Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ theo tiến độ đề ra tại Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên năm 2019; nắm bắt, đánh giá đúng nhu cầu, tiếp tục đổi mới nội dung, xây dựng các mô hình điểm, nhân rộng, đa dạng hóa các mô hình, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) hiệu quả cho từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên; huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên; đề cao trách nhiệm tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của thanh, thiếu niên.
Yêu cầu đặt ra là phải bám sát, triển khai đồng bộ, thống nhất, tổng thể với Kế hoạch của tỉnh, của huyện; xác định rõ nội dung hoạt động, tiến độ thực hiện, đảm bảo yêu cầu, chất lượng, không trùng lắp; phân công cụ thể trách nhiệm của cơ quan có liên quan; xác định rõ đối tượng cần ưu tiên phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên đặc thù và triển khai kết hợp, lồng ghép với các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật do cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương được giao chủ trì tại Kế hoạch số 382/KH-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân huyện về thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn huyện Phú Lộc.
Nhiệm vụ đặt ra tập trung vào các nội dung chính như sau: Hoạt động quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án; triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường tiếp cận pháp luật cho thanh, thiếu niên; nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến thanh, thiếu niên gắn với phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên ngay trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao năng lực, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; cán bộ quản lý, theo dõi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; cán bộ Đoàn, Hội, Đội; cán bộ quản lý nhà nước về thanh niên; thực hiện chỉ đạo điểm, nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho thanh, thiếu niên.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch nêu trên, UBND huyện yêu cầu: Phòng Tư pháp là cơ quan thường trực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo Kế hoạch này; các cơ quan, ban, ngành tổ chức trên cơ sở nhiệm vụ thực hiện Đề án tại Kế hoạch này tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo trách nhiệm và phạm vi quản lý. Các cơ quan, ngành: Nội vụ, quân sự, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Huyện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cử cán bộ làm đầu mối theo dõi, phối hợp với Phòng Tư pháp trong triển khai thực hiện Kế hoạch này; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tại Kế hoạch này phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên ở địa phương.