Tìm trên trang KT-XH
Kế hoạch triển khai phát triển kinh tế - xã hội năm 2016
21/03/2016 4:15:PM

I. MỤC TIÊU, CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI CHỦ YẾU

1. Mục tiêu:

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững, ưu tiên phát triển lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, dịch vụ du lịch cộng đồng; phát triển công nghiệp ở những vùng có điều kiện; phát triển nông nghiệp toàn diện đảm bảo an ninh lương thực. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Huy động mọi nguồn lực xã hội, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị gắn với xây dựng Nông thôn mới. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân; thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016:

a) Phòng Tài chính - Kế hoạch theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu:

- Thu nhập bình quân đầu người                           : 35,8 triệu đồng;

- Tổng đầu tư toàn xã hội                                     : 6.300 tỷ đồng;

- Thu ngân sách Nhà nước                                    : 108,7 tỷ đồng.

b) Phòng Kinh tế và Hạ tầng theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu:

- Giá trị sản xuất:  + Các ngành dịch vụ              : 9.000 tỷ đồng;

                              + Công nghiệp - xây dựng       : 5.696 tỷ đồng.

c) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu:

- Giá trị sản xuất: Nông lâm nghiệp, thủy sản       : 1.274 tỷ đồng;

- Sản lượng lương thực có hạt                               : 38,8 nghìn tấn;

- Tỷ lệ số hộ sử dụng nước sạch                            : 64,2%;

- Tỷ lệ độ che phủ rừng                                         : 48,2%;

- Tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới                     : từ 27% trở lên.

d) Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu:

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí nghèo đa chiều)     : 1,5-2%;

- Tạo việc làm mới                                                : 2.600 người;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo                                 : 54,2%.

đ) Phòng Y tế theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu:

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng             : 9,0%

- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân                : đạt trên 73,5%

3. Các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm: Các nhiệm vụ cụ thể của các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm thực hiện theo Kế hoạch riêng được UBND huyện phê duyệt, gồm:

a) Chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội:

- Cơ quan chủ trì:  Phòng Nông nghiệp và PTNT;

- Cơ quan phối hợp: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành, địa phương liên quan.

b) Chương trình cải cách hành chính:

- Cơ quan chủ trì: Phòng Nội vụ;

- Cơ quan phối hợp: Phòng Tư pháp, Văn phòng HĐND&UBND huyện, các ngành, địa phương liên quan.

c) Chương trình phát triển dịch vụ - du lịch:

- Cơ quan chủ trì: Phòng Văn hóa và Thông tin;

- Cơ quan phối hợp: Phòng Kinh tế và Hạ tầng, các ngành, địa phương liên quan.

d) Chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị:

- Cơ quan chủ trì: Phòng Kinh tế và Hạ tầng;

- Cơ quan phối hợp: Phòng Tài chính - Kế hoạch, Đội Quản lý đô thị, các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn.

4. Các dự án lớn, trọng điểm: Các ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện theo sự phân công tại Chương trình công tác năm 2016 ban hành kèm theo Quyết định này; các dự án, đề án khác theo dõi thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương và sự phân cấp, ủy quyền của UBND huyện.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển:

Huy động mọi nguồn lực xã hội, tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, các doanh nghiệp trong và ngoài nước; khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật xây dựng nông thôn mới; ưu tiên đầu tư các dự án quan trọng để tạo bước đột phá về hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung đầu tư vào các dự án bức xúc, cấp thiết như: giao thông, thủy lợi, xã hội... Ưu tiên đầu tư các công trình chuyển tiếp, các công trình đã được phê duyệt.

2. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh:

a) Ngành dịch vụ: Phấn đấu giá trị sản xuất ngành dịch vụ 8.866 tỷ đồng, tăng 13,6%; doanh thu du lịch đạt 1.045 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2015, thu hút khách du lịch đến địa phương 730 nghìn lượt, tăng 17,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 2.900 tỷ đồng.

Tiếp tục phát triển ngành dịch vụ, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh tế, đa dạng các loại hình dịch vụ, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế gắn với cải thiện chất lượng dịch vụ theo hướng đầu tư chiều sâu. Phát triển mới các loại hình dịch vụ vận tải trên biển, dịch vụ hậu cần nghề cá. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các chợ trên địa bàn, xây dựng các trung tâm thương mại theo quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng giao thương và phát triển kinh doanh.

