Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Nghiêm cấm các hành vi làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản, gây ô nhiễm môi trường thuỷ sinh đầm phá
20/12/2016 4:11:PM

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 84/2016/QĐ-UBND ban hành Quy chế Quản lý hoạt động khai thác thủy sản đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2016.

Theo đó, Nhà nước khuyến khích việc quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng. Các cá nhân, hộ gia đình tham gia khai thác thuỷ sản đầm phá tập hợp trong các tổ chức ngư dân cấp cơ sở thôn, tổ; hoặc liên thôn, tổ, xã, thị trấn… Nhà nước giao một số hoạt động thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác thuỷ sản đầm phá, mang tính nội bộ cộng đồng cho tổ chức ngư dân cấp cơ sở nhằm phát huy dân chủ cơ sở, giảm chi phí quản lý nghề cá ven bờ, đầm phá.

Đồng thời, nhằm bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản, nâng cao thu nhập người dân, cộng đồng ngư dân đầm phá, UBND tỉnh nghiêm cấm việc tự do phát triển khai thác thuỷ sản đầm phá và các hành vi gây tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến nguồn lợi thủy sản hoặc môi trường sống của chúng. Bố trí các ngư cụ khai thác thuỷ sản đầm phá phải tránh các Khu Bảo vệ thủy sản, vùng lõi Khu Bảo tồn đất ngập nước, các luồng tuyến giao thông đường thuỷ nội địa đã quy định, bao gồm cả hành lang bảo vệ luồng, các khu neo đậu, quay trở tàu thuyền.

Cụ thể, nghiêm cấm khai thác, hủy hoại trái phép các bãi thực vật ngầm, rừng ngập mặn, các rạn đá và hệ sinh cảnh khác; phá hủy, cản trở trái phép đường di chuyển tự nhiên của các loài thủy sản; khai thác các loài thủy sản thuộc các danh mục cấm kể cả cấm có thời hạn, trừ trường hợp vì mục đích nghiên cứu khoa học được Chính phủ cho phép; sử dụng kích điện, rà điện, kết hợp điện; te quyệu, giã cào, lưới quét, lưới kìm (vây), lưới xiếc khi khai thác thủy sản;...

Về bố trí các ngư cụ, kích thước mắt lưới tối thiểu được phép ở phần đụt của nghề đáy, phần hom (nò) của nghề nò sáo và phần đụt nghề lừ xếp là: 2a =18 mm. Nghề đáy khai thác tôm cá giống cho nuôi trồng thủy sản, có kích thước mắt lưới nhỏ hơn 2a =18 mm phải được cho phép. Khoảng cách tối thiểu giữa hai trộ nghề nò sáo là 150m. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 cánh sáo liền kề là 10m. Khoảng cách cánh sáo cách bờ tối thiểu là 50m. Riêng tại đầm Cầu Hai, cánh sáo phải cách bờ tự nhiên và cách đê bao nuôi tôm tối thiểu là 200m.

Đối với các xã thuộc huyện Phú Lộc. Số lượng cheo lừ xếp của mỗi tổ chức ngư dân cơ sở được phân bổ tại Giấy phép khai thác thủy sản, tuân thủ hạn ngạch số lượng lừ xếp trên các địa bàn cấp huyện, do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

Về cấp giấy phép khai thác thuỷ sản, giấy phép khai thác thuỷ sản được cấp hàng năm, giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn không quá 12 tháng. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy chế hoạt động khai thác thủy sản đầm phá nhiều lần, mức độ nặng sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Nguyễn Trường (theo thuathienhue.gov.vn)
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 10.820.538
Truy cập hiện tại 136 khách