Ngày 28/8/2019, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã có Công điện số 01/CĐ-PCTT về việc chủ động ứng phó cơn bão số 04; theo đó:
Theo tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế, hồi 07 giờ ngày 28/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc, 118,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 620km về phía Đông; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10; bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 29/8, vị trí tâm bão ở khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc, 112,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11; vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên) gồm phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 4. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Theo dõi, cập nhập thường xuyên diễn biến của bão số 4, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và chính quyền các cấp biết, chủ động phòng tránh phù hợp;
2. Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi; quản lý chặt chẽ số ghe thuyền của các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão biết về diễn biến và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; tổ chức kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn trước 19 giờ ngày 28/8/2019;
3. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa vụ Hè Thu 2019 và diện tích nuôi trồng thủy sản.
4. Tổ chức kiểm tra chợ, kho tàng, nhà xưởng, hệ thống các cột anten, công sở, di tích văn hoá; giằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; cảnh báo các lều trại, khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm phá; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lưới điện, thông tin liên lạc; dự trữ lương thực, thực phẩm, mì ăn liền và các nhu yếu phẩm khác để phòng bão, lụt.
5. Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ven sườn núi, vùng sạt lở ven biển và đầm phá, ven sông suối, vùng thấp trũng để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi cần thiết (đặc biệt chú ý 14 hộ bị đe dọa sạt lở đất tại Phú Gia, xã Lộc Tiến chủ động sơ tán khi có mưa lớn); triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, nhà cửa khu vực ven biển; an toàn cho khách du lịch tại các khu du lịch, bãi tắm biển.
6. Bố trí lực lượng túc trực 24/24 tại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường bị ngập lụt, các bến đò ngang để bảo vệ người và phương tiện tham gia giao thông.
7. Chỉ đạo các tổ Thủy nông xả các cửa ngăn đập Đại Đề, cống Quan, cống Công Trường và cống Truồi 1 và cống Truồi 2; chủ đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước đang thi công dỡ dang có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công, đồng thời cảnh báo cho người dân biết các khu vực nguy hiểm để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra.
8. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão hồ Truồi, hồ Thủy Yên tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của thời tiết, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
9. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc để kịp thời có kế hoạch ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết và thường xuyên báo cáo mọi tình huống về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện./.