Tìm trên trang KT-XH
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM, GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
11/11/2023 10:53:AM

1. Mục tiêu

Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tốt mọi nguồn lực; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và công nghiệp là ngành tạo bước đột phá; kết hợp phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Phú Lộc trở thành vùng kinh tế trọng điểm, phát triển nhanh và bền vững.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 - Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân/năm: 11,8%. - Cơ cấu kinh tế:

+ Dịch vụ chiếm tỷ trọng 63,0%;

+ Công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 31,6%;

+ Nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 5,4%.

- Thu nhập bình quân đầu người 92 triệu đồng.

- Tổng đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 từ 36.000 - 38.000 tỷ đồng.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 988 tỷ đồng, trong đó thu cân đối ngân sách 501 tỷ đồng.

- Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10.590 tỷ đồng.

- Tổng lượt khách du lịch tăng bình quân trên 21%/năm.

- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 90%.

- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 99%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; lao động qua đào tạo tìm được việc làm mới hàng năm từ 1.600 – 1.700 lao động.

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2 - 2,2%.

- Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 100%. Trong đó, nông thôn mới nâng cao 6 xã, có 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. 

- Tỷ lệ số hộ được thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên 93%.

- Tỷ lệ số hộ dân sử dụng nước sạch đạt 100%.

3. Các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm

- Chương trình phát triển dịch vụ - du lịch. 

- Chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng mỗi xã một sản phẩm.

- Chương trình cải cách hành chính.

- Chương trình phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

- Chương trình phát triển đô thị.

4. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa có các giải pháp ổn định sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng, giải quyết việc làm, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về việc phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Rà soát, chuẩn bị các kịch bản và phương án ứng phó với dịch bệnh trong mọi tình huống; chủ động ứng phó kịp thời với từng cấp độ dịch bệnh.

b) Tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 theo đúng lộ trình.

c) Tập trung nỗ lực phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế:

- Phát triển lĩnh vực dịch vụ theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, tạo bước đột phá, là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực chính thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Phối hợp xây dựng Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương thành trung tâm du lịch tổng hợp chất lượng cao. Gắn phát triển du lịch với bảo vệ cảnh quan môi trường, hệ sinh thái và giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương. Phấn đấu tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 63%. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ; đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các chợ; phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại, điểm bán hàng nông sản sạch. Phấn đấu tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa từ 15-16%/năm.

- Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế. Phối hợp và tạo điều kiện đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, kêu gọi đầu tư lấp đầy khu công nghiệp La Sơn, cụm công nghiệp Vinh Hưng. Xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản địa phương.

- Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đầu tư chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ cao, nông nghiệp sạch (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các đề án sản xuất nông nghiệp. Phát triển trồng rừng gỗ lớn (FSC), gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu; duy trì độ che phủ rừng 47%. Chuyển đổi một số diện tích đất rừng sản xuất sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả. Phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với chuỗi giá trị. Tăng cường đánh bắt xa bờ, phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá.

- Khai thác có hiệu quả các nguồn thu ngân sách trên địa bàn, đảm bảo thu đúng, kịp thời, phục vụ nhiệm vụ chi hoạt động của bộ máy và đầu tư phát triển. Huy động tối đa các nguồn lực, tranh thủ nguồn lực của Trung ương, của tỉnh để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. 

- Phát triển các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá XII) về phát triển kinh tế tư nhân nhằm đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

- Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án. Từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề quan trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Huy động mọi nguồn lực đầu tư, khuyến khích xã hội hoá, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng.

- Phát triển mạng lưới đô thị và các điểm dân cư tập trung. Đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, hình thành các đô thị hạt nhân tạo động lực phát triển. Quy hoạch xây dựng và phát triển các khu trung tâm xã, cụm xã, điểm dân cư nông thôn tập trung trên địa bàn các xã dọc Quốc lộ 1A và các xã ven biển, đầm phá... tạo điểm nhấn cho quá trình phát triển đô thị trên địa bàn huyện.

- Quản lý tài nguyên môi trường, trật tự xây dựng; chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế - xã hội gắn kết với bảo vệ tài nguyên, cải thiện môi trường. Quản lý, bảo vệ có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường.

- Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng và tài nguyên, môi trường; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng, khai thác tài nguyên trái phép. Chủ động theo dõi chặt chẽ các diễn biến tình hình thiên tai; xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

d) Về lĩnh vực văn hoá - xã hội: - Phát triển văn hóa, thể dục thể thao. Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

Phối hợp, lồng ghép các hoạt động thể dục - thể thao với các hoạt động văn hoá, lễ hội, du lịch, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo gắn với phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2030. Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, tiếp tục duy trì và phát triển chất lượng giáo dục mũi nhọn. Chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn cung ứng lao động. Tăng cường thu hút nhân tài về làm việc và sinh sống tại huyện Phú Lộc.

- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Phát triển sự nghiệp y tế cả về quy mô và chất lượng. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; đẩy mạnh xã hội hóa ngành y tế. Tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững và chế độ, chính sách cho người có công. Quan tâm công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19.

đ) Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình địa bàn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ. Tổ chức phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc sâu rộng gắn với việc thực hiện chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy; tăng cường các biện pháp nhằm giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

e) Xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả: 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trọng tâm là tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức theo hướng tinh, gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.

Văn Dàng
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày