Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 26/09/2019

Ngày 05/9/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Hướng dẫn số 2022/HD-GDĐT thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Theo đó, nhằm tăng cường công tác quản lý thu, chi, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện các nội dung sau:

I. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh:

Hướng dẫn này quy định việc thu, chi các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm: Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên.

II. Nguyên tắc chung:

1. Đối với các khoản thu học phí, giá dịch vụ trông giữ xe, phí và lệ phí khác (nếu có) : Thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Đối với các khoản thu, chi khác phải đảm bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Phải đảm bảo có cơ sở pháp lý từ các quy định của cấp có thẩm quyền củaTrung ương và của Ủy ban nhân nhân tỉnh Thừa Thiên Huế.

b) Các khoản đóng góp tự nguyện phải đảm bảo đúng tính chất tự nguyện của người dân, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không  gợi ý, không lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính chất cào bằng, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp dưới bất cứ hình thức nào.

c) Đảm bảo nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập dân cư trên từng địa bàn. Mức thu phải được xây dựng trên dự toán chi phí hợp lý, đúng mục tiêu huy động đúng quy trình theo quy định hiện hành và phải được  thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh, có sự thống nhất của Ban Giám hiệu nhà trường trước khi ban hành và triển khai thực hiện. Không được dùng khoản thu này để điều chuyển hoặc chi cho nội dung, mục đích khác.

d) Thực hiện công khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục  và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ; Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11/3/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân;

III. Về các khoản thu chi trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập:

1. Các khoản thu Nhà nước có quy định mang tính chất bắt buộc:

a) Thu học phí: Thực hiện theo Quyết định của UBND Tỉnh.

b) Thu Bảo hiểm Y tế :

Thực hiện theo đúng quy định của Luật BHYT và văn bản hướng dẫn liên ngành số 875/HDLN ngày 14/8/2019 của Liên Ngành Y tế - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội - Giáo dục và Đào tạo - Đại học Huế - Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2019-2020.

2. Các khoản thu Nhà nước có quy định khung, mức thu nhưng không bắt buộc mà thu theo nhu cầu của cha mẹ học sinh

        a) Thu học 2 buổi/ngày :

Thực hiện theo công văn 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 01/11/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi /ngày đối với các trường trung học và các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019 của các ngành học, bậc học. Các cơ sở giáo dục phổ thông có tổ chức dạy hai buổi/ngày nhưng chưa được cân đối đủ định biên để dạy đủ số tiết của hai buổi/ngày hoặc chưa được ngân sách cân đối đủ kinh phí để chi trả tiền thù lao của dạy học 2 buổi/ngày thì thực hiện mức thu tiền học 2buổi/ngày theo Quyết định 3480/QĐ-UBND ngày 8/10/2004 về việc quy định chế độ thu tiền học 2 buổi/ngày ở các cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non.

b) Thu hoạt động dịch vụ:

- Thu phí trông giữ xe đạp, xe máy: Thực hiện theo Quyết định số Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND ngày  12  tháng 05 năm 2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quy định giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 57/2017/QĐ-UBND ngày  09  tháng 08 năm 2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, điều chỉnh phụ lục 1 kèm theo Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND ngày  12  tháng 05 năm 2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quy định giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

  •  Thu dạy thêm học thêm trong trường học

Thực hiện theo Quyết định 63/2013/QĐ-UBND ngày 27/12/2013 của UBND Tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Công văn hướng dẫn liên ngành số 1305/CVLN-GDĐT-TC ngày 10/6/2014 của liên Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính về việc hướng dẫn thu - chi dạy thêm học thêm. Trong đó lưu ý: Trước khi triển khai thu tiền dạy thêm học thêm, nhà trường phải được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm.

Đối với việc phụ đạo học sinh yếu, kém và bồi dưỡng học sinh giỏi:  Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT  ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm thì việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh. Do vậy, khi lập kế hoạch dự toán ngân sách, các cơ sở giáo dục công lập căn cứ kết quả phân loại học tập của học sinh năm học trước hoặc khảo sát chất lượng đầu năm học để lập kế hoạch dạy thêm các môn học cho đối tượng được học theo quy định. Kinh phí giảng dạy cho các đối tượng này được xây dựng trong dự toán ngân sách của từng cơ sở giáo dục, tuân theo quy trình lập dự toán của từng cấp ngân sách.

3. Các khoản thu hộ - chi hộ trong nhà trường:

Đây là các khoản thu tự nguyện, có sự thỏa thuận với cha mẹ học sinh, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của học sinh, không mang tính chất dịch vụ mà phải bảo đảm nguyên tắc lấy thu đủ bù chi, không có chênh lệch.

a) Thu, chi phục vụ bán trú :

- Tiền ăn học sinh (kể cả chất đốt)

- Chi phí lớp bán trú: Chi phí điện, nước (đối với học sinh phổ thông); công cụ dụng cụ ban đầu phục vụ lớp bán trú (giường, chiếu, chăn, khăn mặt...), chăm sóc học sinh, các cháu mầm non lớp bán trú.

 Các cơ sở giáo dục phải họp và thống nhất bằng văn bản với cha mẹ học sinh, cha mẹ của các cháu mầm non, học sinh phổ thông tiền thu để phục vụ bán trú. Tùy theo tình hình thực tế của đơn vị để thỏa thuận mức thu cho phù hợp và phải đảm bảo nguyên tắc kế thừa tài sản đã có, còn sử dụng được, tránh lãng phí.

Đối với chi phí hợp đồng nhân viên cấp dưỡng:  Thực hiện theo công văn 3060/LN-TC-GD ĐT-NV ngày 30/11/2017 của Liên Sở Tài chính-Giáo dục và Đào tạo- Nội vụ về việc hướng dẫn về hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập.

b) Tiền nước uống cho học sinh:

- Đối với các cơ sở giáo dục đã có hệ thống nước uống tinh khiết cho học sinh thì không thu tiền nước uống học sinh.

- Đối với các cơ sở giáo dục chưa có hệ thống nước uống tinh khiết cho học sinh thì tùy theo điều kiện và hoàn cảnh thực tế của từng đơn vị để thống nhất với cha mẹ học sinh triển khai thực hiện.

c) Tiền mua ghế ngồi ở sân trường cho học sinh đầu cấp:

 Các cơ sở giáo dục thống nhất với cha mẹ học sinh để thu, mức thu phải sát với giá thời điểm tại địa bàn

d) Thu phôi liệu để thi nghề lớp 8,11:

Phôi liệu để thi thực hành nghề lớp 8, lớp 11 (kỳ thi chung Sở tổ chức) do học sinh tự đóng góp bằng hiện vật hoặc bằng tiền; trường hợp đóng góp bằng tiền thì phải đảm bảo nguyên tắc thu đủ để mua phôi liệu, không có chênh lệch. 

4. Tiếp nhận các khoản tài trợ cho giáo dục:

Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03  tháng  8  năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong đó lưu ý:

- Trước khi tổ chức vận động tài trợ,  cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở; báo cáo sở giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc sở giáo dục và đào tạo. Kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí và kế hoạch triển khai hoạt động cần tài trợ.

- “Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục”.

 

5.  Các khoản thu khác

a) Bảo hiểm tai nạn (Bảo hiểm thân thể học sinh)

 Đây là khoản thu mang tính chất tự nguyện, nhà trường không được bắt buộc cha mẹ học sinh mua dưới bất kỳ hình thức nào.

b) Thu tiền các hoạt động ngoài biên chế giờ học (theo quy định của cấp có thẩm quyền): Học ngày thứ bảy của các cháu mầm non; học các môn năng khiếu (môn Âm nhạc, Múa, Bơi lội, V, Võ...); các hoạt động giáo dục kỹ năng; tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ.

 Trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh có nhu cầu, mức thu thỏa thuận với cha mẹ học sinh phù hợp với nội dung, mức chi, không có chênh lệch.

c) Các khoản thu của các tổ chức Hội, Đoàn thể trong nhà trường

  - Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Khoản thu này do Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý thu, chi; cuối năm học, bàn giao chứng từ cho nhà trường lưu giữ. 

 - Thu Đoàn phí (Đoàn TNCSHCM), Đội phí (Đội TNTPHCM), Quỹ sao nhi đồng, Quỹ Hội chữ thập đỏ: Thu theo Điều lệ và quy định của tổ chức Đoàn thể có thẩm quyền ban hành,  các cơ sở giáo dục không được thu thêm hoặc thu cao hơn mức quy định.

d) Các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân thông qua các quỹ xã hội, quỹ từ thiện: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ, Quyết định số 10/2008/QĐ-BTC ngày 12/02/2008 của Bộ Tài chính. Trong đó, lưu ý các nguyên tắc về thành lập và tổ chức hoạt động của quỹ là nhằm mục đích khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, thể dục thể thao, từ thiện và các mục đích phát triển cộng đồng, không vì mục tiêu lợi nhuận. Mọi khoản thu, chi phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.

e. Nội dung khác:

-  Đối với việc vệ sinh trong khuôn viên nhà trường:

   Về vệ sinh lớp học: Nhà trường phải tổ chức cho học sinh trực nhật lớp góp phần giáo dục ý thức giữ vệ sinh chung.

Về khu vực khuôn viên trường (trừ lớp học) và nhà vệ sinh:  Thực hiện theo công văn 3060/LN-TC-GD ĐT-NV ngày 30/11/2017 của Liên Sở Tài chính-Giáo dục và Đào tạo- Nội vụ về việc hướng dẫn về hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập.

-   Đối với việc mua học phẩm học sinh mầm non:

Để tạo điều kiện giúp trẻ dưới 6 tuổi phát triển toàn diện 5 lĩnh vực theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các đơn vị mầm non nếu có nhu cầu mua sắm các loại vở đúng chuyên môn, bổ sung học liệu cho trẻ phải căn cứ theo Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT ngày 11 tháng 2 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non; Thông tư số 34/2013/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 9 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi bổ sung một số thiết bị theo Thông tư 02/2010/BGDĐT và các danh mục tài liệu giáo dục mầm non hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Các cơ sở giáo dục mầm non công bố các danh mục và giá tiền cụ thể cho từng loại vở, học liệu để phụ huynh học sinh tự quyết định hình thức mua sắm.

- Đối với giấy kiểm tra chung, logo của trường, bảng tên học sinh

Các cơ sở giáo dục phổ thông phải thống nhất chủ trương và mẫu mã, số lượng cho từng loại với cha mẹ học sinh để cha mẹ học sinh tự lựa chọn mua sắm .

- Đối với áo quần đồng phục, áo quần thể thao, áo thanh niên :

Các cơ sở giáo dục phải thống nhất chủ trương và mẫu mã với cha mẹ học sinh để cha mẹ học sinh tự lựa chọn mua sắm. Nhà trường không được thay đổi quy định mẫu mã đồng phục trong thời gian học sinh học 1 cấp học để thực hiện tiết kiệm, tránh lãng phí.

IV. Quy trình quản lý sử dụng các nguồn thu :

1. Đối với các khoản thu theo quy định thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Đối với các khoản thu khác:

Ban Giám hiệu (sau khi lấy ý kiến của Hội đồng nhà trường) thảo luận với Ban Đại diện cha mẹ học sinh để thống nhất chủ trương, dự toán thu - chi từng khoản thu và kế hoạch triển khai thực hiện. Kế hoạch phải nêu rõ sự cần thiết phải triển khai, đối tượng hưởng lợi, thời gian và cách thức tổ chức triển khai thực hiện, dự kiến kết quả đạt được.

Sau khi Nhà trường thống nhất với Ban Đại diện cha mẹ học sinh, dự toán thu chi từng nội dung và kế hoạch triển khai thực hiện phải được công khai phổ biến tại Hội nghị toàn thể cha mẹ học sinh theo từng lớp để thống nhất ý kiến bằng biên bản. Biên bản có đầy đủ chữ ký thống nhất của các thành phần tham dự hội nghị.

Nhà trường tổng hợp ý kiến của cha mẹ học sinh các lớp để thống nhất tại Hội nghị cha mẹ học sinh toàn trường. Bản kế hoạch phải có chữ ký của Thủ trưởng đơn vị, đại diện Ban chấp hành Công Đoàn và Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh.

Kết thúc năm học, các cơ sở giáo dục phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán nguồn kinh phí đã được huy động với tập thể nhà trường, các tổ chức và cá nhân đã đóng góp kinh phí.

Các khoản thu, chi phải được hạch toán vào hệ thống sổ sách kế toán, thanh quyết toán theo đúng quy định. Cung cấp kịp thời số liệu cho cơ quan quản lý, cơ quan thông tin truyền thông khi có yêu cầu. Hiệu trưởng và kế toán các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin và tài liệu cung cấp.

 V. Tổ chức thực hiện:

1. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Tổ chức công bố công khai các quy định và các khoản thu trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân, cha mẹ học sinh biết và giám sát thực hiện.

b) Tăng cường công tác giám sát, định kỳ hoặc đột xuất phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thu, chi tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn và xử lý nghiêm minh những đơn vị  không thực hiện hướng dẫn này.

c) Tổng hợp báo cáo và đánh giá tình hình thực hiện các khoản thu - chi các cơ sở giáo dục trực thuộc và của Phòng Giáo dục và Đào tạo gửi cơ quan quản lý cấp trên.

2. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

Đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan, trường học các nội dung dưới đây đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo phân cấp quản lý và xử lý nghiêm minh những đơn vị  không thực hiện hướng dẫn này.

a) Tổ chức công bố công khai các quy định và các khoản thu trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân, cha mẹ học sinh biết và thực hiện.

b) Phân công và chỉ đạo cơ quan chủ trì việc tổng hợp báo cáo và đánh giá tình hình thực hiện các khoản thu - chi của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

3. Đối với các cơ sở giáo dục công lập:

            a) Thực hiện nghiêm túc các quy định tại Hướng dẫn này, công khai các khoản thu - chi để nhân dân, cha mẹ học sinh được biết và thực hiện.

             b) Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu, chi sai quy định hoặc triển khai không đúng theo tinh thần chỉ đạo tại hướng dẫn này. Đối với những khoản thu sai quy định phải trả lại cho học sinh hoặc phụ huynh.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

             c) Chịu sự thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của cơ quan có thẩm quyền. Xây dựng quy chế tự thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện chấn chỉnh kịp thời việc thu - chi sai quy định.

             d) Báo cáo và đánh giá tình hình thu - chi gửi cơ quản lý cấp trên khi khi có yêu cầu.

4. Thời gian thực hiện : Từ năm học 2019-2020  và thay thế công văn số 2356/HD-SGDĐTngày 28/9/2018 của Sở Giáo dục &Đào tạo hướng dẫn  thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập kể từ năm học 2018-2019.

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Đề nghị UBND các huyện, thị xã và thành phố phối hợp chỉ đạo, tạo điều kiện cho các cơ sở chấp hành tốt việc thực hiện Hướng dẫn này, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và kịp thời các đơn vị và cá nhân không thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn này.

Trường hợp cơ sở giáo dục có phát sinh các khoản thu ngoài hướng dẫn này thì phải có ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên trước khi triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng trong Hướng dẫn này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng các văn bản mới thì các nội dung được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới đó./.

 

Thu Trong
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.977.297
Truy cập hiện tại 3.503 khách