Công tác xây dựng kế hoạch tín dụng hàng năm bám sát theo quy định hướng dẫn tại Quyết định số 86/QĐ-NHCS ngày 10/01/2014 của NHCSXH. Các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT)NHCSXH tỉnh quyết định phân bổ hàng năm, Phòng giao dịch đã tham mưu kịp thời cho Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện phân bổ về cho các xã, thị trấn đảm bảo nguồn vốn sử dụng được kịp thời, đúng đối tượng. Hiện nay, Phòng giao dịch đang triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi tại địa bàn huyện Phú Lộc, tập trung vào các chương trình: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay trồng rừng, cho vay xuất khẩu lao động, nước sạch vệ sinh môi trường...
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã thật sự là điểm tựa cho những người nghèo, trở thành động lực cho những xã đang còn khó khăn trên địa bàn phát huy lợi thế, tiềm năng để vươn lên. Thực hiện Quyết định 3751/QĐ-UBND của Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Phú Lộc về việc ban hành Quy chế tạo lập, quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách huyện ủy thác qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc, hiện nay lũy kế nguồn vốn ngân sách chuyển sang cho NHCSXH huyện là 1.500 triệu đồng để cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn huyện Phú Lộc, giai đoạn 2016 - 2020.
Đến nay, toàn huyện có trên 11.800 hộ tham gia vay vốn tại NHCSXH với 302 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ thực hiện 301,7 tỉ đồng trong đó nợ quá chiếm tỷ lệ 0,22% (đã giảm 0,4% so với cuối năm 2017).
Trong hơn 15 năm qua, đã có trên 26.000 lượt hộ nghèo được vay vốn từ PGD NHCSXH để sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, giúp cho hơn 5.000 lượt hộ thoát nghèo. Chương trình cho vay hộ nghèo đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống đến nay còn 7,95% theo chuẩn nghèo mới. Nguồn vốn này đã giúp cho các hộ nghèo tự chủ trong hoạt động sản xuất, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại để vươn lên trong cuộc sống. Nhiều hộ nghèo hiện nay đã được NHCSXH cho vay đầu tư từ 30 triệu đến 50 triệu/hộ để có điều kiện mở rộng và phát triển quy mô sản xuất kinh doanh tiến tới thoát nghèo bền vững và trở thành hộ khá, hộ giàu đem kinh nghiệm làm giàu phổ biến giúp đỡ các hộ chưa thoát nghèo vượt khó đi lên.
Chương trình cho vay giải quyết việc làm, trong 15 năm đã giải quyết trên 5.050 lao động được tạo việc làm mới, nguồn vốn đã góp phần cho các hộ gia đình mở rộng phát triển sản xuất, thu hút thêm lao động mới, cải thiện và tăng thu nhập cho lao động trên địa bàn đặc biệt là giải quyết tình trạng thất nghiệp cho người lao động trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng cao tại các địa phương.
Trong 15 năm qua, PGD NHCSXH huyện đã đáp ứng cho trên 7.634 học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn thông qua hộ gia đình vay vốn để đóng học phí và trang trải các chi phí liên quan đến học tập trong thời gian theo học ở trường. Chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn đã giúp cho nhiều gia đình nông dân không phải lo thiếu tiền để nuôi con ăn học, HSSV không phải bỏ học, hạn chế được tình trạng vay nặng lãi trong nông thôn. Chương trình cho vay HSSV thể hiện tính nhân văn cao cả của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo trong thời kỳ đổi mới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Vốn vay ưu đãi đã đến được trên 860 lượt hộ ở các vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất chăn nuôi gia súc gia cầm, khôi phục và phát triển diện tích trồng cây lâm nghiệp, công nghiệp ở một số thôn xã Xuân Lộc, Lộc Bổn, Lộc Hòa...
Đối với khu vực đồng bằng ven biển, vốn được tập trung cho việc phát triển các mô hình kinh tế đa dạng, thu hút nhiều lao động, như: chăn nuôi, đánh bắt, chế biển thủy hải sản, nuôi trâu, bò..., phù hợp với định hướng phát triển ngành nghề trên địa bàn.
Từ khi thực hiện chương trình cho vay Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến nay đã có trên 8.800 công trình nước sạch ở khu vực nông thôn được cải tạo và xây dựng mới; hơn 9.000 công trình nhà vệ sinh được đầu tư đạt chuẩn. Thông qua chương trình này người dân nông thôn giảm được các bệnh dịch liên quan như dịch sốt xuất huyết, dịch tiêu chảy do dùng nước không hợp vệ sinh, nước bị ô nhiễm, từ đó giảm chi phí khám chữa bệnh, tăng cường sức khỏe, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện đã góp phần tạo việc làm và nâng cao tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn. Nhiều hộ được vay vốn trồng rừng thương mại thông qua chương trình dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3); Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn đã được vay vốn để ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển sản xuất nâng cao đời sống. Chương trình này có thể được xem là một trong các chương trình dự án mang lại hiệu quả nhất trong các dự án, góp phần ổn định tình hình an ninh-chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Nguồn vốn vay phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh (SXKD) và đời sống của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách, xét về hiệu quả sử dụng vốn vay, các hộ vay vốn đã sử dụng vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi nhuận trong đầu tư sản xuất kinh doanh góp phần giúp hộ vay trả nợ lãi, tiết kiệm, gốc đúng theo thoả thuận đã cam kết đồng thời có thể tích luỹ để trang trải cho cuộc sống gia đình và tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ngoài việc đầu tư cho sản xuất kinh doanh, Đảng và Nhà nước rất quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Những hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ không an toàn mà không có khả năng tự cải thiện nhà. Để hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hộ nghèo nhà ở chưa an toàn trong lụt bão, cùng với các nguồn vốn tài trợ khác, PGD NHCSXH huyện đã thực hiện cho vay trên 588 hộ nghèo vay vốn xây dựng và cải tạo nhà ở theo Quyết định 167/2007/QĐ-TTg; Quyết định 33/2015/QĐ-TTg; Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các chương trình cho vay ủy thác từng phần thông qua các tổ chức chính trị - xã hội là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên CSHCM. Đến nay, trên địa bàn có 53 Hội cấp xã với dư nợ là 301,3 tỷ đồng, chiếm 99,88% tổng dư nợ. Thông qua phương thức cho vay ủy thác, nguồn vốn cho vay được giải ngân nhanh chóng, quản lý theo mô hình tổ TK&VV có sự giám sát của Ban cán sự thôn, Hội đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp xã, bình xét công khai, dân chủ từ cơ sở, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn thuận lợi, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại.
Hoạt động của NHCSXH huyện Phú Lộc đã không ngừng phát triển và ngày càng ổn định, nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn, chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các Ngân hàng thương mại.
Với cơ chế điều hành có Chủ tịch xã, thị trấn tham gia thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đã phát huy được vai trò lãnh đạo, quản lý của Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo đồng vốn phục vụ đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương, đặc biệt góp phần ngăn chặn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp người dân thoát nghèo bền vững./.