Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
HIỆU QUẢ TỪ CHỈ THỊ 40 - CT/TW SAU 10 NĂM THỰC HIỆN THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM, DUY TRÌ VÀ MỞ RỘNG VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN PHÚ LỘC
14/05/2024 8:08:AM
Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Đức Hòa

Phú Lộc là một huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích 72.092 ha bao gồm đồng bằng, đồi núi, ven biển và đầm phá; toàn huyện có 17 đơn vị hành chính, trong đó có 15 xã và 02 thị trấn với 41.761 hộ, đến cuối năm 2023 toàn huyện có hộ nghèo 692 hộ chiếm tỷ lệ 1,66%, hộ cận nghèo 738 hộ chiếm tỷ lệ 1,77%. Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 05 năm giai đoạn 2021-2025 của UBND huyện, trong đó chỉ tiêu về lao động qua đào tạo tìm được việc làm mới sẽ phải thực hiện từ 1.600-1.700 lao động mỗi năm, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự chỉ đạo thường xuyên của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND), sự phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn của huyện; Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phú Lộc đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải nguồn lực hỗ trợ của nhà nước (Trung ương và địa phương) thông qua cho vay từ các chương trình tín dụng chính sách giúp người lao động có nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh tạo sinh kế, việc làm, nhằm ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình, góp phần ổn định xã hội.

 

Đưa Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đi vào cuộc sống

Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt Chỉ thị 40) ra đời và đi vào cuộc sống đã bổ sung thêm nguồn lực đáng kể để NHCSXH cùng với chính quyền địa phương trên địa bàn huyện Phú Lộc thực hiện tốt công tác hỗ trợ vốn nhằm tạo việc làm mới cho người lao động trên địa bàn.

Từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn được Huyện ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện quan tâm, chỉ đạo thường xuyên hơn, quyết liệt hơn. Ngoài việc chỉ đạo cấp ủy, UBND cấp xã quan tâm bố trí 17 Điểm giao dịch xã của NHCSXH hoạt động giao dịch vào ngày cố định trong tháng trong khuôn viên trụ sở của UBND cấp xã đảm bảo an toàn và hiệu quả. Còn quan tâm, chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã trong việc rà soát, phê duyệt danh sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách thường xuyên để làm cơ sở cho NHCSXH xem xét cho vay, nhằm hỗ trợ vốn vay kịp thời cho người dân có nhu cầu nhất là các hộ gia đình nghèo, khó khăn, lao động thiếu việc làm để tạo công ăn việclàm, ổn định đời sống gia đình. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội huyện Phú Lộc đã phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội và tập hợp lực lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác đã phối hợp tốt với PGD NHCXH huyện trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; thường xuyên theo dõi nợ đến hạn, nợ quá hạn để phối hợp động viên, vận động đôn đốc, thu hồi nợ, nhờ vậy chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, quy mô tín dụng ngày càng được mở rộng. Nếu dư nợ tại PGD cuối năm 2014 đạt 222,4 tỷ đồng, nợ quá hạn và nợ khoanh là 1,23 tỷ đồng, chiếm 0,55% trong tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn là 0,93 tỷ đồng, nợ khoanh là 0,3 tỷ đồng, thì đến 30/4/2024, tổng dư nợ của PGD là 571,8 tỷ đồng, tăng 349,4 tỷ đồng so với năm 2014, bình quân mỗi năm tăng 16%, nợ quá hạn và nợ khoanh 0,47 tỷ đồng, chiếm 0,08% tổng dư nợ, giảm 0,75 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó nợ quá hạn 0,21 tỷ đồng, giảm 0,71 tỷ đồng, nợ khoanh là 0,26 tỷ đồng, giảm 0,03 tỷ đồng so với năm 2014. Cuối năm 2014, toàn huyện chỉ có 02 xã không có nợ quá hạn, chiếm 11% tổng số xã, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với tín dụng chính sách, chất lượng tín dụng được nâng lên, đến 30/04/2024, toàn huyện có 12 xã không có nợ quá hạn, chiếm 70,58% tổng số xã trong toàn huyện, tăng 10 xã so với năm 2014. Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn đã đi vào nề nếp, khoa học và hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày một nâng cao.

Đặc biệt, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Huyện ủy, UBND huyện đã tham mưu HĐND huyện thông qua Nghị quyết về việc trích từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hàng năm theo chương trình cho vay giải quyết việc làm. Theo đó, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, đến 30/4/2024 tổng nguồn vốn ủy thác địa phương của UBND huyện chuyển sang NHCSXH cho vay đạt 11.645 triệu đồng (là một trong hai đơn vị cấp huyện có nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH cao nhất trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế). Nhờ nguồn vốn ủy thác của địa phương, hàng năm đã giải quyết cho hàng trăm lao động được vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Như vậy, ngoài nguồn vốn từ TW, nguồn vốn ủy thác địa phương đã bổ sung thêm nguồn lực cho NHCSXH thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, góp phần ổn định xã hội trên địa bàn huyện.  

Kể từ khi Chỉ thị 40 ra đời, đến nay, hầu hết người dân tại địa phương đều được tiếp cận và tham gia thụ hưởng chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Phú Lộc từ nguồn vốn ủy thác của địa phương. Nhờ làm tốt công tác truyền thông, trong những năm qua PGD NHCSXH huyện Phú Lộc đã chuyển tải kịp thời nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến kịp thời cho lao động cần vốn để tạo việc làm trên địa bàn. Đến 30/4/2024, với tổng dư nợ của PGD đạt 571,8 tỷ đồng, trong đó dư nợ của chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt 90,7 tỷ đồng với 2.084 khách hàng còn dư nợ (trong đó dư nợ từ nguồn vốn ủy thác địa phương các cấp đạt 21,9 tỷ đồng, chiếm 24,15% dư nợ của chương trình tín dụng này), tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn trong 10 năm qua. Ngoài nguồn vốn của TW chuyển về để cho vay, nguồn vốn ủy thác địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường nguồn lực để tiếp vốn cho PGD NHCSXH huyện Phú Lộc nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người lao động chưa có việc làm do thiếu vốn đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm, góp phần ổn định cuộc sống.

