Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2012
02/05/2012 9:37:AM
Từ ngày 25/5, nhà nước chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng (Ảnh Internet)

UBND cấp huyện có thẩm quyền cấp phép tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ; Thẩm quyền giao đất vùng bán ngập thuộc UBND xã; Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức; Từ ngày 25/5, nhà nước chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng; 4 chế độ đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc; 5 tiêu chuẩn đánh giá trường trung học; Đấu giá khai thác khoáng sản phải đặt cọc tối đa 15%; Phạt đến 30 triệu đồng hành vi lừa dối người tiêu dùng; Hỗ trợ kinh phí hoạt động của các Chi hội thuộc các tổ chức chính trị - xã hội thuộc các xã đặc biệt khó khăn …là những chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 5/2012.

UBND cấp huyện có thẩm quyền cấp phép tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ

Ngày 05/04/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2012/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2012.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân có nhu cầu và được UBND huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh cho phép bằng văn bản thì được đề nghị các đơn vị chuyên ngành kỹ thuật về quân khí của quân đội và công an thực hiện việc đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ.

Hồ sơ đề nghị thực hiện việc đào, bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ gửi UBND cấp huyện bao gồm: văn bản đề nghị và bản sao hợp lệ các tài liệu chứng minh việc sử dụng hoặc quản lý hoặc thi công công trình hợp pháp của địa điểm đề nghị đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ của tổ chức, cá nhân đề nghị. Trường hợp cần đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ tại các khu vực khác thì UBND cấp xã hoặc cơ quan công an, quân sự cấp huyện có văn bản đề nghị UBND cấp huyện quyết định. Chậm nhất trong thời gian 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân phải có văn bản trả lời kết quả.

Cũng theo Nghị định này, chỉ các đơn vị chuyên ngành kỹ thuật về quân khí của quân đội và công an mới được phép thực hiện việc tìm kiếm, đào bới vũ khí, vật liệu nổ.

Thẩm quyền giao đất vùng bán ngập thuộc UBND xã

Đây là một trong những nội dung quy định tại Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12/04/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định việc quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/05/2012.

Theo đó, diện tích đất vùng bán ngập được UBND cấp xã nơi có đất vùng bán ngập giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp đang cư trú hợp pháp trên địa bàn xã, phường, thị trấn có đất vùng bán ngập, trong đó ưu tiên hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất nông, lâm nghiệp sử dụng vào mục đích thủy điện, thủy lợi; trường hợp không có hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán mới xem xét giao khoán cho tổ chức.

Cụ thể, giao khoán đất trồng cây hàng năm theo mùa vụ, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản theo vụ hoặc theo năm với tổng thời gian là 05 năm. Riêng đất trồng cây lâu năm hoặc rừng trồng được giao khoán ổn định theo chu kỳ cây trồng hoặc chu kỳ kinh doanh với tổng thời gian tối đa là 50 năm.

Việc sử dụng đất vùng bán ngập theo phương án sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt bảo đảm không ảnh hưởng đến mục đích chính là thủy điện, thủy lợi; tuân thủ các quy định về kỹ thuật của ngành, lĩnh vực liên quan và các quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường; không làm ảnh hưởng đến các đặc trưng kỹ thuật của hồ chứa, không làm cản trở đến dòng chảy đến hồ và không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.

Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

Ngày 06/04/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/05/2012.

Theo đó, hình thức kỷ luật buộc thôi việc sẽ được áp dụng đối với một trong các trường hợp sau: Viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng; không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức chịu trách nhiệm tổ chức cuộc họp để viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tự kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật, trừ trường hợp viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng.

Từ ngày 25/5, nhà nước chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng

Đây là một trong những nội dung chính quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/05/2012; thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 và Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11/06/2003 của Chính phủ.

Theo đó, Nhà nước sẽ chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, từ ngày 25/05/2012 và Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định này, Chính phủ nghiêm cấm việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp và mọi hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép…

Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 02 năm trở lên; có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 03 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên và số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 02 năm liên tiếp gần nhất.

4 chế độ đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc

04 chế độ đối với đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/04/1975 có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, công an đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo quy định tại Nghị định số 23/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 của Chính phủ bao gồm: chế độ hưu trí, trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/05/2012.

Trong đó, mức lương hưu hàng tháng của quân nhân, công an, cơ yếu nhập ngũ, tuyển dụng sau ngày 30/04/1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu hiện không thuộc diện đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng và đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 01/04/2000 hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh (hoặc từ các đoàn điều dưỡng thương binh đã về gia đình)… được tính theo số năm thực tế phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu.

