Năm 2017, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết khu vực có những biến đổi bất thường; bão, lũ lụt, hạn hán, lạnh giá diễn biến theo chiều hướng ngày càng khắc nghiệt và phức tạp hơn; thời tiết bất thường diễn ra trên hầu hết các khu vực và trái với quy luật gây thiệt nghiêm trọng về người, tài sản, lúa, hoa màu của nhân dân và các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Theo thống kê từ Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, trong năm qua thiệt hại trên địa bàn huyện có 3 người chết, 2 người bị thương, sập 3 nhà, tốc mái 80 nhà. Trong đợt mưa lũ từ 24/01-03/02/2017 và từ 25/5-29/5/2017 làm 844 ha lúa vụ Đông Xuân và 466,5ha lúa vụ Hè Thu mới gieo sạ bị ngập úng, đợt mưa lũ từ 03/11-08/11/2017 và từ 19/11-24/11/2017 làm 100 tấn giống lúa bị ngập úng, hư hỏng. Trong đợt ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10 có thuyền có công suất <20CV bị chìm 30 cái; xuồng chèo bị chìm và trôi 13 chiếc; chòi rớ bị cuốn trôi 30 cái. Bên cạnh đó, các đợt mưa lũ khác cũng đã gây thiệt hại hàng chục héc-ta lúa, hoa màu, rừng phòng hộ và cá lồng của bà con nhân dân,...
Ngoài ra, kè biển tại xã Vinh Hải bị sạt lở và xâm thực nặng với chiều dài hơn 3km, mở cửa biển rộng khoảng 50 m, bờ biển Hải Bình bị nước biển dâng, tràn sâu vào 20m, rộng 50m, cửa biển Lạch Giang tiếp tục bị sạt lở và bồi lấp làm ảnh hưởng đến 160 tàu thuyền thường xuyên ra vào đánh bắt thủy hải sản và neo đậu tránh trú bão, bờ sông tiếp tục bị xói lở nghiêm trọng tại các đoạn bờ tả sông Bù Lu dài 1,4km, sông Nước Ngọt đoạn qua thôn Thủy Cam dài 5,5km, nhiều trục đường giao thông nông thôn bị sói lở, hư hỏng, nguy cơ sạt lở đất tại các vùng đồi núi tiếp tục đe dọa đến đời sống của các hộ dân.
Với những diễn biến thời tiết phức tạp đó, trong thời gian tới thực hiện phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” Ban chỉ đạo PCTT và TKCN huyện tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị ứng phó, phòng tránh thiên tai và lên kế hoạch chi tiết để đảm bảo thực hiện tốt công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động sơ tán dân trong các vùng có nguy cơ ảnh hưởng của lũ quét, bão và sạt lở đất để có phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân.
Trong đó lấy công tác phòng là chính, chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ". Chủ động phòng tránh, thích nghi là biện pháp chủ yếu nhằm đối phó có hiệu quả với mọi diễn biến thời tiết phức tạp, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra...