Tìm trên trang KT-XH
Kế hoạch triển khai phát triển kinh tế - xã hội năm 2020
31/03/2020 3:08:PM

1. Mục tiêu: Tiếp tục thực hiện các mục tiêu xây dựng Phú Lộc thành trung tâm dịch vụ - du lich năng động. Nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, đưa ngành du lịch thật sự trở thành mũi nhọn; ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp toàn diện, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả; xây dựng nền kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

2. Chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2020:

Các cơ quan, ban, ngành cấp huyện theo chức năng nhiệm vụ chủ trì tổng hợp, theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch ngành; trong đó, chú ý các chỉ tiêu quan trọng, cụ thể:

a) Phòng Tài chính - Kế hoạch:

- Thu Ngân sách nhà nước tại địa phương          : 251,810 tỷ đồng

Trong đó thu cân đối ngân sách                                  : 250,310 tỷ đồng

- Chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn               : 564,994 tỷ đồng

- Thu nhập bình quân đầu người                       : 60 triệu đồng

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội                           : 7.500 tỷ đồng

b) Phòng Kinh tế và Hạ tầng:

- Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội    : 5.089 tỷ đồng

c) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tổng diện tích gieo trồng lúa                           :  6.700 ha

- Sản lượng lương thực có hạt                            : 41.250 tấn

- Sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản      : 10.520 tấn

Trong đó: Sản lượng nuôi trồng                       : 3.000 tấn

                 Sản lượng đánh bắt thủy sản            : 7.520 tấn

- Tỷ lệ số hộ sử dụng nước sạch                         : 90,0%

- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới                       : Tăng 01-02 xã

d) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Tỷ lệ hộ nghèo                                                : 4,1%

- Tạo việc làm mới                                             : 2.000 người

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt                         : 60,0%

đ) Phòng Văn hóa và Thông tin:

- Lượt khách du lịch                                          : 1.415 nghìn lượt

e) Phòng Y tế:

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng          : 6,7%

- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân              : Đạt 96,0%

g) Bảo hiểm xã hội huyện:

- Số người tham gia bảo hiểm xã hội và thất nghiệp:

+ Bảo hiểm xã hội bắt buộc             : Đạt trên 94%

+ Bảo hiểm xã hội tự nguyện            : 830 người

+ Bảo hiểm thất nghiệp                    : Đạt trên 94%

h) Các cơ quan, ban, ngành khác theo dõi, giám sát, đề xuất chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch ngành.

3. Chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm: Nhiệm vụ cụ thể của các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm thực hiện theo Kế hoạch được UBND huyện phê duyệt, gồm:

a) Chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội:

- Cơ quan chủ trì: Phòng Nông nghiệp và PTNT;

- Cơ quan phối hợp: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; các ngành, địa phương liên quan.

b) Chương trình cải cách hành chính:

- Cơ quan chủ trì: Phòng Nội vụ;

- Cơ quan phối hợp: Các Phòng Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Văn hóa và Thông tin, Văn phòng HĐND và UBND huyện; các ngành, địa phương liên quan.

c) Chương trình phát triển dịch vụ - du lịch:

- Cơ quan chủ trì: Phòng Kinh tế và Hạ tầng;

- Cơ quan phối hợp: Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện; các ngành, địa phương liên quan.

d) Chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị:

- Cơ quan chủ trì: Phòng Kinh tế và Hạ tầng;

- Cơ quan phối hợp: Phòng Tài chính - Kế hoạch, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Đội Quản lý đô thị và các ngành, địa phương liên quan.

đ) Chương trình hỗ trợ phát triển Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các dự án trên địa bàn huyện:

- Cơ quan chủ trì: Phòng Kinh tế và Hạ tầng;

- Cơ quan phối hợp: Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Đội Quản lý đô thị và các ngành, địa phương liên quan.

4. Các dự án lớn, trọng điểm: Các ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện theo sự phân công tại Chương trình công tác năm 2020; đối với các dự án, đề án khác, các ngành, địa phương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và theo phân cấp, ủy quyền của UBND huyện.

5. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

a) Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế theo hướng bền vững:

- Đối với ngành dịch vụ: Ưu tiên phát triển các ngành có tiềm năng, lợi thế, đặc biệt chú trọng phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao. Nghiên cứu mở rộng đầu tư các chợ đầu mối ở Vinh Mỹ, Lộc Điền và hệ thống các siêu thị mini nhằm đáp ứng tốt thị trường tại chỗ và cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các khu du lịch, khu công nghiệp, các đô thị, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô,...Phấn đấu tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng từ 16-17%/năm. Tiếp tục xây dựng Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương thành trung tâm du lịch tổng hợp chất lượng cao. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch lễ hội - nhân văn. Gắn phát triển du lịch với bảo vệ cảnh quan môi trường, hệ sinh thái. Chú trọng đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, tư vấn pháp luật, y tế, giáo dục đào tạo, dịch vụ nông nghiệp,...

