Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Giải pháp để nâng cao công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
27/05/2009 3:09:PM

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thông qua tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức năng phát hiện, phân tích, kết luận, xử lý các sai phạm nhằm khôi phục, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức xã hội và quyền lợi hợp pháp của công dân. Bằng con đường đơn thư khiếu nại, tố cáo, người dân có thể phản ánh với Đảng, Nhà nước những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, tham ô, lãng phí của những cán bộ thoái hoá biến chất. Thực tế cho thấy, những địa phương, đơn vị làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng dân chủ ở cơ sở, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Để công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả cao xin kiến nghị một số biện pháp như sau:

Tuy nhiên, ở không ít nơi, cấp uỷ đảng và chính quyền còn buông lỏng xem nhẹ công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt, có những cơ quan, địa phương chưa bố trí phòng tiếp dân để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo; nếu có thì chưa thực hiện tốt việc niêm yết lịch tiếp công dân, nội quy tiếp công dân. Một bộ phận không nhỏ cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năng lực, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, thái độ làm việc hời hợt, thiếu nhiệt tình. Tình trạng né tránh, đùn đẩy, khất lần, hứa hẹn khi tiếp nhận đơn thư của người dân diễn ra khá phổ biến. Không ít trường hợp người dân phải đi lại, chầu chực nhiều lần vất vả, chờ đợi nhiều năm mà đơn thư khiếu kiện không được xem xét giải quyết.

Thực trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo xử lý không kịp thời, không chính xác dẫn đến việc thi hành pháp luật không nghiêm, làm giảm hiệu lực quản lý của bộ máy hành chính, giảm niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng và Nhà nước. Thái độ thiếu kiên quyết trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã tạo kẽ hở để một số đơn vị, cá nhân mắc sai phạm có thời gian xoá bỏ dấu vết, tiêu huỷ tang chứng để thoát tội. Vì thế, không ít trường hợp sai phạm đã “lọt lưới” pháp luật hoặc chỉ bị xử lý qua loa, chiếu lệ. Sau khi kiểm tra, xác minh theo nội dung đơn khiếu nại, tố cáo đã ban hành quyết định giải quyết nhưng không được thi hành trong thực tế khiến tình hình khiếu kiện kéo dài gây bức xúc.

1. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là công tác hết sức phức tạp, do đó cần có sự lãnh, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Đảng, chính quyền các cấp và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị tham gia thì sẽ đạt hiệu quả cao.

2. Tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Có kế hoạch phân công, bố trí lãnh đạo tiếp công dân theo quy định của pháp luật, bố trí nơi tiếp công dân tại địa điểm thuận tiện, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết, bố trí cán bộ tiếp công dân thường xuyên, có phẩm chất tốt, có kiến thức và am hiểu chính sách, pháp luật Nhà nước, có ý thức trách nhiệm cao. Công tác tiếp công dân gắn liền với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, chủ động giải quyết khiếu kiện ngay từ khi mới phát sinh, tăng cường đối thoại với dân, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết của cấp dưới hoặc trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ việc phức tạp để tránh xảy ra các điểm nóng.

3. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo ở đâu thì chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, chính sách, có lý, có tình, dứt điểm tại đó. Cần chú trọng đến công tác hoà giải ở cơ sở, nhất là những tranh chấp trong nội bộ nhân dân; nếu chính quyền cơ sở quan tâm giải quyết thông qua hoà giải ngay từ đầu thì vụ việc sẽ sớm chấm dứt, ít phát sinh phức tạp; khi hoà giải cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... để vận động, thuyết phục thấu tình, đạt lý để công dân hiểu chính sách, pháp luật và coi trọng tình làng, nghĩa xóm, thân tộc.

4. Các tổ chức trong hệ thống ngành Thanh tra từ cấp tỉnh đến cơ sở chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu, thường xuyên tiến hành kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cấp dưới trong việc chấp hành các quy định về pháp luật trong công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phát hiện những thiếu sót để kịp thời uốn nắn, sửa chữa, khắc phục ngay. Theo dõi nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.

5. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường công tác tiếp dân,  giám sát công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở địa phương mình; nếu phát hiện có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt vi phạm và xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm.

6. Về mô hình tổ chức tiếp công dân nên thống nhất tập trung một đầu mối, ở cấp tỉnh thì tại trụ sở tiếp dân của tỉnh, ở thành phố, huyện tại phòng tiếp dân của cấp huyện và do một Phó Chánh thanh tra phụ trách để gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết và kiểm tra, đôn đốc giải quyết. Đối với tiếp dân lưu động ở cơ sở cần phối hợp một số cơ quan chức năng cùng tham dự để nghe và xử lý, trả lời những kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân ngay tại buổi tiếp, trừ những vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu trả lời cho công dân sau bằng văn bản.

7. Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (nhất là tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cấp cơ sở) để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.

Thực hiện tốt những nội dung trên chắc chắn công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực./.

Chí Nguyện - VPUB
       
Tin cùng nhóm
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 10.879.551
Truy cập hiện tại 5.236 khách