Theo Báo cáo của Chi cục Thú y, từ đầu tháng 12 năm 2018 đến nay, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố và có chiều hướng gia tăng mạnh vào đầu năm 2019 làm ảnh hưởng đến phát triển của ngành chăn nuôi; an toàn thực phẩm và sức khỏe của người dân. Tại trang trại lơn Thái Việt Swine Line thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra bệnh lở mồm long móng, vào ngày 16 tháng 01 năm 2019 đã tiêu hủy 232 con mắc bệnh. Trong thời gian đến do mầm bệnh vẫn còn tồn lưu, phát tán trong môi trường; kết hợp với các hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng gia tăng ..., bệnh lở mồm long móng có nguy cơ phát sinh và lây lang trên diện rộng trong dịp Tết Nguyên đán là rất cao.
Thực hiện Công văn số 345/UBND-NN ngày 19 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tăng cường phòng chống bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, các ban, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của ngành Thú y, đặc biệt chú trọng một số biện pháp sau đây:
1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để nhân dân biết về tác hại và nguy cơ bùng phát của bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc.
2. Chỉ đạo tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, các vùng trọng điểm dịch, phát hiện các ổ dịch lở mồm long móng, xử lý kịp thời khi còn trong diện hẹp.
3. Các tổ chức, trang trại, người chăn nuôi khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh lở mồm long móng báo ngay cho Ban chăn nuôi Thú y, chính quyền địa phương, các ngành chức năng để tổ chức dập dịch; tuyệt đối không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc bị bệnh, gia súc chết.
4. Tổ chức phòng bệnh bằng vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc theo kế hoạch đề ra, rà soát và triển khai tiêm phòng bổ sung tại các xã có tỷ lệ tiêm phòng thấp; tăng cường vệ sinh tiêu độc, khử trùng; đặc biệt là các nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao như các ổ dịch cũ, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật, điểm thu gom, cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc ...
5. Tăng cường chăm sóc đàn gia súc, bổ sung thức ăn vệ sinh chuồng trại để tăng sức đề kháng cho gia súc.
6. Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phối hợp các địa phương và các ngành chức năng tổ chức các đợt kiểm tra, công tác phòng chống dịch bệnh động vật, đặc biệt với các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi về các nội dung như: tiêm phòng bắt buộc, vệ sinh tiêu độc khử trùng, vận chuyển, xuất nhập động vật; giám sát dịch bệnh như: theo dõi tình trạng sức khỏe, báo cáo tình hình dịch bệnh định kỳ và đột xuất.
7. Quản lý và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh làm lây lan dịch bệnh không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan Thú y.
8. Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm, các phòng: Nông nghiệp và PTNT, Kinh tế và Hạ tầng, Y tế phối hợp các nghành chức năng liên quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm thịt lợn trên thị trường; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chủ động thông tin kịp thời để ổn định thị trường; kiểm soát, phản hồi các nguồn tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng làm biến động thị trường.