Cụ thể, cứ đủ 15 năm, mức lương hưu tính bằng 45% mức bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm 01 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 3% đối với nữ và 2% đối với nam. Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng sinh hoạt phí thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 01 tháng lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ cho từng thời kỳ.

5 tiêu chuẩn đánh giá trường trung học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra Thông tư số 13/2012/TT-BGDĐT ngày 06/04/2012 ban hành Quy định về Tiêu chuẩn đánh giá trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là trường trung học). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/05/2012.

Tiêu chuẩn đánh giá trường trung học là căn cứ để xác định nội dung đánh giá của các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trường trung học; công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia; công nhận trường trung học đạt tiêu chuẩn trường học thân thiện, học sinh tích cực; thanh tra toàn diện nhà trường.

Cụ thể, Thông tư ban hành 05 Tiêu chuẩn để đánh giá trường trung học, gồm: Tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý nhà trường; Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Trong đó đáng chú ý, Bộ tiếp tục đưa tiêu chí giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống thông qua các hoạt động học tập, hoạt động tập thể và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh là một trong những tiêu chí để đánh giá về hoạt động giáo dục của trường trung học.

Tiêu chí này yêu cầu phải giáo dục các kỹ năng giao tiếp, tự nhận thức, ra quyết định, suy xét và giải quyết vấn đề, hợp tác và làm việc theo nhóm cho học sinh; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh thông qua giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông; cách tự phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích khác; đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau; tư vấn về sức khoẻ thể chất và tinh thần, giáo dục về giới tính, tình yêu, hôn nhân, gia đình phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh...

Đấu giá khai thác khoáng sản phải đặt cọc tối đa 15%

Ngày 26/03/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (QKTKS). Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/05/2012.

Theo quy định tại Nghị định này, tiền đặt cọc mà tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá QKTKS phải nộp bằng 1% đến 15% giá khởi điểm đối với trường hợp đấu giá QKTKS ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản.

Trường hợp đấu giá QKTKS ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản, tiền đặt cọc được xác định trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá khoáng sản và được tính tương tự như đối với khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản. Thời gian nộp tiền đặt cọc được thông báo trong hồ sơ mời đấu giá QKTKS trước khi tổ chức phiên đấu giá ít nhất là 07 ngày. Tiền đặt cọc của tổ chức, cá nhân trúng đấu giá QKTKS được nộp vào Kho bạc Nhà nước và được khấu trừ vào tiền trúng đấu giá khi cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Số tiền đặt cọc này sẽ được hoàn trả cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá ngay sau khi kết thúc phiên đấu giá, trừ một số trường hợp như: Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá rút lại giá đã trả; giấy phép thăm dò khoáng sản bị thu hồi theo quy định của pháp luật…

Phạt đến 30 triệu đồng hành vi lừa dối người tiêu dùng

Ngày 16/03/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2012.

Nghị định quy định mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về một trong các nội dung sau: Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên còn phải cải chính công khai; cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu và nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm này. Với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng để ép buộc giao dịch; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch, sẽ bị mức phạt từ 10 - 30 triệu đồng.

Đặc biệt, Nghị định áp dụng mức phạt tới 70 triệu đồng hành vi lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng...

Hỗ trợ kinh phí hoạt động của các Chi hội thuộc các tổ chức chính trị - xã hội thuộc các xã đặc biệt khó khăn

Ngày 20/03/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 49/2012/TT-BTC hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí hoạt động của các Chi hội thuộc các tổ chức chính trị - xã hội thuộc các xã đặc biệt khó khăn (sau đây gọi là Chi hội). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/05/2012.

Tại Thông tư này, Bộ Tài chính yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí trong dự toán ngân sách tỉnh hàng năm, hỗ trợ các Chi hội theo mức từ 01 - 02 triệu đồng/năm/chi hội.

Thông tư cũng quy định cụ thể nội dung chi hoạt động của Chi hội được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí, bao gồm: Tiền nước uống, trang trí, chi văn phòngphẩm, bồi dưỡng báo cáo viên để tổ chức họp sinh hoạt định kỳ, họp sơ kết, tổng kết, phát động phong trào; mua sách báo, in ấn tài liệu cho công tác thông tin, tuyên truyền; chi in giấy chứng nhận khen thưởng, tiền khen thưởng theo các hình thức khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Đối với những nội dung chi mang tính chất đặc thù chưa có quy định mức chi cụ thể, thủ trưởng đơn vị quyết định mức chi trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình.

www.thuathienhue.gov.vn
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 10.887.267
Truy cập hiện tại 938 khách