Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương, tổ chức và các chủ rừng trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau:
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy rừng đến tất cả cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện; quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 05/3/2014 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Quyết định 09/2013/QĐ-UBND ngày 23/02/2013 của UBND tỉnh ban hành kèm theo quy định phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các văn bản liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. UBND các xã, thị trấn, các Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp xã (gọi tắt là BCĐ CTMTPTLNBV) tăng cường hoạt động, rà soát, bổ sung và tiếp tục thực hiện phương án PCCCR sát với thực tế ở từng địa phương theo phương châm "Phòng là chính, chữa phải kịp thời, hiệu quả”; phân công trách nhiệm cụ thể, địa bàn phụ trách của các thành viên để tổ chức, chỉ đạo và xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng; tổ xung kích PCCCR ở các khu dân cư nhằm tham gia trực, tuần tra, canh gác lửa rừng. Các thành viên BCĐ CTMTPTLNBV phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các chủ rừng thực hiện nghiêm túc phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ” đã đề ra; xây dựng phương án huy động lực lượng để đảm bảo chữa cháy rừng kịp thời, có hiệu quả trên nguyên tắc “sử dụng lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy rừng”.
3. Phòng Văn hoá và Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể của huyện phối hợp với cơ quan Kiểm lâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng trong mọi tầng lớp nhân dân, học sinh ở các cấp học; thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng; nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nói chung và PCCCR nói riêng để nhân dân học tập.
4. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi: Đốt lửa, sử dụng lửa trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, phân khu phòng hộ rất xung yếu; ở các khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô nỏ vào mùa hanh khô; Đốt lửa, sử dụng lửa gần kho, bãi gỗ khi có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V; Đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, hạ cây rừng và đốt để lấy than ở trong rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh; Đốt nương, rẫy, đồng ruộng trái phép ở trong rừng, ven rừng; Các hành vi khác trực tiếp gây ra nguy cơ cháy rừng. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng đốt xử lý thực bì để trồng rừng vào lúc thời điểm nắng nóng, dự báo cháy rừng cấp III trở lên, và tại các khu vực rừng gần khu nghỉ dưỡng Laguna ở xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.
5. Công an huyện, BCH Quân sự huyện, các đồn Biên phòng, các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn huyện theo chức năng nhiệm vụ đã được thống nhất tại Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT/BNNPTNT-BCA-BQP ngày 06/12/2002 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, có kế hoạch xây dựng phương án huy động lực lượng trong đơn vị tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; chỉ đạo lực lượng dân quân, công an ở xã thành lập các tổ, đội xung kích để giúp cho các BCĐ CTMTPTLNBV xã, thị trấn thực hiện tốt công tác PCCCR; phối hợp với cơ quan kiểm lâm trong việc hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra phương án PCCCR của các chủ rừng, các cơ quan, đơn vị có hoạt động làm ảnh hưởng đến rừng, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng vi phạm quy định về PCCCR; nhanh chóng tổ chức điều tra, xác minh nguyên nhân, thủ phạm gây ra cháy rừng.
6. Khi xảy ra cháy rừng, Chủ tịch UBND và BCĐ CTMTPTLNBV xã, thị trấn được quyền huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy. Trường hợp xảy ra cháy lớn, cần huy động lực lượng từ xa, nhiều người thì phải kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND huyện để ban bố lệnh điều động; mọi tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân phải chấp hành lệnh huy động về người và phương tiện để chữa cháy rừng, nếu không chấp hành thì tùy theo mức độ để xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.