Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Nội dung thống nhất của UBND tỉnh về giải quyết vướng mắc trong chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển
16/11/2016 11:10:AM

Ngày 07/11/2016, UBND tỉnh đã có Công văn số 6868/UBND-NN về việc thống nhất giải quyết những vướng mắc trong chi trả tiền bồi thường do sự cố môi trường biển.

Theo đó, UBND tỉnh đã hướng dẫn chi tiết việc kê khai đối tượng thiệt hại thực sự do sự cố môi trường biển; cụ thể như sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân làm nghề đan lưới, vá lưới chuyên nghiệp (là thu nhập chính để sinh sống) có hộ khẩu tại các xã, thị trấn ven biển thì được bồi thường theo công văn số 6851/BNN-TCTS tại điểm 2.1, mục 2, phần II. Ở đây, từ cơ sở không đòi hỏi là pháp nhân, mà có nghĩa là địa điểm, như vậy được đền bù theo định mức lao động bị mất việc tại mục 6, Điều 1 của Quyết định 1880/QĐ-TTgngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Học sinh, sinh viên tranh thủ lúc rãnh rỗi và các tháng hè về phụ giúp gia đình lao động các nghề khai thác, nuôi trồng... và các lao động bán chuyên khác, không phải là đối tượng được bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT(chỉ là lao động chuyên nghiệp).

3. Người lao động cao tuổi trên 60 nhưng thực tế còn lao động khai thác, nuôi trồng thủy sản và đó là nguồn thu nhập chính để sinh sống, thì được Hội đồng các cấp xem xét đánh giá, thẩm định, bồi thường thiệt hại. Giới hạn người già đủ 80 tuổi, đã được Nhà nước chi chính sách người già thì không còn được xem xét, thẩm định, phê duyệt chi trả bồi thường.

4. Đối với trường hợp một đối tượng kê khai nhiều nghề sản xuất (như chủ tàu, chủ hồ nuôi trồng thủy sản, lao động đánh cá, nuôi trồng, dịch vụ...), giải quyết như sau:

- Về sở hữu tài sản là các cơ sở sản xuất thủy sản khác nhau: được bồi thường tất cả các loại hình đầu tư sản xuất bị thiệt hại nằm trong đối tượng quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, theo nguyên tắc thiệt hại bao nhiêu được bồi thường bấy nhiêu.

- Về lao động: mỗi người chỉ được bồi thường một nghề làm thường xuyên, có thu nhập chính và chỉ được áp định mức bồi thường thiệt hại theo nghề đó, điều này quy định tại câu 4, phụ lục 5 Công văn số 7433/BNN-TCTS ngày 01/9/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

5. Đối tượng là chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại (có nộp thuế tháng và không nộp thuế tháng) đã kê khai mất việc làm:

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại không nộp thuế tháng, kê khai như lao động bán hàng đơn giản bị mất việc làm theo mẫu I.8 công văn số 6851/BNN-TCTS và được đền bù theo định mức lao động bị mất việc tại mục 6, Điều 1 của Quyết định 1880/QĐ-TTgngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại có nộp thuế tháng thì kê khai theo mẫu số I.6 phụ lục 1 công văn số 6851/BNN-TCTS để được miễn giảm thuế theo quy định. Hiện nay Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Chính phủ chưa có định mức cho đối tượng này, thì phải tạm chờ chưa giải quyết, chờ Quyết định phê duyệt Đề án xác định bồi thường và khôi phục sản xuất của Chính phủ để giải quyết.

6. Đối với tàu cá vỏ gỗ lắp máy từ 20 CV trở lên, luật pháp hiện quy định về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép của cơ quan quản lý thủy sản; kiểm soát ra vào cửa biển của Bộ đội Biên phòng. Vì vậy, nếu các tàu cá này không có những giấy tờ về đăng ký tàu cá, chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (đăng kiểm), giấy phép khai thác thủy sản,… thì không được bồi thường, do hoạt động bất hợp pháp, không có xác thực đưa tàu về tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời điểm nào trước hay sau sự cố môi trường biển, đánh bắt ở vùng biển bị sự cố hay không... ?

*Đối với tàu thuyền đánh cá lưu ý một số điểm sau:

- Ghe thuyền nan bãi ngang thủ công và lắp máy được Hội đồng các cấp xem xét, thẩm định, phê duyệt bồi thường theo sản xuất thực tế của ngư dân, vì loại hình này không quy định đăng kiểm của Thủy sản và kiểm soát ra biển của Biên phòng. Quản lý ghe nan ở bãi ngang đã được giao cho UBND cấp xã.

- Các tàu thuyền di chuyển ngư trường ra miền bắc (Quảng Ninh) quanh năm để khai thác thủy sản không được bồi thường, vì không thiệt hại.

- Các tàu cá huyện Phú Lộc đang đậu tại Cảng Đà Nẵng được xem xét bồi thường bình thường, vì tàu cá hiện ngày càng có vỏ lớn – máy lớn, cửa Tư Hiền lại cạn, nên phải neo đậu tạm ở Đà Nẵng, nhưng vùng biển hoạt động thường xuyên ở 4 tỉnh thiệt hại.

