Hiện nay, tình hình bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang có xu hướng gia tăng mạnh tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 01-18/9/2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 10.839 lượt khám viêm kết mạc cấp tại các cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó khoảng 2/3 trường hợp là trẻ ≤ 18 tuổi. Bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng lây lan nhanh trong cộng đồng.
Tại huyện Phú Lộc theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện tính đến ngày 19/6/2023 đã có 3.500 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ; trong đó, có 3.269 trường hợp đau mắt đỏ có độ tuổi dưới 15.
Để chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, thu dung điều trị bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn huyện, UBND huyện yêu cầu Trung tâm Y tế huyện tiếp tục thực hiện tốt Công văn số 3191/SYT-NVY ngày 12/9/2023 của Sở Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm kết mạc cấp (Đau mắt đỏ); phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ; xử lý các trường hợp đau mắt đỏ tại trường học không để lây lan trên diện rộng trong cơ sở giáo dục và cộng đồng; phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để tuyên tuyền cho người dân tại cộng đồng các thông điệp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ để kịp thời phát hiện và xử trí các trường hợp đau mắt đỏ tại cộng đồng; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát về mặt chuyên môn trong việc phát hiện sớm, điều tra, xử lý triệt để, kịp thời ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ, không để dịch lây lan rộng, kéo dài; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hoá chất và thực hiện tốt công tác khám, thu dung điều trị bệnh đau mắt đỏ và thông tin báo cáo về tình hình khám, chữa bệnh đau mắt đỏ theo quy định.
Giao trách nhiệm Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện chủ động triển khai các biện pháp để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trong các trường học theo hướng dẫn của ngành Y tế. Khi phát hiện học sinh có các triệu chứng mắc bệnh như đỏ mắt, có ghèn, đau nhức mắt, nổi cộm, chảy nước mắt, có thể sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,...cần hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ cần hướng dẫn trẻ tạm thời nghỉ học để tránh lây lan cho đến khi bệnh ổn định và sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh; thông báo cho Trung tâm Y tế và Trạm Y tế để phối hợp xử lý và theo dõi. Đảm bảo 100% cơ sở giáo dục phải có đủ các phương tiện rửa tay để ở vị trí thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức tại các cơ sở giáo dục để nâng cao nhận thức phòng, chống bệnh cho học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường.
Giao trách nhiệm Văn phòng HĐND và UBND huyện, UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định, phối hợp tham mưu công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dược trong việc chủ động dự trữ đầy đủ thuốc và trang thiết bị y tế để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn, nghiêm cấm hành vi đầu cơ nâng giá và mua bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc chưa được phép lưu hành.
Giao trách nhiệm các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện quán triệt trong cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Giao trách nhiệm Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tăng cường đăng tải các tin bài tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ như nguyên nhân, triệu chứng, đường lây và các biện pháp phòng, chống bệnh... để người dân biết và chủ động phòng, chống cho bản thân và gia đình. Thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế trên phương tiện thông tin đại chúng.
Giao trách nhiệm Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại cộng đồng, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn. Chỉ đạo các lực lượng địa phương phối hợp với cơ sở y tế trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại địa phương./.