Theo đó, trong quá trình mới thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, các HTX đều gặp chung những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh như: khó khăn trong xây dựng mặt bằng sản xuất, chế biến sản phẩm; trụ sở làm việc; vốn vay để phát triển kinh doanh; nguồn nhân lực...
Các HTX cũng đề xuất tỉnh cần có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ tạo động lực thúc đẩy các HTX lâm nghiệp bền vững phát triển, tạo động lực trong phát triển kinh tế chung. Đồng thời, cam kết nỗ lực, sáng tạo trong cách làm để các HTX lâm nghiệp bền vững đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, trở ngại khi mới thành lập, HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc đã cơ bản đi vào hoạt động, sản xuất và hoàn thành các thiết chế cơ bản.
Ông Hồ Đa Thê, Giám đốc HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc cho biết, chỉ sau hơn một năm thành lập, HTX đã tổ chức các hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh. Trong đó, đã xây dựng vườn ươm cây giống keo thân thiện môi trường với túi bầu hữu cơ tự hủy, tổng diện tích 0,5 ha với quy mô sản lượng bình quân khoảng 1 triệu cây/năm, sau khi trừ chi phí lãi 50 triệu đồng.
HTX cũng đã đầu tư dây chuyền thiết bị máy móc để bao tiêu sản phẩm gỗ của thành viên. Qua gần một năm hoạt động đã giải quyết cho 20 lao động của HTX có việc làm với lương bình quân 6 - 8 triệu đồng/tháng và đem lại lợi nhuận cho HTX là 360 triệu đồng, ông Hồ Đa Thê, Giám đốc HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc thông tin thêm.
Sau khi lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của các HTX trong quá trình hoạt động, đại diện các sở, ngành đã giải đáp những thắc mắc liên quan đến các cơ chế, chính sách, điều kiện cho vay và cung cấp một số thông tin liên quan đến việc phát triển thị trường, các chính sách hỗ trợ cho các HTX...
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, những khó khăn, vướng mắc của các HTX đã trao đổi kỹ tại buổi làm việc. Vì vậy, đề nghị các đơn vị tập trung tháo gỡ, hướng dẫn, đưa ra giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ cho các HTX về thủ tục, chính sách để các HTX nắm rõ các quy trình cũng như những hỗ trợ của nhà nước trong quá trình hoạt động, phát triển; trong đó, bước đầu, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ trụ sở làm việc cho các HTX.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, để thành công, lãnh đạo HTX phải nỗ lực, cống hiến hết mình, vì lợi ích của các thành viên. HTX phải phát huy tinh thần dân chủ, công khai dựa trên sự đồng lòng, đoàn kết của một tập thể cùng hướng đến mục tiêu chung. Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các HTX Lâm nghiệp bền vững cần nghiên cứu thêm các giống cây trong phát triển sản xuất; trong đó, ngoài cây keo ra các HTX nên thực nghiệm trồng xen các cây bản địa để nâng cao giá trị cây trồng, góp phần nâng cao giá trị rừng trồng, tăng thu nhập cho HTX.