Mục đích của Kế hoạch là xây dựng văn hoá giao thông, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của các đối tượng trực tiếp tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông. Xây dựng và hình thành nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông công cộng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường hiệu lực và kỷ cương của lực lượng thực thi công vụ trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện giảm tối đa 3 tiêu chí về số vụ, số người bị thương và số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) so với năm 2018. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên.
Yêu cầu của Kế hoạch là công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần được chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục từ huyện đến cơ sở, gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, tránh phô trương, hình thức. Thực hiện tốt chủ đề Năm an toàn giao thông 2019 là “ Xây dựng Văn hoá giao thông trong cộng đồng gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ”, với mục tiêu “ Tính mạng con người là trên hết” để phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ cấp huyện đến cấp xã, thôn, bản, khu phố đến tận người dân trong thôn, xóm. Các đơn vị, xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị, tuyệt đối tránh hình thức.
UBND huyện yêu cầu Phòng Văn hóa và Thông tin đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo các tiêu chí “Văn hóa giao thông trong cộng đồng” nhằm phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Tăng cường và nâng cao hiệu quả các chuyên mục, chương trình, nội dung về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đẩy mạnh pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến tận cơ sở, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tuyên truyền an toàn giao thông năm 2019 của UBND huyện để kịp thời báo cáo với Ban An toàn giao thông huyện. Đồng thời, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban An toàn giao thông huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học. Chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức về an toàn giao thông trong trường học; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh khi tham gia giao thông. Qua Lễ Khai giảng năm học mới lồng nội dung “Văn hóa giao thông trong cộng đồng” vào các buổi học để chỉ đạo thực hiện và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cha, mẹ học sinh, yêu cầu học sinh các cấp phải chấp hành nghiêm các tiêu chí Văn hóa giao thông trong cộng đồng, quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy, xe gắn máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông; không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện khi chưa đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi, không giấy phép lái xe. Tổ chức và tham gia các cuộc thi tìm hiểu về“Giao thông học đường” cho học sinh tham gia.