Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Phú Lộc năm 2018
06/04/2018 4:46:PM

Ngày 03/4/2018, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 994/KH-UBND về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Phú Lộc năm 2018

 

Mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đồng thời giúp cho lao động nông thôn nắm được những kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật và tay nghề để có cơ hội tìm việc làm. Đào tạo nghề cho 250 lao động nông thôn, trong đó 200 người học nghề phi nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 80%) và 50 người học nghề nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 20%). Đạo tạo, bồi dưỡng cho 50 lượt cán bộ, công chức cấp xã.

Đối tượng áp dụng: Người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; người dân thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách hộ bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được UBND huyện phê duyệt; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều kiện người lao động được hỗ trợ học nghề: Lao động trong độ tuổi lao động (từ đủ 15-55 tuổi, nam từ đủ 15-60 tuổi), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Có phương án tự tạo việc làm sau học nghề hoặc được đơn vị sử dụng lao động cam kết tuyển dụng hoặc có đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm sau học nghề, bao gồm: người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã; người lao động có hộ khẩu thường trú tại thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi; lao động nữ và lao động là người khuyết tật. Trong các đối tượng nêu trên, ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Về mức hỗ trợ chi phí đào tạo:

Đối với lao động nông thôn: Người học được hỗ trợ chi phí học nghề theo Quyết định số 79/2014/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy định mức chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Đối với người khuyết tật: Được hỗ trợ chi phí học nghề theo Quyết định số 63/QĐ-UBND ngày 18/11/2015 về việc quy định định mức chi phí đào tạo nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Đối với người dân bị thiệt hại sự cố môi trường biển: Được hỗ trợ theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Về mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại:

Đối tượng được hỗ trợ: Người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, người dân thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được UBND cấp huyện phê duyệt tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.

Mức hỗ trợ:

- Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học.

- Mức hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ: Mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

UBND huyện giao trách nhiệm Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm lập kế hoạch hàng năm, phối hợp với các ngành liên quan và các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện Đề án, tổng hợp, phân tích đánh giá kết quả định kỳ 6 tháng và năm, báo cáo UBND huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động. Trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ các lớp đào tạo nghề sơ cấp 03 tháng, dưới 03 tháng trên đại bàn huyện. Rà soát, kiểm tra, lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện đào tạo các nghề mà địa phương có nhu cầu để ký hợp đồng đào tạo; khảo sát nhu cầu việc làm của lao động nông thôn để định hướng đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người học. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện.

Giao trách nhiệm Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với phòng LĐ-TB&XH, phòng Kinh tế-Hạ tầng trong việc xác định ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn, phục vụ trực tiếp cho sản xuất  trên địa bàn huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Triển khai các chính sách về nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Giao trách nhiệm Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với phòng LĐ-TB&XH xác định nhu cầu đào tạo nghề, ngành nghề đào tạo phi nông nghiệp và dịch vụ. Cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ hàng hóa, hàng nông sản cho người dân; kết nối, phổ biến chính sách ưu đãi đến các doanh nghiệp, hợp tác xã để cùng tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm và tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm hàng nông sản, hàng mỹ nghệ… Phối hợp với Trung tâm khuyến công và các xã, thị trấn tuyển sinh đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển các nghề truyền thống ở địa phương gắn với nhu cầu của các cơ sở sản xuất.

Giao trách nhiệm Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã năm 2018 trình UBND huyện đề nghị Sở Nội vụ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Giao trách nhiệm Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện đổi mới chương trình giáo dục và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở để học sinh nhận thức và có định hướng đúng đắn về học nghề và chủ động lựa chọn các loại hình học nghề sau này.

Giao trách nhiệm Phòng Tài chính – Kế hoạch căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn, khả năng cân đối nguồn vốn và tiến độ thực hiện của dự án, tham mưu phân bổ vốn đầu tư công cho các dự án cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề. Phối hợp với Phòng Lao động-TB&XH, các cơ quan liên quan và các xã, thị trấn tham mưu UBND huyện đề xuất UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Kế hoạch theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

Giao trách nhiệm Phòng Văn hóa và Thông tin; Đài Truyền thanh huyện phối hợp, chỉ đạo Đài Truyền thanh huyện, xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, các chính sách ưu đãi cho lao động nông thôn học nghề trên địa bàn huyện, xuất khẩu lao động.

Giao trách nhiệm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu việc làm và đào tạo nghề ở địa phương để tổ chức chiêu sinh, mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của địa phương theo các ngành nghề tại danh mục đã được phê duyệt.

Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và Liên đoàn Lao động huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để có kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên trong độ tuổi lao động ở nông thôn tích cực tham gia học nghề phù hợp với năng lực và điều kiện cuộc sống tại địa phương; lồng ghép các hoạt động tư vấn miễn phí về dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động cho lao động nông thôn trong kế hoạch này vào các nội dung phù hợp theo chương trình hoạt động.

Giao trách nhiệm Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách về đào tạo nghề, việc làm, xuất khẩu lao động cho lao động nông thôn đến từng người dân; tổng hợp kết quả khảo sát nhu cầu việc làm và đào tạo nghề trên địa bàn hàng năm đề xây dựng kế hoạch. Thống kê các đối tượng được hưởng chính sách người có công, bộ đội xuất ngũ, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người trực tiếp lao động trong các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác, nhất là người dân thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách hộ bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được UBND huyện phê duyệt và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đang trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu về việc làm và đào tạo nghề để được tư vấn định hướng đào tạo nghề theo quy định trong Đề án.

 

 

Thu Trong
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 10.894.424
Truy cập hiện tại 946 khách