Về du lịch, tập trung các giải pháp cải thiện môi trường du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch; thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch, đa dạng các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng vùng ven đầm Cầu Hai, Lăng Cô, biển Vinh Hiền, Vinh Hải… đầu tư hoàn thiện, mở rộng hệ thống hạ tầng vào các khu du lịch, điểm du lịch sinh thái đáp ứng yêu cầu của du khách; lập Đề án khai thác dịch vụ du lịch bãi biển Bình An - Cảnh Dương. Đưa vào hoạt động Website du lịch huyện Phú Lộc và nghiên cứu, biên soạn và xuất bản cẩm nang du lịch Phú Lộc nhằm tuyên truyền quảng bá và thu hút khách du lịch.

b) Ngành công nghiệp - xây dựng: Phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 5.706 tỷ đồng, tăng 17,2%.

Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các ngành công nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, mức sống dân cư. Tiếp tục phối hợp kêu gọi đầu tư lấp đầy Khu công nghiệp La Sơn, hạ tầng công nghiệp Vinh Hưng. Xây dựng một số thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp, làng nghề địa phương, hỗ trợ quảng bá nhãn hiệu cho các sản phẩm đã đăng ký; tiếp tục triển khai thực hiện đề án Khôi phục và phát triển làng nghề dầu tràm Lộc Thủy.

Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng; đặc biệt là các chương trình phát triển và chỉnh trang đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới, các công trình hạ tầng thiết yếu ở vùng khó khăn. Tập trung công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, tổ chức bán đấu giá giao quyền sử dụng đất để đầu tư các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách huyện.

Trên cơ sở dự kiến nguồn lực đầu tư từ ngân sách, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện theo các tiêu chí: Ưu tiên trả nợ vốn vay; trả nợ các công trình đã quyết toán, hoàn thành trong năm 2015; danh mục những công trình theo thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, những công trình đã phê duyệt đầu tư nhưng chưa bố trí vốn, những công trình dự kiến hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư trước ngày 31/10/2015 theo quy định của Luật đầu tư công.

Tích cực phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các nhà đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các dự án trọng điểm.

c) Ngành nông nghiệp: Tập trung đầu tư thâm canh, ổn định diện tích gieo trồng khoảng 9.200 ha, trong đó: diện tích lúa khoảng 6.750 ha, đưa giống lúa xác nhận vào sản xuất đạt trên 95%; năng suất lúa bình quân cả năm 58-59 tạ/ha; sắn nguyên liệu 650 ha, năng suất 20 tấn/ha; lạc 300 ha, năng suất 20 tạ/ha; màu và rau các loại 1.500 ha; khai thác mủ cao su 389 ha. Quy hoạch 100 ha tại các vùng đủ điều kiện để sản xuất lúa giống tại chỗ. Xây dựng Đề án chuyển đổi cây trồng đối với các diện tích đất lúa không chủ động nguồn nước tưới, phải bỏ hoang. Tập trung giải pháp nâng cao năng suất các loại cây trồng, chất lượng sản phẩm nông lâm thuỷ sản. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển kinh tế vùng gò đồi.

Ổn định và nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm hiện có. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện dự án Cải tạo và phát triển đàn bò lai theo kế hoạch đề ra. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, củng cố và kiện toàn hệ thống thú y cơ sở.

Chú trọng công tác quản lý, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng; bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, bảo vệ tốt rừng trồng ở các địa phương.

Ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản 1.240 ha; trong đó, nuôi nước lợ 920 ha, nuôi cá nước ngọt 320 ha; nuôi lồng 20.000 m3. Phấn đấu tổng sản lượng thuỷ sản đạt 9.750 tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng 2.630 tấn, sản lượng khai thác 7.120 tấn (khai thác biển 5.250 tấn, sông đầm 1.870 tấn). Xây dựng và triển khai thực hiện tốt Đề án quản lý nghề lừ xếp; trong đó, chú trọng giảm số lượng và sử dụng lừ xếp có kích cỡ mắc lưới đảm bảo theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản mang tính hủy diệt; quản lý việc nuôi tôm chân trắng theo Quy định về nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá ban hành tại Quyết định số 72/2014/QÐ-UBND ngày 27/11/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Nghiên cứu, xây dựng quy hoạch nuôi cá lồng trên vùng đầm phá.

