Sáng ngày 31/10/2019, UBND huyện đã tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 do đồng chí Hồ Trọng Cầu – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện chủ trì. Tại hội nghị, có đồng chí Hoàng Thị Diệu Hoa – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện tham dự.
Theo đó, tổng diện tích gieo trồng cả năm 8.132 ha, đạt 90,4% so kế hoạch và 96,7% so cùng kỳ, trong đó: Lúa 6.569 ha (vụ Đông Xuân 3.779,3 ha, vụ Hè Thu 2.789,7ha), đạt 98% so với kế hoạch và 98,5% so cùng kỳ; các cây trồng khác 1.563 ha, trong đó, ngô 10 ha, sắn nguyên liệu 254,4 ha, khoai các loại 445,5 ha, lạc 236,9 ha, rau các loại 208 ha, đậu các loại 160 ha, dưa các loại 189,5 ha (trong đó dưa hấu 120ha), thuốc lá 16 ha, ớt 14,3 ha, mía 14 ha, mè 9 ha, cây sen 5,6 ha... Năng suất lúa cả năm đạt 58,3 tạ/ha sụt 2,7 tạ/ha so với kế hoạch và cùng kỳ (Đông Xuân 61,5 tạ/ha, Hè Thu 54,1 tạ/ha), các HTX có năng suất cao như Châu thành 68,1 tạ/ha, Đại Thành 65,1 tạ/ha, Nam Sơn 64,1 tạ/ha, An Nong II 63,8 tạ/ha, Bắc Sơn 63,6 tạ/ha, Tiến Lực, Đông Xuân 61,5 ta/ha…, sản lượng 38.324 tấn, đạt 96% so với kế hoạch và 94% so cùng kỳ; năng suất các loại cây trồng khác tương đối ổn định.
Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng lúa thiếu nước: Diện tích thực hiện ở xã Lộc Tiến (HTX Trung Tiến, Phú Sơn) là 8,2 ha, gồm 7,2 ha lạc và 1 ha dưa hấu theo kế hoạch của năm 2019. Diện tích dân tự chuyển đổi trên toàn huyện là 80 ha, gồm: Lạc 33 ha, khoai lang 10 ha, dưa hấu các loại 24 ha, rau muống 13 ha. Qua đánh giá hiệu quả cụ thể như sau:
+ Đối với dưa hấu: Năm nay thời tiết thuận lợi, được bà con nông dân quan tâm chăm sóc, dưa phát triển tốt nên cho thu hoạch năng suất cao, bình quân 25-30 tấn/ha với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg (cao điểm 8.000đ/kg), thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/ha, cao gấp 5 lần so với sản xuất lúa.
+ Đối với cây lạc: Là cây dễ trồng, dễ thâm canh, đặc biệt giống Lạc Sẻ Tây Nguyên có tỷ lệ dầu cao, được bà con nông dân ưa chuộng, kết quả năng suất bình quân đạt 20 tạ/ha, thu nhập 60 triệu đồng/ha.
Thực hiện Đề án xây dựng cánh đồng mẫu vùng lúa trọng điểm và phát triển một số sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 – 2020: Đã thành lập BCĐ huyện và ban hành Kế hoạch thực hiện vụ Đông Xuân 2018-2019, theo đó đã thực hiện được 700 ha, trong đó huyện chỉ đạo 447 ha, các xã, HTX tự tổ chức thực hiện 253 ha trên giống lúa ĐT100, kết quả cho năng suất cao 65-70 tạ/ha, cao hơn so với năng suất bình quân chung từ 5-7 tạ/ha góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa.
Mô hình sản xuất công nghệ cao: Đã hình thành 2 mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà lưới ở Vinh Hưng và Lộc An theo tiêu chuẩn Vietgap, diện tích 3.500 m2/cơ sở, kết quả đạt được rất khả quan, sản lượng ước đạt 160 tấn/năm, giá trị 9,6 tỷ đồng (60.000 đồng/kg); mở thêm hướng đi mới, nông dân có điều kiện làm giàu từ sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, theo số liệu thống kê 01/10/2019, tổng đàn trâu 4.773 con, đạt 90% so kế hoạch và 90,1% so cùng kỳ; bò 3.679 con, đạt 100% so kế hoạch và cùng kỳ, tỷ lệ bò lai sind khoảng 30%; lợn 9.502 con, đạt 47,5% so kế hoạch và 46,7% so cùng kỳ; gia cầm 699.080 con, đạt 121,5% so kế hoạch và 121,9% so cùng kỳ; dê 1.200 con, đạt 100% so với kế hoạch và cùng kỳ.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện đầu tiên vào ngày 25/5/2019 tại xã Lộc Bổn. Sau khi có dịch, UBND huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch, thành lập Đoàn kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tập trung chống dịch, thành lập 2 chốt tạm thời ở xã Vinh Hưng và Lộc Bình, cấp phát 2.500 tờ rơi, 4.400 lít hoá chất, các xã và các hộ dân mua thêm 65.885 kg vôi bột rải tiêu độc, tổ chức hướng dẫn phòng chống dịch và ký cam kết “5 không” với các hộ dân. Tính đến ngày 21/10/2019 đã có 841 hộ, 93 thôn của 16 xã, thị trấn có dịch; số lợn phải tiêu huỷ là 4.200 con, tổng trọng lượng 196.426 kg, đã chỉ đạo các xã chôn lấp theo quy định. Đến nay, UBND huyện đã chi hỗ trợ cho các hộ dân 2 đợt được 2,732/5,3 tỷ đồng. Nhìn chung, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và kinh tế huyện nhà.
Đối với lĩnh vực thủy sản, trong năm 2019 đã thả nuôi 1.282 ha, đạt 97% so với kế hoạch và 98,2% so với cùng kỳ; trong đó, nuôi nước lợ 979 ha, đạt 97,7% so với kế hoạch và cùng kỳ (chuyên tôm 205 ha, xen ghép 774 ha, chiếm tỷ lệ 79% diện tích); nuôi nước ngọt 303ha, đạt 100 % so kế hoach và cùng kỳ; nuôi lồng 3.891 cái (lồng nước ngọt 238 cái, lồng nước lợ 3.653 cái), nuôi cá nước ngọt trong bể xi măng 24.710 m3, nuôi vẹm - hàu 400 ha.Sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.163 tấn, đạt 109,0% so với kế hoạch và 109,9% so với cùng kỳ. Sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên ước đạt 7.520 tấn, đạt 100% so với kế hoạch và cùng kỳ; trong đó, đánh bắt biển 5.600 tấn, sông đầm 1.920 tấn. Đã tổ chức sắp xếp, quản lý là 3.123 lồng nuôi cá.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích rừng trồng trong năm 2019 là 19.857 ha, đã khai thác và trồng lại ước đạt 2.200 ha. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch và thành lập tổ xúc tiến khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, đến nay đã trồng được 950 ha, ban đầu cho thu hoạch khoảng trên 250 triệu đồng/ha/7năm; song song với việc phát triển trồng rừng gỗ lớn, đến nay đã xúc tiến thành lập 4 HTX Lâm nghiêp bền vững.
Tại hội nghị, UBND huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống đói rét cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão; tiếp tục thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa bị thiếu nước, đề án xây dựng cánh đồng mẫu vùng lúa trọng điểm và phát triển một số sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn huyện; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả; ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất; chủ động liên kết với các tổ chức, cá nhân để phát triển mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng chất lượng và giá trị nông sản; phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC; tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm khai thác tận diệt, đánh bắt hủy diệt; củng cố, tăng cường năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.