Theo đó, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các cơ quan liên quan thực hiện một số nội dung sau:
1. Đăng ký kế hoạch khuyến công địa phương năm 2020
a) Rà soát, thông báo và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân (thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 2 của Quyết định số 74/2016/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) đăng ký thực hiện kế hoạch khuyến công địa phương năm 2020.
b) Tổng hợp, gửi hồ sơ đăng ký về Phòng Kinh tế và Hạ tầng trước ngày 25/10/2019. Hồ sơ đăng ký gồm:
- Công văn đề nghị của các địa phương, đơn vị đăng ký Kế hoạch khuyến công địa phương 2020;
- Phiếu đăng ký thực hiện kế hoạch khuyến công địa phương của cơ sở công nghiệp nông thôn và các đối tượng khác theo quy định (theo mẫu Phụ lục 1).
2. Một số điểm cần lưu ý trong xây dựng kế hoạch khuyến công địa phương năm 2020
a) Xây dựng kế hoạch các hoạt động khuyến công địa phương năm 2020 theo hướng tập trung khảo sát, xây dựng kế hoạch, huy động và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ các ngành, nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Khắc phục và giảm mạnh việc khảo sát, xây dựng các đề án dàn trải, phân tán, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.
b) Chú trọng các nội dung hoạt động khuyến công như:
- Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến;
- Hỗ trợ các hoạt động tư vấn nhằm nâng cao năng lực quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực và năng lực quản lý doanh nghiệp;
- Hỗ trợ thiết kế mới và cải tiến mẫu mã, kiểu dáng các sản phẩm, bao bì sản phẩm có giá trị kinh tế;
- Hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bao bì sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa).
- Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và du nhập nghề mới gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất (số lượng học viên từ 30 người trở lên, thời gian đào tạo ít nhất là 03 tháng hoặc chứng chỉ học nghề sơ cấp) với các hình thức:
+ Đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của các cơ sở công nghiệp nông thôn gắn với nhu cầu sử dụng lao động;
+ Đào tạo nghề đối với các ngành nghề truyền thống nhằm bảo tồn và phát triển các ngành nghề và làng nghề truyền thống.
c) Các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất được ưu tiên xét chọn năm 2020:
- Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm quà tặng, hàng lưu niệm; sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản xuất các sản phẩm đạt giải tại các hội thi; sản xuất sản phẩm của các nghề, làng nghề truyền thống.
- Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy, hải sản và chế biến thực phẩm sử dụng nguyên liệu tại địa phương.
- Sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ mới, sử dụng nguyên liệu tái tạo, không ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.