Trong thời gian qua, đã xảy ra một số sự cố nghiêm trọng trong thi công xây dựng công trình như sự cố trẻ nhỏ rơi xuống hố ép cọc bê tông tại công trường Khu đô thị Thăng Long Home Hiệp Phước, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (ngày 19/12/2022) và mới đây là sự việc xảy ra vào ngày 31/12/2022 tại công trình cầu Kênh Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp;... Các sự cố trên không những gây thiệt hại về người, tài sản mà còn gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động và người dân sinh sống gần các công trình đang thi công xây dựng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 479/UBND-XD ngày 17/01/2023 về việc tăng cường công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn theo Công văn số 63/BXD-GĐ ngày 06/01/2023 của Bộ Xây dựng; Công văn số 218/SXD-CCGĐ ngày 31/01/2023 của Sở Xây dựng; theo đó, để đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, ngăn ngừa những sự cố gây hậu quả đáng tiếc như trên, UBND huyện đề nghị các ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong thi công xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn. Cương quyết dừng thi công xây dựng nếu phát hiện tại công trình, công trường xây dựng có nguy cơ gây mất an toàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng theo quy định pháp luật.
Các chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong thi công xây dựng; phải bố trí đầy đủ nguồn lực, đảm bảo kinh phí theo quy định cho công tác đảm bảo an toàn lao động tại công trường. Các chủ thể có liên quan phải nghiêm túc thực hiện đúng, đủ các yêu cầu đối với công trường xây dựng theo quy định tại Điều 109 Luật Xây dựng năm 2014, lưu ý đối với các công trường nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, công trình xây dựng theo tuyến phải tuân thủ quy định tại mục 2.1.7.1 QCVN 18:2021/BXD. Đối với các nhà thầu thi công xây dựng, phải thực hiện xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, trong đó có các biện pháp kỹ thuật an toàn đối với hố đào sâu (hố cọc, móng,…) đang thi công để tránh người bị rơi ngã, tai nạn; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng tại công trường. Lưu ý tăng cường công tác quản lý công trường trong giai đoạn nghỉ, dừng thi công đảm bảo tuân thủ các quy định tại mục 2.1.12 QCVN 18:2021/BXD, đặc biệt trong các kỳ nghỉ dài vào các ngày lễ, tết.
Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn huyện theo Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 14/8/2020 và Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh. Thực hiện công tác đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường theo các văn bản đã được đăng tải trên website của Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế như sau: Hướng dẫn số 1496/SXD-CCGD ngày 17/7/2018, Hướng dẫn an toàn vận thăng số 54/SXD-CCGĐ ngày 08/01/2021 và Hướng dẫn an toàn vị trí lắp đặt, quản lý cần trục tháp trong mùa mưa bão số 2406/HD-SXD ngày 01/7/2022 của Sở Xây dựng.
Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, đình chỉ hoạt động của các tổ chức, cá nhân vi phạm, không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên công trường và báo cáo về UBND huyện để xử lý./.