Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật); triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trở thành hoạt động thường xuyên. Phát huy tính tích cực, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, góp phần quan trọng trong chuyển biến ý thức tôn vinh Hiến pháp, pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nâng cao văn hóa pháp lý cho mỗi cá nhân trong cộng đồng.
Yêu cầu đặt ra đó là: Việc tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả; bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị, địa phương trong năm 2021. Ngày Pháp luật phải được tổ chức sâu rộng, chú trọng triển khai tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Phát huy kết quả, kinh nghiệm tổ chức Ngày Pháp luật năm 2020; khắc phục những hạn chế, tồn tại và xác định các hoạt động triển khai phù hợp trong năm 2021. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện đặc thù; bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, trọng tâm là công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật. Xác định cụ thể trách nhiệm tổ chức và tham gia tổ chức Ngày Pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia huyện với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.
Kế hoạch gồm các nội dung chính như sau: Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật, lựa chọn nội dung pháp luật để thông tin, phổ biến thiết thực, phù hợp, trong đó tập trung phổ biến trọng tâm là các lĩnh vực: phòng, chống dịch bệnh Covid-19; phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính; bảo vệ môi trường; đất đai; biên giới, hải đảo; xử lý vi phạm hành chính…. Kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.
Hình thức triển khai: Cần xác định hưởng ứng Ngày Pháp luật là việc làm hàng ngày, thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động lựa chọn hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức hưởng ứng một cách linh hoạt, tiết kiệm và có sức lan tỏa sâu rộng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa trong thực hiện.
Khẩu hiệu: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, lĩnh vực được giao quản lý và tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật năm 2021 (có thể tham khảo và sử dụng một số khẩu hiệu do Bộ Tư pháp cung cấp tại chuyên mục “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp tại địa chỉ truy cập: http://moj.gov.vn/Pages/home.aspx từ ngày 01/10/2021).
Thời gian thực hiện: Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt trong 2 tháng cao điểm là tháng 10 và 11 năm 2021.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ điều kiện thực tế, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và khả năng nguồn lực để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật năm 2021 trong cơ quan, đơn vị, lĩnh vực được giao quản lý và địa phương với nội dung, hình thức phù hợp; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai Ngày Pháp luật./.