Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Công điện của Chủ tịch UBND huyện về chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
26/09/2022 10:39:AM

Thực hiện Công điện số 803/CĐ-TTg ngày 09/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Công điện số 07/CĐ -UBND ngày 23/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh; nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời và có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai trước mùa mưa lũ, ngày 25/9/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã có Công điện số 4196/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn:

- Quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện để chủ động ứng phó với mưa lũ trên địa bàn.

- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực nước ngập  sâu (lưu ý tại các xã: Lộc Vĩnh, Lộc Trì, Lộc An).

- Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch thủy sản đối với các diện tích còn lại; gia cố lồng bè, khu nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo an toàn khi có thiên tai.

- Tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương án đã xây dựng trước mùa mưa lũ; chỉ đạo rà soát, cập nhật bổ sung các phương án ứng phó với thiên tai: Phương án huy động phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ; phương án huy động, lực lượng tại chỗ; phương án ứng phó, di dời sơ tán dân các vùng có nguy cơ mất an toàn ven suối, khu vực lũ quét, sạt lở đất vùng đồi, vùng núi các xã Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Bình, Lộc Thủy, Lộc Vĩnh; các điểm sạt lở đất tại đèo Phước Tượng, Phú Gia, tatuy dọc tuyến Quốc lộ 49B; vùng sạt lở ven sông, ven biển, vùng thấp trũng ngập lụt hạ du các hồ chứa thủy lợi.

- Đối với khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt tại thôn Châu Thành: UBND các xã Lộc An, Lộc Điền tổ chức kiểm tra, chủ động huy động lực lượng ghe, thuyền để ứng phó khi xảy ra ngập lụt.

- Ngay sau các đợt lũ, các địa phương triển khai khảo sát hiện trạng ngập lụt, đánh vết lũ để làm cơ sở điều chỉnh vận hành các công trình hồ chứa nước đảm bảo an toàn hạ du tối ưu; phục vụ công tác quy hoạch xây dựng; phương án phòng chống lũ báo cáo UBND huyện (qua Phòng Nông nghiệp và PTNT).

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Đồn biên phòng trên địa bàn huyện, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát khu tránh trú bão, trang thiết bị an toàn của các tàu, thuyền thuỷ sản; Chỉ đạo các HTX và Tổ hợp tác dùng nước thường xuyên kiểm tra các công trình thuỷ lợi, đẩy nhanh thu hoạch các loại thủy sản.

Phòng Kinh tế và Hạ tầng tăng cường phối hợp, kiểm tra nhắc nhở các đơn vị chủ quản lý các trạm BTS, các cột ăng ten để phòng gãy, đổ gây thiệt hại về người và tài sản, có phương án di dời người dân xung quanh khi có siêu bão xảy ra; Phối hợp với Công an huyện có phương án sẵn sàng khắc phục nhanh các điểm giao thông đường bộ bị ách tắc do thiên tai gây ra; chuẩn bị phương tiện ô tô sẵn sàng phục vụ việc sơ tán dân khi có sự cố xảy ra.

Đội quản lý đô thị chủ động thực hiện và hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện cắt, tỉa hệ thống cây xanh phù hợp với tình hình tại các địa phương.

Trung tâm Y tế huyện tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu, hóa chất xử lý môi trường, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh khi có thiên tai xảy ra; huy động lực lượng y, bác sỹ túc trực tại đơn vị, chuẩn bị phòng cấp cứu để điều trị bệnh nhân khi thiên tai xảy ra; đồng thời, có phương án điều chuyển các bệnh nhân nặng lên tuyến trên để đảm bảo điều trị an toàn.

Phòng Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương thực hiện chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai.

Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, kiểm tra phương án đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện thuộc phạm vi quản lý, bảo quản các thiết bị, đồ dùng dạy học tại các trường vùng thấp trũng; thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động cho học sinh nghỉ học, không đến trường bảo đảm an toàn cho học sinh, thầy cô giáo khi có thiên tai xảy ra; tổ chức công tác tự quản học sinh sau mưa, bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Điện lực Phú Lộc, Công ty Cổ phần Điện lực Phú Lộc chủ động kiểm tra phương án đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện trước mùa mưa bão.

Đề nghị Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế, Ban chỉ huy PCLB hồ Truồi, Ban chỉ huy PCLB hồ chứa nước Thủy Yên phối hợp, thông báo cho chính quyền các địa phương thuộc khu vực hạ lưu (UBND xã Lộc Hòa, Lộc Điền, Lộc An, Lộc Bổn, Lộc Thủy) trước 12 tiếng khi tiến hành xả nước nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước mùa mưa bão; có kế hoạch, chuẩn bị vật tư, nhân lực phòng chống thiên tai, có biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho người, thiết bị…, an toàn công trình trong quá trình thi công khi có thiên tai xảy ra.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Các Đồn Biên phòng trên địa bàn huyện, Công an huyện rà soát phương án huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương phục vụ công tác ứng phó, khắc phục mưa lũ, đảm bảo chất lượng, nhiêu liệu và sẵn sàng hoạt động, ứng cứu kịp thời.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện và Tổ giúp việc Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện:

- Trên cơ sở địa bàn và nhiệm vụ đã được phân công phụ trách, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện thường xuyên cập nhập diễn biến mới nhất, chủ động có kế hoạch bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị, triển khai phương án PCTT và TKCN; báo cáo kịp thời tình hình, diễn biến thiên tai, thiệt hại và tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND huyện quyết định các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa lũ của các ngành, địa phương.

- Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, kịp thời tham mưu lãnh đạo Ban Chỉ huy và Ủy ban nhân dân huyện ứng phó mưa lũ.

Các Phòng, ban, ngành theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai ngành mình phụ trách bảo đảm an toàn trước thiên tai.

Phương Thảo
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.963.882
Truy cập hiện tại 1.737 khách