Theo đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế và chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác PCCCR với mục tiêu bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại do cháy rừng gây ra; Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và các chủ rừng trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau:
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy rừng đến tất cả cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện; quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017; Luật Phòng cháy, chữa cháy số 27/2001/QH10 ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 40/2013/QH13 ngày 22/11/2013; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 05/3/2014 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Quyết định 09/2013/QĐ-UBND ngày 23/02/2013 của UBND tỉnh ban hành kèm theo quy định phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các văn bản liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (viết tắt là Ban chỉ đạo CTMTPTLNBV) từ huyện đến cơ sở để đảm bảo hoạt động có hiệu quả; phân công trách nhiệm cụ thể, địa bàn phụ trách của các thành viên để tổ chức, chỉ đạo và xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng; tổ xung kích PCCCR ở các khu dân cư nhằm tham gia trực, tuần tra, canh gác lửa rừng. Ban chỉ đạo CTMTPTLNBV các cấp phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm túc phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ” đã đề ra; xây dựng phương án huy động lực lượng để đảm bảo chữa cháy rừng kịp thời, có hiệu quả trên nguyên tắc “sử dụng lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy rừng”.
Các địa phương, chủ rừng phải chủ động tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác PCCCR trong năm qua; xây dựng và triển khai thực hiện tốt phương án PCCCR năm tiếp theo ngay từ đầu năm; chủ động xây dựng các công trình PCCCR, củng cố và hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, chuẩn bị phương tiện, hậu cần phù hợp với từng địa điểm khu vực rừng; thường xuyên bố trí lực lượng tổ chức tuần tra, canh gác rừng trong những ngày nắng nóng; ngăn chặn các hoạt động trái phép ở trong rừng, gây ảnh hưởng đến công tác PCCCR, phấn đấu không để xảy ra cháy rừng; nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn do mình quản lý, chủ rừng phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Phòng Văn hoá và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể của huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Vườn quốc gia Bạch Mã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng trong mọi tầng lớp nhân dân, học sinh ở các cấp học; thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng; nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nói chung và PCCCR nói riêng để nhân dân học tập.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở các địa phương cơ sở và các chủ rừng trong suốt mùa khô nóng, nhất là các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Nghiêm cấm các hành vi đốt rừng để tìm phế liệu chiến tranh, đốt rừng để săn bắt chim thú, đốt lửa ven rừng, trong rừng. Các trường hợp đốt xử lý thực bì để trồng rừng phải chấp hành nghiêm túc theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về các biện pháp lâm sinh.
Các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện thuộc các ngành đường sắt, đường bộ, ngành điện, đơn vị quân đội tham gia thi công các công trình và các cơ quan liên quan khác đóng ở ven rừng, gần rừng phải có trách nhiệm xây dựng phương án phòng chống cháy, nổ theo quy định của ngành mình; phối hợp với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác PCCCR; trước khi triển khai thi công các công trình ở khu vực gần rừng, phải làm việc với cơ quan kiểm lâm và chính quyền sở tại để bàn phương án phối hợp, tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, các đồn Biên phòng, các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn huyện theo chức năng nhiệm vụ đã được thống nhất tại Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT/BNNPTNT-BCA-BQP ngày 06/12/2002 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, có kế hoạch xây dựng phương án huy động lực lượng trong đơn vị tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; chỉ đạo lực lượng dân quân, công an ở xã thành lập các tổ, đội xung kích để giúp cho các Ban chỉ đạo CTMTPTLNBV xã, thị trấn thực hiện tốt công tác PCCCR; phối hợp với cơ quan kiểm lâm trong việc hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra phương án PCCCR của các chủ rừng, các cơ quan, đơn vị có hoạt động làm ảnh hưởng đến rừng, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng vi phạm quy định về PCCCR; nhanh chóng tổ chức điều tra, xác minh nguyên nhân, thủ phạm gây ra cháy rừng.
Khi xảy ra cháy rừng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ban chỉ đạo CTMTPTLNBV xã, thị trấn được quyền huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy. Trường hợp xảy ra cháy lớn, cần huy động lực lượng từ xa, nhiều người thì phải kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND huyện để ban bố lệnh điều động; mọi tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân phải chấp hành lệnh huy động về người và phương tiện để chữa cháy rừng, nếu không chấp hành thì tùy theo mức độ để xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ban chỉ đạo CTMTPTLNBV huyện thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, tham mưu đề xuất, tổ chức khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác PCCCR để động viên phong trào trong nhân dân.