Năm 2023, toàn huyện Phú Lộc đã tạo việc làm mới cho  trên 1.767 lao động, và phối hợp đưa 389 lao động đi lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được UBND huyện Phú Lộc đề ra trong năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo từ 2,74% cuối năm 2022 giảm xuống còn 1,66% vào cuối năm 2023. Trong thành quả đó, phải kể đến hiệu quả từ Chỉ thị 40 mang lại và sự đóng góp không nhỏ của PGD NHCSXH huyện Phú Lộc trong việc thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần cùng toàn huyện thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Hiệu quả từ nguồn vốn ủy thác địa phương thông qua chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm

Nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang cho NHCSXH để tập trung cho vay giải quyết việc làm đối với người lao động trên địa bàn. Đây là chương trình tín dụng chính sách nhằm chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến người lao động để tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn, vừa góp phần tạo việc làm cho người lao động vừa góp phần duy trì và mở rộng việc làm, chuyển dần lao động thuần tuý trong nông nghiệp mức thu nhập thấp sang các ngành nghề có thu nhập cao, có đầu tư khoa học kỹ thuật mới, áp dụng công nghệ số vào hoạt động chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định và tiến tới vươn lên làm giàu mà trong những năm gần đây trên địa bàn huyện Phú Lộc đã và đang thực hiện.

Đến thăm trang trại của anh Nguyễn Đức Hoà (thôn Phụng Sơn, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc), với gần 2 ha đất trồng tiêu, anh đã có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, đã có tích luỹ để xây nhà và đầu tư chi phí cho 04 đứa con ăn học. Anh Hoà tâm sự, trước đây nhà nghèo, theo cha mẹ khai phá đất hoang làm rẫy trồng cây sắn để sinh sống làm ăn, nhưng hiệu quả không cao, nên anh mạnh dạn vay vốn của NHCSXH để đầu tư trồng cây tiêu. Với 50 triệu vay vốn từ chương trình tín dụng Giải quyết việc làm, cùng với với tự có tích luỹ của mình anh đầu tư giống và cọc để trồng gần 800 gốc tiêu, nhờ siêng năng chăm sóc, bón phân, làm cỏ, áp dụng kỹ thuật mới trong trồng tiêu đã học được, sau 02 năm đầu tư vốn trồng tiêu, đến nay cây tiêu đã xanh tốt và đã cho thu hoạch vụ đầu tiêu đạt sản lượng gần 04 tấn tiêu khô. Nhờ vốn vay NHCSXH gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Chia tay gia đình anh Hòa, chúng tôi đến thăm gia trại của gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (tổ dân phố 8, thị trấn Phú Lộc). Gia đình chị Nhung được PGD NHCSXH huyện Phú Lộc cho vay số tiền 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cùng vốn tự có của gia đình để đầu tư nuôi 02 bò giống sinh sản. Ngoài chăn nuôi bò, gia định chị còn chăn nuôi thêm gà, vịt thả quanh vườn nhà để lấy thịt, trứng. Sau 01 năm đầu tư, với đàn bò duy trì từ 4 -5 con, cùng với trên 100 con vịt, gà đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình chị, đồng thời giải quyết việc làm cho 02 lao động trong gia đình vào mùa nông nhàn. Nhờ biết cách chăm sóc, xây dựng chuồng trại đúng quy cách và khoa học, biết cách thức phòng bệnh, luôn đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên bò nuôi lớn nhanh và đã sinh sản được 02 bê con, góp phần cải thiện cuộc sống của gia đình, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng giúp gia đình có dành dụm để trả nợ cho ngân hàng đúng hạn, có tích lũy để mở rộng quy mô chăn nuôi, góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.

Thu nhập ổn định, đời sống đổi thay đi lên từng ngày là những cảm nhận của những hộ gia đình, những người lao động đã nhờ đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH để có được việc làm, đầu tư mở rộng và phát triển thêm quy mô sản xuất kinh doanh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống gia đình, thoát được nghèo và vươn lên làm giàu một cách chính đáng. Những hộ vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã có thu nhập ổn định, trả nợ phân kỳ và trả lãi hàng tháng đều đặn, không có phát sinh nợ quá hạn, lãi tồn đọng... điều đó đã minh chứng cho việc đầu tư có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của PGD NHCSXH huyện Phú Lộc trong việc hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại địa phương trong thời gian qua.

Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024, toàn huyện sẽ giải quyết việc làm mới cho 1.879 lao động (trong đó có 350 lao động được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm), đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 1,48% và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,6%. Đó là những chỉ tiêu mang tính đột phá, là động lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện Phú Lộc không ngừng phát triển trong năm 2024, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ đã đề ra. Đòi hỏi trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW; hỗ trợ thêm nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn ủy thác của địa phương cấp huyện thông qua NHCSXH, có như vậy mới góp phần hoàn thành chỉ tiêu tạo việc làm mới cho người lao động trên địa bàn năm 2024 của địa phương, đồng thời tạo động lực để thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ 2021-2025 trên địa bàn huyện Phú Lộc.

 

Văn Thìn – NHCSXH
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.441.227
Truy cập hiện tại 1.432 khách