Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
12/11/2018 3:24:PM
Ngày 09/11/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 62/2018/QĐ-UBND ban hành quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2018 và thay thế Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cụ thể, nội dung phối hợp gồm có:

Đăng ký, đăng ký sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương

Các doanh nghiệp chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bằng văn bản của Sở Công Thương. Khi ban hành văn bản xác nhận đăng ký; đăng ký sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt hoạt động bán hàng đa, Sở Công Thương gửi văn bản xác nhận cho doanh nghiệp, Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan; UBND cấp huyện và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Sở. Các cơ quan liên quan; UBND cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các thông tin về doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp được cung cấp để chủ động thực hiện công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; phối hợp Sở Công Thương, các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.

Tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa bàn tỉnh khi được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương và thực hiện thủ tục thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp nếu có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên. Hồ sơ thông báo đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại Điều 27 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Sở Công Thương có văn bản thông báo gửi các cơ quan liên quan; UBND cấp huyện, nơi doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Sở để phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát.

Các hội nghị, hội thảo và các hoạt động hội họp có yếu tố nước ngoài chỉ được phép tổ chức sau khi có văn bản đồng ý cho phép tổ chức của UBND tỉnh theo quy định tại Quyết định số 1630/QĐ-UBND ngày 10/8/2011 của UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó, các doanh nghiệp đã được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương khi tổ chức các hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp có liên quan đến yếu tố nước ngoài, phải thực hiện theo quy định tại Quyết định nêu trên.

Sau khi có Văn bản về cấp phép hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, Sở Ngoại vụ thông tin cho Sở Công Thương, các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện, nơi doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo để tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

Việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp có nội dung quảng cáo về sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp, phải có văn bản xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm tại hội nghị, hội thảo đối với sản phẩm thuộc thẩm quyền xác nhận của cơ quan liên quan theo quy định.

Sau khi có văn bản xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm tại hội nghị, hội thảo cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp, cơ quan xác nhận cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan để cùng tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

Các cơ quan liên quan; UBND cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các thông tin về việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp được cung cấp, chủ động phối hợp tham gia giám sát, kiểm tra hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, đảm bảo doanh nghiệp tổ chức thực hiện đúng nội dung đã đăng ký và xử lý các hành vi vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền  xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Giải quyết, xử lý đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Việc giải quyết, xử lý đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện theo quy định của pháp luật. Khi tiếp nhận đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan giải quyết, xử lý đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo thẩm quyền hoặc chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý vi phạm theo quy định; đồng thời báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Khi tiếp nhận đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp có tính chất nghiêm trọng, cấp bách, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, giao Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, với sự tham gia của các cơ quan chức năng liên quan để xác minh, kiểm tra, điều tra và xử lý theo quy định.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp

Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp, chủ trì là Sở Công Thương hoặc Chi cục Quản lý thị trường, thành viên là đại diện của các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đột xuất khi có thông tin vi phạm liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Kết thúc kiểm tra có biên bản và kết luận hành vi vi phạm, mức độ xử lý trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Thành lập Tổ giám sát, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp, chủ trì là Sở Công Thương, thành viên là đại diện của các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện thực hiện thường xuyên nhiệm vụ giám sát hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình giám sát, phát hiện vi phạm báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật. Sau mỗi đợt giám sát hội nghị, hội thảo, đào tạo, Tổ giám sát báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của doanh nghiệp bán hàng đa cấp về hội nghị, hội thảo, đào tạo để theo dõi, quản lý.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất theo thẩm quyền của từng cơ quan, đơn vị. Trước khi tiến hành công tác thanh, kiểm tra có thể yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp thêm thông tin về doanh nghiệp được kiểm tra, đồng thời tăng cường việc trao đổi thông tin giữa các sở, ban, ngành để nắm bắt nội dung thanh tra, kiểm tra của từng đơn vị, đảm bảo tránh bị trùng lắp, chồng chéo về chức năng, thời gian, nội dung kiểm tra, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tổ chức thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện các hành vi biến tướng về bán hàng đa cấp chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, thông tin cho các cơ quan liên quan, địa phương cùng phối hợp để thống nhất đề xuất phương án quản lý và yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế. Chuyển hồ sơ xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp không có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng nội dung Giấy chứng nhận tại khoản 50 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13.

Phương Thảo (theo thuathienhue.gov.vn)
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 10.881.649
Truy cập hiện tại 5.905 khách