Tìm trên trang KT-XH
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021
10/07/2021 6:57:PM

1. Mục tiêu: Tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 120-KH/HU, ngày 29/4/2020 của Huyện ủy về thực hiện Chương trình hành động số 69-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa có các giải pháp ổn định sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2021:

Các cơ quan, ban, ngành cấp huyện theo chức năng nhiệm vụ chủ trì tổng hợp, theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch ngành; trong đó, chú ý các chỉ tiêu quan trọng, cụ thể:

a) Phòng Tài chính - Kế hoạch:

- Thu cân đối Ngân sách nhà nước                    : 184,690 tỷ đồng

- Chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn             : 586,594 tỷ đồng

- Thu nhập bình quân đầu người                       : 62 triệu đồng

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội                          : 7.000 tỷ đồng

b) Phòng Kinh tế và Hạ tầng:

- Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội   : 5.520 tỷ đồng

c) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Sản lượng lương thực có hạt                           : 40,350 nghìn tấn

- Sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản    : 10.835 tấn

Trong đó: Sản lượng nuôi trồng                       : 3.190 tấn

                 Sản lượng đánh bắt thủy sản            : 7.645 tấn

- Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch                      : 96,5%

- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới                      : Thêm 01 - 02 xã

d) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Tỷ lệ hộ nghèo                                                : 3,8%

- Tạo việc làm mới                                            : 1.540 người

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt                       : 66,0%

đ) Phòng Văn hóa và Thông tin:

- Tổng lượt khách du lịch                                  : 845 nghìn lượt

e) Phòng Y tế:

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng         : 6,42%

- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân            : Đạt 96,5%

g) Phòng Giáo dục và Đào tạo:

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia                        : 58,5%

h) Các cơ quan, ban, ngành khác theo dõi, giám sát, đề xuất chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch ngành.

3. Chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm: Nhiệm vụ cụ thể của các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm thực hiện theo Kế hoạch được UBND huyện phê duyệt, gồm:

a) Chương trình phát triển dịch vụ - du lịch: Giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện, các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch.

b) Chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng mỗi xã một sản phẩm: Giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng mỗi xã một sản phẩm.

c) Chương trình cải cách hành chính: Giao Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn hóa và Thông tin, Văn phòng HĐND và UBND huyện, các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính.

d) Chương trình phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Đội Quản lý đô thị, các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Chương trình phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

đ) Chương trình phát triển đô thị: Giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Đội Quản lý đô thị, các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị.

4. Các dự án lớn, trọng điểm:

a) Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh, các cơ quan, ban, ngành và địa phương theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng mới chợ Truồi, chợ La Sơn, chợ Thừa Lưu, chợ Lăng Cô, chợ Mỹ Lợi; phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại; các dự án hạ tầng phục vụ du lịch (Hạ tầng thuộc Quy hoạch khu du lịch quốc gia Lăng Cô – Cảnh Dương; hạ  tầng các điểm du lịch cộng đồng huyện Phú Lộc; dự án đường vào Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã; đường vào chùa Quốc tự Thánh Duyên; chỉnh trang bến cây đa Đá Bạc; đường ven phá Tam Giang đoạn Lộc Điền – thị trấn Phú Lộc; đường từ Quốc lộ 49B vào khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển xã Vinh Mỹ),…

b) Phòng Tài chính – Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh, các cơ quan, ban, ngành và địa phương theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng và bến thuyền du lịch đầm phá theo quy hoạch được phê duyệt.

c) Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh, các cơ quan, ban, ngành và địa phương để hỗ trợ, tạo điều kiện triển khai các dự án trọng điểm, như: sản xuất lắp ráp ô tô, nhà máy điện khí hydro, dự án hạ tầng khu công nghệ cao khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, dự án nâng cấp cảng nước sâu Chân Mây thành cảng tổng hợp Container kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế,….

d) Các ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện theo sự phân công tại Chương trình công tác năm 2021; đối với các dự án, đề án khác, các ngành, địa phương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và theo phân cấp, ủy quyền của UBND huyện.

5. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

a) Tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 120-KH/HU ngày 29/4/2020 của Huyện ủy về thực hiện Chương trình hành động số 69-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

b) Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, khôi phục sản xuất:

Các cấp, các ngành và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phòng, chống dịch Covid-19. Chú trọng việc tiếp tục hỗ trợ cho người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ đảm bảo kịp thời, công khai, đúng đối tượng; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung phát triển mạnh thị trường dịch vụ du lịch, đặc biệt du lịch biển, suối, kích thích tiêu dùng nội địa. Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để tập trung nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, góp phần sớm triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn, quan trọng.

c) Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục hồi kinh tế

- Đối với ngành dịch vụ: Phát triển lĩnh vực dịch vụ theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, tạo bước đột phá để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực chính thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, đặc biệt chú trọng phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao. Nghiên cứu mở rộng đầu tư các chợ đầu mối để cung ứng hàng hoá phục vụ nhân dân, đặc biệt là cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các khu du lịch, khu công nghiệp, các đô thị, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Tiếp tục xây dựng Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương thành trung tâm du lịch tổng hợp chất lượng cao. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch; gắn phát triển du lịch với bảo vệ cảnh quan môi trường, hệ sinh thái động thực vật, hệ sinh thái đầm phá và giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương.

- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, như: chế biến thủy, hải sản, nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ, khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng,... Phối hợp xúc tiến đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Chân Mây, kêu gọi đầu tư khu công nghiệp La Sơn, cụm công nghiệp Vinh Hưng; tiếp tục nghiên cứu đầu tư hỗ trợ tạo vùng nguyên liệu cho dầu tràm Lộc Thủy. Xây dựng một số thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp, làng nghề địa phương.

- Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích, hỗ trợ các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Ổn định diện tích gieo trồng lúa khoảng 6.700 ha. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án cánh đồng mẫu lớn, Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đất trồng lúa thiếu nước, Đề án cải tạo, nhân rộng cây dâu Truồi, bưởi da xanh. Đưa tỷ lệ giống lúa xác nhận vào sản xuất 100%. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, liên kết thực hiện mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chuyển phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình gia trại, trang trại, chăn nuôi công nghiệp. Tiếp tục thực hiện đề án phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học nhằm tái đàn, khắc phục dịch tả lợn Châu Phi. Đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu, đảm bảo diện tích khai thác và trồng mới rừng khoảng 2.000 - 2.200 ha/năm, diện tích trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC khoảng 300 ha. Tăng cường phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá; đánh bắt xa bờ, phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá. Tăng cường công tác quản lý nuôi trồng và phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Tuyên truyền, vận động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ổn định diện tích nuôi trồng thuỷ sản khoảng 1.300 ha, trong đó diện tích nuôi thuỷ sản nước lợ 800-900 ha.

- Củng cố phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới: Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp; ưu tiên phát triển các hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao; tổ chức kiện toàn, sáp nhập, giải thể các hợp tác xã làm ăn kém hiệu quả. Tập trung chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để xây dựng tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Phấn đấu xã Xuân Lộc đạt tiêu chí nông thôn mới.

d) Chú trọng công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, phát triển đô thị:

Tiếp tục thực hiện Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phú Lộc; Đồ án quy hoạch chi tiết trục vành đai La Sơn; nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Khu dân cư dọc hai bên đường giao thông trục chính đô thị mới La Sơn; quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị mới La Sơn; phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới xã Vinh Mỹ, quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Giang Hải; phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết phân lô các khu dân cư, tái định cư để tạo quỹ đất đấu giá và bố trí tái định cư theo kế hoạch. Tiếp tục hoàn thành Đề án di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp vào khu công nghiệp La Sơn; hoàn thành quy hoạch cụm công nghiệp La Sơn.

Tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, chú trọng công tác đối thoại để vận động, thuyết phục các hộ gia đình, tổ chức và cá nhân chấp hành.

đ) Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách: Thực hiện các biện pháp tăng nguồn thu, tăng cường kiểm tra, giám sát chống thất thu, thực hành tiết kiệm chi, chống lãng phí, thất thoát. Quản lý chi tiêu hợp lý, đúng chế độ, xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp.

e) Phát triển văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ và bảo đảm an sinh xã hội:

Tập trung đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở từng cấp học, bậc học. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội chào mừng các sự kiện lớn trong năm. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững và chế độ, chính sách cho người có công.

g) Tăng cường quản lý trật tự xây dựng; bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ động phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu:

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và tài nguyên, môi trường. Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng, khai thác tài nguyên trái phép. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”. Chủ động theo dõi chặt chẽ các diễn biến tình hình thiên tai; xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

h) Bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí:

Duy trì nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tăng cường kiểm tra, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đặc biệt là theo dõi, giám sát các đối tượng và các địa bàn có tệ nạn ma túy. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài. Hoàn thành kế hoạch giao nhận quân năm 2021.

6. Tổ chức thực hiện

a) Các thành viên UBND huyện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tập trung chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chương trình, đề án và các dự án trọng điểm nêu trên nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

b) Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về kết quả tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công chủ trì hoặc được giao nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án và các dự án trọng điểm.

c) Căn cứ nhiệm vụ cụ thể được phân công tại Quyết định này và theo chức năng, lĩnh vực phụ trách, các ban, ngành cấp huyện bám sát các công việc được giao để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của ngành, địa phương mình, với phương châm tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để có biện pháp phân công, chỉ đạo, điều hành kiên quyết, đạt hiệu quả cao. Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện theo yêu cầu của UBND huyện.

d) Các đơn vị được phân công chủ trì hoặc được giao nhiệm vụ chỉ đạo các nội dung cụ thể trong Kế hoạch thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm năm 2021 của UBND huyện, khẩn trương phân công cán bộ lãnh đạo và bộ phận chuyên viên theo dõi, tổ chức thực hiện.

đ) Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, UBND các xã, thị trấn quán triệt cụ thể đến từng cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị mình nhằm phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, quyết tâm vượt qua khó khăn thực hiện thành công Kế hoạch năm 2021, hướng đến hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Văn Dàng
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày