Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Công bố 13 luật, bộ luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3, thông qua
17/07/2012 11:30:PM

Ngày 16/7/2012, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 13 Luật, Bộ luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3, thông qua gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Công đoàn, Luật Giá, Luật Giám định tư pháp, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quảng cáo, Luật Tài nguyên nước, Luật Biển Việt Nam.

Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. So với Bộ luật Lao động hiện hành, kết cấu của bộ Luật Lao động (sửa đổi) có 17 Chương và 1.242 Điều (tăng 23 điều).

Một số điểm mới đáng chú ý của Bộ luật này là quy định riêng đối với lao động nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; và tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng, tuy nhiên, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.

Về tuổi đời hưởng lương hưu, Bộ luật Lao động quy định nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; tuy nhiên, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn không quá 5 năm theo quy định của Chính phủ.

Thời giờ làm thêm tối đa của người lao động được giữ như hiện hành là không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong một năm. Ngoài ra Bộ luật Lao động cũng quy định tăng số ngày nghỉ Tết Âm lịch lên 5 ngày.

Về hợp đồng lao động, Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định cụ thể hơn về việc chấm dứt hợp đồng lao động, trách nhiệm của các bên khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp động lao động và trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Khi Luật này có hiệu lực thì quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con tại Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.

Luật Phòng, chống rửa tiền

Luật Phòng, chống rửa tiền, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng chống rửa tiền ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Đồng thời việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 cũng là hành động thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh chống hoạt động rửa tiền.

Về tổng thể, cơ chế phòng, chống rửa tiền theo Luật phòng chống rửa tiền 2012 được thực hiện chủ yếu thông qua việc thiết lập một cơ chế thu thập, xử lý các thông tin về nhận dạng khách hàng, thông tin về giao dịch bất thường, giao dịch có giá trị lớn để xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, sàng lọc, xác định các giao dịch có nguy cơ liên quan đến hành vi rửa tiền được thực hiện thông qua các giao dịch tại các tổ chức tài chính, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

Luật Phòng, chống rửa tiền có 5 Chương, 50 Điều, được xây dựng theo hướng quy định, chi tiết cụ thể, số lượng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật không nhiều.

Theo quy định của Luật, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định về mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ khi cần thiết. Ngân hàng Nhà nước được giao ban hành Thông tư hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp tăng cường đối với khách hàng, giao dịch có mức độ rủi ro cao; quy định về mẫu báo cáo giao dịch đáng ngờ, hình thức báo cáo; quy định về mức giá trị của giao dịch chuyển tiền điện tử phải báo cáo.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã, đang tiến hành nghiên cứu soạn thảo các văn bản nêu trên trình Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để bảo đảm các văn bản hướng dẫn cần thiết được ban hành đồng bộ khi Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành.

Luật Công đoàn (sửa đổi)

Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 Chương, 33 Điều, tăng 2 Chương và 14 điều so với Luật hiện hành. Luật đã thiết lập một số điều khoản mới, chủ yếu liên quan đến việc quy định rõ thêm trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, những bảo đảm cho Công đoàn hoạt động và cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn. Một nội dung quan trọng của Luật là xác định rõ địa vị pháp lý của Công đoàn, tạo cơ sở cho việc quy định cụ thể các quyền và trách nhiệm theo lĩnh vực hoạt động của Công đoàn, tạo hành lang pháp lý cho Công đoàn thực hiện tốt các chức năng luật định.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc

Gồm 5 Chương, 35 Điều, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, góp phần hạn chế bệnh tật, cứu sống tính mạng người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Luật bảo hiểm tiền gửi

Luật bảo hiểm tiền gửi có 7 Chương, 39 Điều được ban hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Luật này đã đạt một bước tiến trong việc xác định rõ Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Để khắc phục những hạn chế trong quy định về chủ thể được bảo hiểm tiền gửi, Luật quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.

Luật giáo dục đại học

Luật giáo dục đại học gồm 12 Chương, 73 điều quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Luật quy định 4 vấn đề mới cơ bản gồm: Phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo.

Luật Biển Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết việc thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến biển, đảo nước ta. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo nước ta.

Cùng với việc việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Cũng theo ông Bùi Thanh Sơn, Luật Biển Việt Nam được xây dựng với mục đích để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Việc xây dựng Luật Biển Việt Nam bắt đầu từ năm 1998 trên cơ sở các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, có tham khảo các thông lệ quốc tế, trong đó, có thực tiễn của các nước và yêu cầu phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của nước ta.

Luật Giá

Luật Giá được Quốc hội thông qua, Việt Nam sẽ có một môi trường pháp lý công khai minh bạch để quản lý, điều hành giá của toàn bộ nền kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường và cam kết quốc tế. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần giúp Việt Nam được cộng đồng quốc tế xem xét, công nhận là nền kinh tế thị trường.

Mục tiêu, yêu cầu trọng tâm nhất của Luật này là thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo mục tiêu đặt ra là thể chế hóa đúng đắn đường lối chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và nhà nước.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên đột phá của quá trình thi hành pháp luật, có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Luật PBGDPL có 5 Chương, 41 Điều với những nội dung cơ bản quy định về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân, chính sách của nhà nước về PBGDPL và xã hội hóa công tác PBGDPL, quản lý nhà nước về PBGDPL, về báo cáo viên pháp luật và những người được mời tham gia PBGDPL ở cơ sở.

Đáng chú ý, Luật PBGDPL quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho cán bộ công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân. Đây là ngày Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Hiến pháp năm 1946, đạo luật cơ bản đầu tiên của nước ta. Để quy định chi tiết nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam đảm bảo tính khả thi, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật PBGDPL sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2013.

Luật Giám định tư pháp

Luật Giám định tư pháp là một đạo luật quan trọng, liên quan đến hoạt động của các cơ quan tố tụng, tổ chức giám định tư pháp, tổ chức và cá nhân khác được trưng cầu, yêu cầu giám định, đặc biệt liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cũng như những người tham gia tố tụng khác trong các vụ án. Bên cạnh đó, Luật cũng đặt ra những nhiệm vụ mới trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp như: tập trung đầu tư cho một số lĩnh vực giám định tư pháp, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức pháp y…

Luật Giám định tư pháp sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.

Luật Xử lý vi phạm hành chính

Luật Xử lý vi phạm hành chính có nội dung lớn, phức tạp, điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội được bố cục thành 6 Phần, 12 Chương và 142 Điều, trong đó, có quy định về xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp xử lý hành chính, những quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính…

Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Riêng các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định như biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.

Luật Quảng cáo

Luật Quảng cáo được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước, cụ thể các hóa các quy định của Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2011), đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên  tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Luật gồm 5 Chương và 43 Điều quy định về quyền và nghĩa vụ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo, quảng cáo có yếu tố nước ngoài.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.

Luật Tài nguyên nước

Luật Tài nguyên nước ban hành năm 1998 là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước ở nước ta. Qua hơn 12 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, nhược điểm. Luật Tài nguyên nước lần này đã bổ sung 39 Điều mới hoàn toàn về nội dung và sửa đổi, bổ sung 40 Điều của Luật Tài nguyên nước năm 1998.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.

www.thuathienhue.gov.vn
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 10.821.230
Truy cập hiện tại 246 khách