Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Hơn 10 nghìn người ở 43 nước nhiễm vi-rút cúm A/H1N1
21/05/2009 8:29:AM

Trước nguy cơ cúm A/H1N1 trở thành đại dịch toàn cầu, các quan chức hàng đầu của LHQ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có cuộc họp với đại diện 30 hãng dược phẩm trên thế giới nhằm tìm lời giải cho bài toán vắc-xin chống cúm vốn được quan tâm số một hiện nay.

Tình hình dịch cúm A/H1N1 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Mỹ La-tinh và châu Á. Theo các số liệu công bố sáng 20-5 của WHO và các chính phủ, tổng số trường hợp nhiễm vi-rút này lên hơn 10 nghìn người ở 43 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 83 người đã tử vong, chủ yếu vẫn tại Mê-hi-cô. Con số này tương đương với số người tử vong cao nhất vì dịch cúm gia cầm (H5N1) năm 2006. Đài Loan (Trung Quốc) đã trở thành vùng lãnh thổ mới nhất có người nhiễm cúm A/H1N1 khi các quan chức y tế hòn đảo này thông báo phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên. Tổng thư ký LHQ Ban-ki-mun đã kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác trước dịch cúm A/H1N1 vì kinh nghiệm từ những đại dịch trước đây cho thấy dịch cúm có thể bùng phát ở mức độ nhẹ rồi sau đó mới trở nên tệ hại hơn.

Các hãng dược phẩm sẽ hỗ trợ vắc-xin cho nước nghèo

Tại cuộc họp các hãng dược phẩm đã nhất trí với kế hoạch giúp các nước nghèo tiếp cận với vắc-xin cúm A/H1N1 và các loại thuốc chống vi-rút khác nếu đại dịch bùng phát toàn cầu được công bố. Một số công ty đã cam kết tài trợ vắc-xin, còn một số hãng khẳng định sẽ dự trữ sản phẩm này cho các nước nghèo. Đáng chú ý là nhiều hãng còn chấp thuận điều chỉnh giá thuốc, tạo điều kiện cho các nước nghèo để họ có khả năng mua thuốc vì sẽ phải trả khoản tiền thấp hơn. Như vậy, hội nghị không chỉ đem lại tin vui cho các nước nghèo trong chiến dịch đối phó với dịch cúm A/H1N1 mà còn đạt được mục đích mà hội nghị đề ra đó là bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng với loại vắc-xin phòng dịch mới.

Tại hội nghị, WHO đề nghị các hãng dược phẩm đóng góp ít nhất 10% sản lượng vắc-xin mới hoặc bán rẻ cho các nước nghèo. Công ty GlaxoSmithKline PLC của Anh cho biết sẵn sàng đóng góp 50 triệu liều nếu xảy ra đại dịch cũng như bán cho WHO một lượng vắc-xin khác với giá thấp hơn giá thị trường. Một hãng khác không được nêu tên cam kết chia sẻ với WHO một nửa sản lượng của mình. Một số hãng nhỏ thuộc các nước đang phát triển đồng ý chia sẻ 10% sản lượng của họ cho LHQ với giá rẻ.

Ngoài ra, WHO cũng đang tìm kiếm nguồn tài trợ từ Ngân hàng thế giới, Quỹ toàn cầu chống bệnh AIDS, lao và sốt rét cũng như các tổ chức tài trợ khác, đồng thời kêu gọi sự hợp tác của khu vực tư nhân, nhằm bảo đảm nguồn cung cấp vắc-xin cho các nước nghèo.

Sản xuất vắc-xin khó hơn dự tính

Mặc dù kế hoạch sản xuất vắc-xin cho tới nay chưa có gì cụ thể song WHO lạc quan về triển vọng có thể sản xuất tối đa 4,9 tỷ liều vắc-xin phòng cúm A/H1N1 mỗi năm. WHO đang xem xét sản xuất 94,3 triệu liều/tuần trong trường hợp phải thực hiện kế hoạch sản xuất quy mô thương mại trong tương quan với tổng dân số thế giới hiện nay là 6,8 tỷ người. Các chuyên gia về vắc-xin có mặt tại cuộc gặp xác nhận sử dụng 2 liều vắc-xin mới đủ để con người miễn dịch với cúm A/H1N1.

Các chuyên gia vắc-xin cho biết sẽ phải mất vài tháng nữa mới cho ra đời liều vắc-xin phòng cúm A/H1N1 đầu tiên, và sẽ phải mất vài tháng tiếp theo mới có thể sản xuất với khối lượng lớn. WHO đã thừa nhận các nhà sản xuất thuốc sẽ không thể bắt đầu sản xuất vắc-xin ngừa cúm A/H1N1 trước trung tuần tháng 7, muộn hơn vài tuần so với dự tính trước đó. Như vậy, dự kiến sẽ phải mất nhiều tháng để sản xuất loại vắc-xin mới. Tuyên bố này của WHO chứng tỏ việc sản xuất vắc-xin ngừa cúm A/H1N1 khó hơn những gì các chuyên gia đã lường trước. Trước đó, WHO dự kiến việc sản xuất vắc-xin có thể bắt đầu vào cuối tháng 5 và sẽ mất từ 4 đến 6 tháng để có vắc-xin mới.

 

QĐND
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.963.882
Truy cập hiện tại 127 khách