túi ni lông sử dụng 01 lần”. Xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - sáng và đẹp, hình thành các vùng quê đáng sống. Chủ động theo dõi chặt chẽ các diễn biến tình hình thiên tai; xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

e) Bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí:

Thực hiện tốt nhiệm vụ Quân sự - Quốc phòng năm 2023; thực hiện tốt công tác tuyển quân năm 2023. Duy trì nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại, tội phạm về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, “tín dụng đen”; phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài; đẩy nhanh việc thực hiện các nội dung theo kết luận của Thanh tra trên địa bàn huyện từ năm 2015 đến nay.

5. Tổ chức thực hiện

a) Các thành viên UBND huyện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tập trung chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chương trình, đề án và các dự án trọng điểm nêu trên nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

b) Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về kết quả tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công chủ trì hoặc được giao nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án và các dự án trọng điểm.

c) Căn cứ nhiệm vụ cụ thể được phân công tại Quyết định này và theo chức năng, lĩnh vực phụ trách, các ban, ngành cấp huyện bám sát các công việc được giao để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của ngành, địa phương mình, với phương châm tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để có biện pháp phân công, chỉ đạo, điều hành kiên quyết, đạt hiệu quả cao; báo cáo UBND huyện kế hoạch triển khai chi tiết của ngành, đơn vị mình trước ngày 20/01/2023, yêu cầu phải có sản phẩm, tiến độ thực hiện, thời gian hoàn thành cụ thể, quy định trách nhiệm của từng cá nhân, phòng ban có liên quan. Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện theo yêu cầu của UBND huyện.

d) Các đơn vị được phân công chủ trì hoặc được giao nhiệm vụ chỉ đạo các nội dung cụ thể trong Kế hoạch thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm năm 2023 của UBND huyện, khẩn trương phân công cán bộ lãnh đạo và bộ phận chuyên viên theo dõi, tổ chức thực hiện.

đ) Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, UBND các xã, thị trấn quán triệt cụ thể đến từng cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị mình nhằm phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, quyết tâm vượt qua khó khăn thực hiện thành công Kế hoạch năm 2023, hướng đến hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Văn Dàng
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày