Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2012
03/04/2012 8:54:PM

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch phạt tới 40 triệu đồng; Bổ sung phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô; Hộ kinh doanh được thăm dò tối đa 1 ha kháng sản; 4 đối tượng được hưởng hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo; Quy định xử lý tài sản bảo đảm là nhà, đất; Tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; Biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội; Chế độ đối với người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh; Tạm trú tại Việt Nam quá 90 ngày không phải xin cấp lại thị thực; Quy định cơ quan được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Bổ sung, sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực; UBND xã không còn thẩm quyền đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất; Tác giả sáng kiến có thể yêu cầu công nhận sáng kiến tại 3 cơ sở...là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2012.

 Vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch phạt tới 40 triệu đồng

Đây là một trong những nội dung quy định tại Nghị định số 16/2012/NĐ-CP ngày 12/03/2012 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.Nghị định này thay thế Nghị định số 149/2007/NĐ-CP ngày 09/10/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 30/04/2012.

Cụ thể, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn du lịch tại Việt Nam, tăng 10 triệu đồng so với quy định trước đây. Ngoài ra, doanh nghiệp có hành vi vi phạm này còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đến 12 tháng.Cũng theo Nghị định này, mức phạt đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh đại lý lữ hành dao động từ 01 triệu đồng đến 10 triệu đồng, tăng gấp đôi so với trước kia (theo quy định cũ, mức phạt đối với các hành vi này từ 200 nghìn đồng đến 05 triệu đồng).

Bổ sung phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô

Ngày 12/03/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/05/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/04/2012.

Theo các quy định tại Thông tư này, linh kiện ôtô do doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu hoặc mua của các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu thì không được tính là nội địa hóa.

Thông tư cũng quy định chi tiết và cụ thể mức độ rời rạc của các linh kiện ôtô nhập khẩu; trường hợp mức độ rời rạc của linh kiện ôtô không đáp ứng các quy định đó do công nghệ sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô thay đổi hoặc do kết cấu ôtô và phụ tùng có tính mới, mức độ rời rạc của các linh kiện ôtô nhập khẩu phải được sự chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thông tư cũng quy định chi tiết và cụ thể mức độ rời rạc của các linh kiện ôtô nhập khẩu; trường hợp mức độ rời rạc của linh kiện ôtô không đáp ứng các quy định đó do công nghệ sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô thay đổi hoặc do kết cấu ôtô và phụ tùng có tính mới, mức độ rời rạc của các linh kiện ôtô nhập khẩu phải được sự chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hộ kinh doanh được thăm dò tối đa 1 ha kháng sản

Đây là một trong những điều kiện của hộ kinh doanh để được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy định tại Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/03/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/04/2012; thay thế Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 và Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 23/01/2009.

Ngoài điều kiện diện tích khu vực xin thăm dò không quá 01 ha, để được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, hộ kinh doanh cần phải đáp ứng các điều kiện khác như: Được UBND cấp tỉnh lựa chọn theo quy định của pháp luật hoặc trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản; có hợp đồng với tổ chức có đủ điều kiện hành nghề thăm dò khoáng sản để thực hiện đề án thăm dò; có đề án thăm dò phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khoáng sản; có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 50% tổng vốn đầu tư thực hiện đề án thăm dò khoáng sản...

4 đối tượng được hưởng hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2012.

Quyết định này bổ sung thêm 02 đối tượng được nhận hỗ trợ khám, chữa bệnh bên cạnh 02 đối tượng vẫn được hưởng chế độ hỗ trợ như quy định hiện hành, đưa tổng số nhóm đối tượng được hỗ trợ lên con số 04.

Cụ thể, các trường hợp được hỗ trợ khám, chữa bệnh gồm: Người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành về chuẩn hộ nghèo; Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; Người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí.

Về các chế độ hỗ trợ, người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả việnphí, sẽ được hỗ trợ thanh toán một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với phần người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế của Nhà nước từ 01 triệu đồng trở lên cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp không có bảo hiểm y tế.

Người thuộc hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên với mức tối thiểu 3% mức lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày; được hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên.

Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà các đối tượng nêu trên phải đồng chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn luật đối với phần người bệnh phải đồng chi trả từ 100.000 đồng trở lên...

Quy định xử lý tài sản bảo đảm là nhà, đất

Ngày 22/02/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ, trong đó bổ sung 02 trường hợp xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất khi không có thỏa thuận về phương thức xử lý. Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2012.

Thứ nhất, trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản gắn liền với đất được xử lý đồng thời với quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Các bên có quyền tự thỏa thuận hoặc thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để có cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm được thanh toán trước cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ hai, trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất theo như thỏa thuận giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quyền và nghĩa vụ giữa bên thế chấp và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người mua, người nhận chính quyền sử dụng đất.

Cũng theo Nghị định này, tài sản hình thành trong tương lai được chấp nhận là tài sản bảo đảm nhưng không bao gồm quyền sử dụng đất mà chỉ gồm các loại tài sản sau: Tài sản được hình thành từ vốn vay; tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm; tài sản hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật.

Tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú

Ngày 17/02/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 07/2012/TT-BGDĐT hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/04/2012 và thay thế Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT ngày 23/04/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú được xét tặng và công bố 02 năm 01 lần vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nghi lễ trao tặng được thực hiện theo quy định của Chính phủ về nghi thức Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Người được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân phải đạt các tiêu chuẩn như: Giảng dạy đạt chất lượng và hiệu quả cao, có nhiều học sinh giỏi, sinh viên giỏi; có sáng kiến, giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng rộng rãi trong công tác giảng dạy, giáo dục hoặc quản lý giáo dục được xếp loại, tính từ sau năm được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên...

Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú được xét tặng cho những người có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên đối với giáo viên, giảng viên (đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy) và một số tiêu chuẩn cụ thể khác theo yêu cầu của từng cấp học.

Biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội

Ngày 17/02/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2012 và thay thế Nghị định số 59/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ.

Nghị định nêu rõ, việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội phải tuân theo các quy định của pháp luật hình sự, thi hành án hình sự nhằm giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục sửa chữa sai phạm, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống cộng đồng, phát triển lành mạnh, trở thành người có ích cho xã hội.

UBND cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường và cá nhân được giao giám sát, giáo dục có trách nhiệm phối hợp với đơn vị dân cư cơ sở và gia đình, thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người được giáo dục để tìm biện pháp giúp đỡ; đề nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạo điều kiện cho người được giáo dục ổn định cuộc sống; hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng, cấp mới, cấp đổi hoặc cấp lại Giấy CMND...

Trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, người được giáo dục được tạo điều kiện lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú; được tạo điều kiện tìm việc làm; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo ở địa phương...

Khi người được giáo dục đã chấp hành được 1/2 thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, có nhiều tiến bộ thì được đề nghị xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn...

Chế độ đối với người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh

Chính phủ đã ra Nghị định số 09/2012/NĐ-CP ngày 17/02/2012 quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2012.

Người lưu trú được bố trí ở buồng tập thể theo giới tính; diện tích chỗ nằm tối thiểu là 3m2/người, có phòng vệ sinh, có chiếu, chăn và màn; tiêu chuẩn ăn của mỗi người lưu trú trong 01 tháng được tính theo định lượng: 17 kg gạo tẻ thường, 0,7 kg thịt, 0,8 cá, 0,1 kg muối, 0,5 kg đường loại trung bình... định lượng này được quy đổi ra tiền theo thời giá thị trường tại địa phương nơi có cơ sở lưu trú.

Người lưu trú được hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ lành lành mạnh trong khuôn viên của cơ sở lưu trú; mỗi phòng được trang bị 01 máy vô tuyến truyền hình màu và được mượn sách, báo của cơ sở lưu trú; được liên lạc bằng điện thoại, gửi thư cho thân nhân và cơ quan lãnh sự theo quy định của cơ sở lưu trú.

Cũng theo Nghị định này, trẻ em dưới 16 tuổi là con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú được bố trí diện tích chỗ nằm cùng phòng với cha, mẹ tại cơ sở lưu trú phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm lứa tuổi, giới tính...

Tạm trú tại Việt Nam quá 90 ngày không phải xin cấp lại thị thực

Kể từ ngày 15/04/2012, người nhập cảnh Việt Nam bằng Giấy miễn thị thực, có nhu cầu tạm trú tại Việt Nam quá 90 ngày, được cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam bảo lãnh và có lý do chính đáng không cần phải làm thủ tục xin cấp lại thị thực mà chỉ cần làm hồ sơ xin gia hạn thị thực; thời gian cho mỗi lần gia hạn tối đa là 90 ngày. Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2012.

Đây là quy định mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quyết định số 10/2012/QĐ-TTg ngày 10/02/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, ban hành kèm theo Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17/08/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Người có nhu cầu gia hạn tạm trú phải làm thủ tục trước 05 ngày khi hết hạn; hồ sơ đề nghị gia hạn gồm: Hộ chiếu của người xin gia hạn tạm trú và Tờ khai đề nghị cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực, gia hạn tạm trú có xác nhận của Công an xã, phường nơi tạm trú.

Cũng theo quy định tại quyết định này, thời gian xem xét, cấp Giấy miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giảm xuống còn 05 ngày thay vì 07 ngày như quy định trước đây.

Quy định cơ quan được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/04/2012; những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Theo Nghị định này, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ như Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương); Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư);... Cục thuộc Tổng cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục thuế, Cục Thống kê.

Chi cục thuộc Sở, Chi cục thuộc Cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Chi cục Thuế; Trung tâm Tần số khu vực; Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế...

Cũng theo các quy định tại Nghị định này, cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra bộ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày. Cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra sở, Chi cục thuộc Sở tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.

Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, nội dung giải trình của đối tượng thanh tra (nếu có), chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra; trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền...

Bổ sung, sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực

Chính phủ ban hành Nghị định 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực, trong đó bổ sung quy định hồ sơ đăng ký hộ tịch gửi qua hệ thống bưu chính; rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký kết hôn từ 05 ngày xuống còn 03 ngày. Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2012.

Cụ thể, trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì UBND cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ. Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.

Khi đăng ký hộ tịch, nếu cán bộ Tư pháp hộ tịch xã, phường, thị trấn hoặc cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc cán bộhộ tịch của Sở Tư, thì yêu cầu xuất trình 02 loại giấy tờ sau đây để kiểm tra: Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đi đăng ký hộ tịch để xác định về cá nhân người đó; Sổ hộ khẩu, Sổ đăng ký tạm trú; Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú để làm căn cứ xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo quy định.

Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hộ tịch được gửi qua hệ thống bưu chính, thì các giấy tờ quy định nêu trên phải là bản sao có chứng thực; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì nộp bản sao các giấy tờ nêu trên, kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực.

UBND xã không còn thẩm quyền đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất

Ngày 02/02/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật. Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2012.

Nghị định đã bãi bỏ điểm b khoản 2 Điều 31 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP quy định việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân tại UBND cấp xã.

Theo đó, từ ngày 01/04/2012, UBND cấp xã không còn thẩm quyền giải quyết hồ sơ đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, mà thủ tục này sẽ chỉ thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện; thủ tục đăng ký thế chấp phải được giải quyết ngay trong ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 03 giờ chiều thì thực hiện thủ tục đăng ký chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo.

Cũng theo Nghị định này, thời gian giải quyết hồ sơ chuyển đổi hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc ngược lại được giảm xuống còn 05 ngày làm việc thay vì 07 ngày làm việc như quy định trước đây.

Tác giả sáng kiến có thể yêu cầu công nhận sáng kiến tại 3 cơ sở

Theo Nghị định 13/2012/CP ban hành Điều lệ Sáng kiến có hiệu lực từ ngày 25/4, tác giả sáng kiến có thể yêu cầu công nhận sáng kiến tại các cơ sở sau: Tại cơ sở là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến; Tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, với điều kiện chủ đầu tư tạo ra sáng kiến từ chối công nhận sáng kiến và không có thỏa thuận khác với tác giả sáng kiến; Tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, trong trường hợp tác giả sáng kiến đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

Đối với giải pháp đã được áp dụng, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến là 1 năm kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.

Việc xét công nhận sáng kiến được thực hiện trong thời gian 3 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến hoặc từ ngày hoàn thành việc áp dụng lần đầu, nếu sáng kiến được áp dụng lần đầu sau khi đơn được chấp nhận.

www.thuathienhue.gov.vn
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 10.846.451
Truy cập hiện tại 157 khách