3. Quy hoạch, xây dựng, giải phóng mặt bằng:

Tiếp tục hoàn chỉnh và đưa vào thực hiện các đề án, đồ án đã được khởi động. Tiến hành lập hồ sơ cắm mốc địa giới các đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, cắm mốc giới ngoài thực địa và quản lý mốc giới, phục vụ công tác quản lý đô thị theo quy hoạch đối với các đồ án: Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phú Lộc, quy hoạch chung đô thị mới La Sơn và Vinh Hiền. Đẩy mạnh triển khai lập các đồ án quy hoạch sau khi được phê duyệt nhiệm vụ, như: Quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái Suối Mơ, thị trấn Lăng Cô; quy hoạch chi tiết nghĩa trang nhân dân các xã Xuân Lộc, Lộc Bình; quy hoạch chi tiết trung tâm thương mại và khu dân cư trục đường 19 tháng 5, thị trấn Phú Lộc. Xúc tiến lập và thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thị trấn Phú Lộc. Thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khai thác du lịch Hồ Truồi.

Tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng như: đường La Sơn - Nam Đông, các công trình, dự án ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Khu Công nghiệp La Sơn.

Phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô rà soát quy hoạch, bố trí giải quyết nhu cầu đất ở cho nhân dân vùng Chân Mây - Lăng Cô.

4. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho đầu tư phát triển:

Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, gắn với việc sử dụng để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; tránh lãng phí trong đào tạo nhưng không sử dụng, hoặc đào tạo nhưng không có địa chỉ sử dụng. Quy hoạch, đào tạo, sử dụng cần mang tính bền vững.

Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Có cơ chế chính sách để trọng dụng, thu hút nhân tài, coi đây là gốc của mọi công việc để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ kém phẩm chất và kém trình độ năng lực trong quá trình thực thi công vụ.

5. Tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển:

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chất lượng quy hoạch, ưu tiên ngân sách để làm tốt công tác quy hoạch, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư có hiệu quả.

Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng từ các khâu quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển, chuẩn bị đầu tư, tổ chức thi công, giám sát... để nâng cao hiệu quả đầu tư; kịp thời phòng ngừa và xử lý các trường hợp tham ô, lãng phí, vi phạm pháp luật.

Tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong công tác đầu tư; công tác quy hoạch, di dời, đền bù giải tỏa mặt bằng theo đúng chính sách chế độ của nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường lãnh chỉ đạo và làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống nhân dân, giải quyết các vướng mắc, bức xúc của người dân ngay từ cơ sở để ổn định an ninh chính trị tại các khu vực giải tỏa mặt bằng, di dời dân, khu vực có các dự án đầu tư.

6. Phát triển các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ:

a) Giáo dục và đào tạo: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiểu học và trung học cơ sở. Đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá và xếp loại học sinh theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong nhà trường. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học theo quy hoạch, nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

b) Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở y tế tuyến xã, để chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm tải cho tuyến trên. Kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; công tác khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 9,0%.

d) Dân số, kế hoạch hoá gia đình: Thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, còn 13,05%; ổn định tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,0%, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

đ) Văn hóa thông tin, thể dục thể thao: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; chống bạo lực gia đình. Xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao đến tận cơ sở; đa dạng loại hình và phương thức tổ chức thể dục thể thao gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch, dịch vụ. Tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội văn hoá chào mừng các sự kiện lớn trong năm; kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội dân gian, sinh hoạt văn hoá cộng đồng.

e) Lao động và các chính sách xã hội: Tạo việc làm mới cho hơn 2.600 lao động, đào tạo nghề cho 1.300 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 54,2%.  Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 từ 1,5-2%; nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc, vùng miền núi, ven biển, đầm phá.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, như: lồng ghép, tổ chức thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm, các chương trình phát triển kinh tế của huyện; thực hiện chính sách tạo quỹ đất cấp cho hộ nghèo sản xuất; phát triển hệ thống mạng lưới an sinh xã hội để trợ giúp đối tượng người nghèo... Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; ưu tiên cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực hiện tốt các chính sách xã hội như đền ơn đáp nghĩa, chăm lo hộ gia đình chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Tuyên truyền, hướng dẫn nhằm giảm thiểu các thiệt hại do tai nạn, thiên tai, hạn chế tới mức thấp nhất đối tượng phải cứu trợ đột xuất. Di dời, bố trí lại dân cư ra khỏi vùng ngập lụt, vùng sạt lở, ven sông, ven biển.

7. Quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai:

Phấn đấu đưa tỷ lệ dân số được cấp nước sạch chiếm 64,2%; duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 48,2%. Tiếp tục mở rộng địa bàn thực hiện dự án Thu gom và vận chuyển rác thải, phấn đấu tỷ lệ thu gom rác thải tại các xã, thị trấn đạt trên 80%.

Kiểm tra tình hình xử lý chất thải, nước thải ở các đơn vị sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; kiểm tra, chấn chỉnh tình hình khai thác khoáng sản, khai thác đất, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên địa bàn. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức cắm mốc ranh giới khu vực khai thác và hệ thống biển báo cấm khai thác cát sỏi trên sông Truồi; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện dự án Xử lý ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các xã khu III.

Tổ chức lập và quản lý chặt chẽ việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Tiếp tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích còn lại. Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, nhất là công tác giao đất, cho thuê đất; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai. Phối hợp với các Sở ngành liên quan kiểm tra các dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn để có hướng giải quyết đối với các dự án vi phạm tiến độ sử dụng đất theo kế hoạch đã được cấp phép.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, duy tu, nâng cấp các công trình thủy lợi, đê bao, tiêu thoát nước, nạo vét kênh mương, tích nước các hồ đập nhằm đảm bảo cho việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất, phòng chống hạn hán. Xây dựng phương án cụ thể về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, di dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường do thiên tai gây ra. Huy động và bố trí hợp lý các lực lượng cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão. Tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về mức độ nguy hiểm của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Phối hợp triển khai thực hiện tốt các dự án: nạo vét khơi thông cửa biển Tư Hiền, xây dựng kè chống sạt lở sông Bù Lu đoạn qua xã Lộc Vĩnh, kè chống sạt lở bờ biển Vinh Hải, kè chống xói lở bờ sông Truồi, kè chống xói lở bờ sông Nong.

8. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước, tăng cường cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng lãng phí:

Thực hiện đúng chức năng của các cơ quan quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu.

Tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ cải cách hành chính, coi đó là bước đột phá để tập trung phát triển kinh tế, trước hết thủ tục hành chính nhanh gọn, đơn giản hóa, thực hiện theo cơ chế “một cửa”. Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đẩy mạnh duy trì áp dụng và cải tiến, mở rộng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã; kế hoạch năm 2016 sẽ triển khai tại 06 xã còn lại, đạt 100%. Xây dựng “một cửa điện tử” tại Ủy ban nhân dân huyện. Tiến hành rà soát các thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý, đề xuất rút ngắn quy trình, loại bỏ các thủ tục không cần thiết. Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 theo lộ trình đã đăng ký. Hoàn chỉnh hạ tầng hệ thống mạng đảm bảo kết nối thông suốt từ huyện đến xã; phấn đấu năm 2016 sẽ phối hợp mở rộng triển khai phần mềm Quản lý Văn bản và Điều hành đến các xã, thị trấn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời, kiên quyết xử lý và thay thế các trường hợp cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức kém, thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng chức vụ để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.

Tăng cường sâu sát cơ sở để giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân và những vụ việc nổi cộm trong đời sống kinh tế - xã hội.

Nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc điều hành bộ máy và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; đồng thời, gắn với việc tuyển dụng đề bạt cán bộ, công chức. Gắn công tác quy hoạch với đào tạo và sử dụng cán bộ, công chức; làm tốt công tác phân công, phân cấp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

9. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội:

Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị trong mọi tình huống; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nội chính, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm; hạn chế và đẩy lùi tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội trên địa bàn toàn huyện.

Thường xuyên nâng cao cảnh giác, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý có hiệu quả mọi tình huống nhằm tạo thế chủ động ngăn chặn, đẩy lùi và đập tan mọi âm mưu hoạt động “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm tốt trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

10. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp:

Các cơ quan, ban ngành, UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Quốc Sinh
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày