Theo đó, mục tiêu phấn đấu năm 2019 giải quyết việc làm cho 2.100 lao động. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, trên 90% lao động qua đào tạo nghề có việc làm.
UBND huyện xác định những nội dung cần tập trung thực hiện đó là: ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh; gắn kết giữa tuyển sinh và giới thiệu việc làm sau đào tạo nghề để người học nghề chủ động và biết được công việc sau học nghề; gắn kết giữa nhà trường và cơ sở sản xuất ngay từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả công tác giới thiệu việc làm; chú trọng đào tạo lao động kỹ thuật cao phù hợp với nhu cầu thị trường và xu thế hội nhập khu vực, quốc tế; ưu tiên đào tạo lao động thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp tại các khu vực phát triển công nghiệp, có nhiều cụm, khu công nghiệp như cụm công nghiệp La Sơn, cụm các xã Khu III, Cụm Chân Mây,…; lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực các xã, thị trấn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng; ngành nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch tại khu vực Chân Mây - Lăng Cô…
Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, UBND huyện giao trách nhiệm cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân huyện triển khai Kế hoạch trên địa bàn huyện đảm bảo hiệu quả; phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu UBND huyện công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động cụ thể liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực hiện Kế hoạch; chủ động trong công tác tuyển sinh và thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao; chủ động liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo và tổ chức tiếp nhận lao động sau đào tạo; tham mưu tổng kết, sơ kết, đánh giá công tác giáo dục nghề nghiệp và tổng hợp báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân huyện theo quy định hàng năm, giữa kỳ và cả giai đoạn.
Giao trách nhiệm Phòng Nội vụ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo.
Giao trách nhiệm Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện đổi mới chương trình giáo dục và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở để học sinh nhận thức và có định hướng đúng đắn về học nghề và chủ động lựa chọn các loại hình học nghề sau này.
Giao trách nhiệm Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xác định nhu cầu đào tạo nghề, ngành nghề đào tạo phi nông nghiệp và dịch vụ. Thực hiện các chính sách khuyến công để hỗ trợ trong công tác lao động và việc làm tại các xã, thị trấn. Cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ hàng hóa, hàng nông sản cho người dân; kết nối, phổ biến chính sách ưu đãi đến các doanh nghiệp, hợp tác xã để cùng tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm và tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm hàng nông sản, hàng mỹ nghệ…
Giao trách nhiệm Phòng Tài chính - Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện bố trí nguồn lực để thực hiện các nội dung hoạt động của Kế hoạch.
Giao trách nhiệm Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân huyện đối tượng đào tạo nghề, phân bổ kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chủ trì, phối hợp trong việc xác định ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp nông thôn.
Giao trách nhiệm Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiến hành khảo sát, điều tra xác định nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, báo cáo UBND huyện (qua Trung tâm GDNN-GDTX huyện) để làm cơ sở để triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn hiệu quả.