*Hội đồng các cấp có thể dựa vào các loại giấy tờ của tàu cá và kiểm soát ra vào cửa biển thực tế do Đồn Trạm Biên phòng xác nhận trong Sổ Danh bạ thuyền viên (sáu tháng vụ nam cùng kỳ 4-9/2015 và hiện nay), để xem xét bồi thường hay không bồi thường tùy trường hợp cụ thể.

7. Trường hợp đặc biệt của chủ tàu cá Nguyễn Em, hộ khẩu thường trú tại phường Phú Hậu, thành phố Huế sẽ được kê khai và Hội đồng của UBND thị trấn Thuận An xem xét thẩm định, UBND huyện Phú Vang quyết định bồi thường, xem như tàu cá này có địa điểm sản xuất tại địa phương (Cảng đậu tàu ở Thuận An). Như vậy, tránh việc thành phố Huế phải thành lập Hội đồng bồi thường không cần thiết.

8. Tàu cá công suất 90 CV trở lên đăng ký hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá hoặc nghề khai thác thủy sản kết hợp dịch vụ được xem xét bồi thường. Lý do, đội tàu dịch vụ Thừa Thiên Huế chỉ chủ yếu thu mua thủy sản tươi sống và tất cả các tàu đều có tham gia đánh cá bằng các loại ngư cụ khác nhau, như: mành đèn, câu mực, câu tay, chụp mực, xúc ruốc, mành tôm hùm giống,... tại các thời điểm, mùa vụ khác nhau trong năm, nên cũng bị thiệt hại do giá cả sụt giảm. (Điểm a, Khoản 4, Điều 1 của Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ có quy định về đối tượng thu mua trực tiếp từ tàu cá: người trên bờ không có tàu mua trực tiếp từ tàu cá về bờ cũng được bồi thường). Vì vậy, người trên biển có tàu cá thu mua cá biển trực tiếp từ các tàu cá ngay trên biển được bồi thường.

Định mức bồi thường về giá cho tàu cá khai thác xa bờ bình quân chỉ tương đương với định mức lao động đơn giản mất việc trong đó bao gồm mua bán cá trực tiếp. Vì vậy, không cần thiết đề xuất một định mức riêng cho tàu cá xa bờ khai thác kết hợp thu mua trên biển, mà áp dụng định mức chung cho tàu cá xa bờ tại Quyết định số 1880/QĐ-TTgngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

9. Đối với đối tượng nuôi trồng thủy sản vừa bị chết vừa bị ngừng nuôi:

Trong giai đoạn xảy ra sự cố môi trường biển, nếu hộ Ông A có 02 ha nuôi và bị chết trong khoảng thời gian tháng 5/2016 và sau đó ngừng nuôi cho đến  30/9/2016. Như vậy, Ông A được kê khai đền bù thiệt hại 02 ha nuôi bị chết và được kê khai chủ cơ sở và lao động ngừng nuôi từ tháng 6-9/2016 (4 tháng) theo khoản 1.2, Mục 1, Công văn số 7433/BNN-TCTS và được tính bồi thường lao động bị mất việc làm kể từ khi bị mất việc làm đến 30/9/2016 (quy định tại câu 24, Phụ lục 5, Công văn số 7433/BNN-TCTS).

10. Do định mức bồi thường nuôi trồng thủy sản (Thủy sản bị chết) được ban hành tại Quyết định  số 1880/QĐ-TTgngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ được tính toán giá trị trên cơ sở chết toàn bộ, nên chỉ bồi thường cho cơ sở có thủy sản chết từ 70% trở lên (theo hướng dẫn tại Phụ phục 5, Công văn số 7433/BNN-TCTS ngày 01/9/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).

11. Người lao động làm nghề khai thác đơn giản, có sử dụng thuyền phục vụ cho nghề khai thác có được kê khai bồi thường về tàu thuyền không?

- Đối với tàu vỏ gỗ ra vào cửa biển và ghe thuyền nan bãi ngang thực hiện như mục 6 nêu trên tại Phụ lục này.

- Đối với lao động làm nghề khai thác đơn giản trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai không thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

12. Đối với chủ tàu nhưng cũng tham gia lao động trên tàu, vấn đề này tạm gác lại, sau nếu có thì quyết định chi trả bổ sung sau. Sở Nông nghiệp và PTNT đang hỏi Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, trả lời bằng văn bản.

13. Tuân thủ nguyên tắc có thiệt hại thực sự mới bồi thường đối với đối tượng cụ thể thuộc7 nhóm đối tượng quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTgngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Hội đồng các cấp xem xét, thẩm định thấy không thiệt hại thì không bồi thường. Việc này phù hợp với các hường dẫn của các cơ quan Trung ương.

14. Đối tượng cụ thể nằm trong các diện, 7 nhóm đối tượng quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTgngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, vì nhiều lý do chưa kê khai thì tiếp tục được kê khai nếu thực sự bị thiệt hại, Hội đồng các cấp xem xét, thẩm định và phê duyệt bổ sung bồi thường thiệt hại để bảo đảm nguyên tắc không bỏ sót.

15. Đối tượng cụ thể thuộc 7 nhóm đối tượng quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTgngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ chưa có định mức, thì Hội đồng các cấp cần giải thích rõ cho người dân chờ định mức Trung ương quyết định.

Quốc Sinh
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 10.875.576
Truy cập hiện tại 2.545 khách