Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khuyến công năm 2019 và huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức và cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN), các ngành nghề truyền thống và các dịch vụ khuyến công, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo cơ hội cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện phát triển và mở rộng thị trường kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng; trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư, ký kết các hợp đồng thương mại giữa các cơ sở, doanh nghiệp. Định hướng phát triển ngành thương mại dịch vụ phục vụ nhu cầu người dân và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là trong năm 2019 đào tạo được khoảng 30 đến 50 lao động cho các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ cho khoảng 01 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ trên 10 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ 04 đơn vị phát triển mẫu mã hàng lưu niệm, quà tặng mang biểu tượng, đặc trưng các điểm du lịch của huyện Phú Lộc. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn khuyến công đối với các doanh nghiệp công nghiệp -TTCN vừa và nhỏ, các cơ sở ngành nghề truyền thống trên địa bàn. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tăng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Xây dựng quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công và quy định xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án khuyến công. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh chấn chỉnh tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường; đảm bảo trật tự kinh doanh, văn minh thương mại trên địa bàn, từng bước tạo thói quen mua sắm tập trung tại chợ. Hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ theo Kế hoạch.
Đối tượng áp dụng:
Các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư sản xuất CN-TTCN, các cơ sở sản xuất của các nghệ nhân hàng thủ công mỹ nghệ và cơ sở sản xuất hàng lưu niệm, quà tặng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn); các cơ sở sản xuất thuộc các ngành nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận; bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Cộng đồng khởi nghiệp; Hộ kinh doanh cá thể.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn: Không giới hạn về quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân hàng năm và địa bàn đầu tư sản xuất.
Các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại, dịch vụ, khuyến công gồm: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lộc; các đơn vị dịch vụ tư vấn đào tạo, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại và các hoạt động liên quan đến đầu tư sản xuất CN-TTCN, ngành nghề trong nông thôn, ngành nghề truyền thống; các hiệp hội và hội nghề, các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn huyện. Cơ quan quản lý nhà nước hoạt động khuyến công, thương mại: Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Lộc.
Giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai Kế hoạch này; tổng hợp, báo cáo UBND huyện tình hình thực hiện. Đồng thời, Phòng Tài chính - Kế hoạch cân đối, tham mưu bố trí nguồn kinh phí khuyến công trong dự toán giao đầu năm để thực hiện các nhiệm vụ tại kế hoạch này; phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế và Hạ tầng trong quá trình thẩm định các đề án và tổ chức giám sát, thẩm tra kết quả, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng.UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế và Hạ tầng trong quá trình xây dựng và triển khai cụ thể kế hoạch tại địa phương, đơn vị mình.