Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Tín dụng chính sách góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện
28/02/2020 10:37:AM

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp nông thôn, được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân.

Nông thôn mới không chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội, mà là vấn đề kinh tế - chính trị tổng hợp là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng gia đình, thôn, xã của mình khang trang sạch đẹp; phát triển sản xuất toàn diện (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ); có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Trong các giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới, có vai trò hàng đầu đó là vốn tín dụng, đặc biệt là tín dụng chính sách xã hội.

Tổng dư nợ trên địa bàn huyện đến 31/01/2020 của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 337 tỷ đồng tăng so với đầu năm 6,7 tỷ đồng. Cụ thể cho vay hộ nghèo đạt 8,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,4%; cho vay hộ cận nghèo 9,1 tỷ đồng, chiếm 2,7%; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn  đạt 63,8 tỷ đồng, chiếm 18,9%; cho vay hộ mới thoát nghèo 99,3 tỷ đồng, chiếm 29,4%; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 106,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,5%; cho vay vốn đối với học sinh và sinh viên đạt 14,8 tỷ đồng, chiếm 4,4%; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 22,2 tỷ đồng, chiếm 6,6%; và cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở đạt 4,9 tỷ đồng, chiếm 1,5%...

Với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ gia đình nông dân đã đẩy mạnh đầu tư thâm canh cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, quy mô chăn nuôi, phát triển dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, các hộ gia đình đã đầu tư xây dựng một khối lượng lớn công trình vệ sinh, cải thiện hệ thống nước sạch. Con em các gia đình có ở nông thôn có điều kiện tài chính tiếp tục theo học các trường đào tạo nghề, các trường cao đẳng và đại học, có cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và nâng cao trình độ dân trí. Nguồn vốn ưu đãi tín dụng chính sách góp phần thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội.

Thực tiễn những năm qua tại huyện Phú Lộc cho thấy, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn để sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, là địa chỉ tin cậy cung cấp tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tín dụng chính sách cũng được ghi nhận là giúp nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm qua đã được chuyển tải đến 100% xã, thị trấn trên toàn huyện len lỏi đến tận thôn bản; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, … qua đó giúp hơn 4.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với doanh số cho vay đạt trên 126 tỷ đồng; góp phần giúp trên 430 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 248 lao động, hơn 145 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 2.780 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 45 căn nhà cho hộ nghèo phòng tránh bão lụt theo QĐ 48, 18 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cùng với sự đồng thuận, quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động làm việc với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn để đánh giá hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội phục vụ giảm nghèo, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW. Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phú Lộc không ngừng phát triển, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn của 4 tổ chức chính trị - xã hội ở các thôn, bản, tổ dân phố đó là: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên. Thông qua hoạt động ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng và phát huy vai trò hoạt động của các tổ chức, đoàn thể này, làm cho hoạt động đoàn thể thực chất hơn, đem lại lợi ích thiết thực hơn cho thành viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể đó.

Phương Thảo
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 10.875.576
Truy cập hiện tại 1.311 khách