- Đối với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng của huyện, như: chế biến thủy, hải sản, nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ, khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng,.... Kêu gọi đầu tư khu công nghiệp La Sơn, cụm công nghiệp Vinh Hưng. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp, làng nghề địa phương. Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững.

- Đối với nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, đầu tư chiều sâu, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án cánh đồng mẫu lớn và Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đất trồng lúa thiếu nước. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại, chăn nuôi công nghiệp. Tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, theo dõi diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi để có kế hoạch tái đàn chăn nuôi. Tăng cường công tác bảo vệ rừng; đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu, gắn với các các cơ sở công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu. Phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá; tăng cường đánh bắt xa bờ, chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp theo hướng khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ, giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.

- Củng cố phát triển kinh tế tập thể: Tập trung thực hiện có hiệu quả Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày 19/01/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới giai đoạn 2018 - 2020.

b) Chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng, giải phóng mặt bằng, phát triển mạng lưới đô thị và các điểm dân cư tập trung:

Tập trung công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, tổ chức bán đấu giá giao quyền sử dụng đất để đầu tư các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách huyện. Đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, hình thành đô thị mới La Sơn và từng bước quy hoạch xây dựng đô thị Vinh Hiền, điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phú Lộc,…Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới, chỉnh trang các khu dân cư theo hướng văn minh, bảo tồn bản sắc văn hóa. Xây dựng và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí đã được quy định. Tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn.

c) Phát triển văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ và bảo đảm an sinh xã hội:

Tập trung đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học; nâng cao chất lượng mũi nhọn và đại trà để duy trì và giữ vững thành tích đạt được; nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 58,8%. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Xây dựng mạng lưới thông tin, truyền thanh, truyền hình trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đến tận cơ sở.

Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững và chế độ, chính sách cho người có công. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động.

Liên kết với các trung tâm dịch vụ khoa học - kỹ thuật để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh trong sản xuất nông nghiệp, tạo bước chuyển biến mạnh về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. 

d) Tăng cường quản lý trật tự xây dựng; bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ động phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu:

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và tài nguyên, môi trường. Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Kiểm tra tình hình xử lý chất thải, nước thải ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh; chấn chỉnh tình hình khai thác đất, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng.

Ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển, dự án thoát nước mặt, xử lý nước thải, chất thải rắn cho các khu dân cư tập trung. Tiếp tục thực hiện Đề án thu gom và vận chuyển rác thải; tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”.

đ) Xây dựng bộ máy trong sạch, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ:

Tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; gắn công tác quy hoạch với đào tạo và sử dụng cán bộ, công chức; làm tốt công tác phân công, phân cấp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn công tác chỉ đạo, triển khai với công tác theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công vụ.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử, việc ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý nhà nước và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công huyện, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.

e) Bảo đảm quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí:

Tăng cường xây dựng cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; hoàn thành các nhiệm vụ công tác quân sự địa phương hàng năm và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Chủ động nắm chắc tình hình âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, không để bị động bất ngờ; tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hình sự, làm tốt công tác phòng ngừa, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tại cơ sở nhằm phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện tốt công tác tiếp dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

6. Tổ chức thực hiện

a) Các thành viên UBND huyện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tập trung chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chương trình, đề án và các dự án trọng điểm nêu trên nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

b) Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về kết quả tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công chủ trì hoặc được giao nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án và các dự án trọng điểm.

c) Căn cứ nhiệm vụ cụ thể được phân công tại Quyết định này và theo chức năng, lĩnh vực phụ trách, các ban, ngành cấp huyện tiến hành xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị mình với phương châm tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo, điều hành kiên quyết, đạt hiệu quả cao; định kỳ báo cáo UBND huyện kết quả thực hiện.

d) Các đơn vị được phân công chủ trì hoặc được giao nhiệm vụ chỉ đạo các nội dung cụ thể trong Kế hoạch thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm năm 2020 của UBND huyện, khẩn trương phân công cán bộ lãnh đạo và bộ phận chuyên viên theo dõi, tổ chức thực hiện.

đ) Các ban, ngành cấp huyện, UBND các xã, thị trấn quán triệt cụ thể đến từng cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị mình nội dung Quyết định này nhằm phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công các kế hoạch đề ra trong năm 2020, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

 

Phương Thảo
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày