Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam); triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trở thành hoạt động thường xuyên. Thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam để nâng cao nhận thức và ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và các tầng lớp Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
Yêu cầu đặt ra đó là, việc tổ chức các hoạt động cần thiết, gắn với hoạt động cụ thể trong xây dựng, tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật theo định hướng lấy người dân làm trung tâm, hướng về cơ sở; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức sâu rộng trên địa bàn huyện, chú trọng triển khai tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện đặc thù; bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, trọng tâm là công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật. Xác định cụ thể trách nhiệm tổ chức và tham gia tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam của các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia huyện với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.
Nội dung cụ thể gồm: Căn cứ điều kiện thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 cần tập trung vào các nội dung:
- Ðẩy mạnh phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó tập trung phổ biến chính sách, pháp luật, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2022 và năm 2023.
- Tăng cường công tác truyền thông dự thảo chính sách thuộc phạm vi của Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhất là các dự án Luật có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp như: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)... góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.
- Đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung liên quan đến Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Văn bản số 2076-CV/TU ngày 31 tháng 3 năm 2023 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, xuyên tạc nội dung các Luật đang có hiệu lực thi hành và trong quá trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến đối với các dự án Luật, nhất là những dự án Luật có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống Nhân dân.
- Gắn việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ IV, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.
- Thông tin, phản ánh, tôn vinh gương người tốt việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
Hình thức triển khai: Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động lựa chọn hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức hưởng ứng một cách linh hoạt, tiết kiệm và có sức lan tỏa sâu rộng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa trong thực hiện, tập trung vào một số hoạt động như sau:
- Tập trung huy động và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử và hệ thống loa truyền thanh cơ sở, mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoạt động thanh niên tình nguyện, giáo dục pháp luật ngoại khóa; lồng ghép trong các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở,...
- Hưởng ứng, tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV. Phát động phong trào thi đua hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam giai đoạn 2023-2028.
- Lan tỏa các Cuộc thi trực tuyến: “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường và quy tắc ứng xử trong trường học” và “Tìm hiểu pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ” trong học sinh trên địa bàn huyện. Theo đó, các Cuộc thi dành cho các đối tượng là học sinh đang học tập tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện (trong độ tuổi từ 12 tuổi trở lên), các Cuộc thi bắt đầu từ 00 giờ 00 phút ngày 11/9/2023 đến 24 giờ 00 phút ngày 30/9/2023, được tổ chức bằng hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến tại địa chỉ website:http://cuocthitracnghiem.hssvthuathienhue.com/; Trang Thông điện tử Sở Tư pháp https://stp.thuathienhue.gov.vn/; Trang Thông tin phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế https://stp.thuathienhue.gov.vn/?gd=26.
- Trong tháng cao điểm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hoạt động đối thoại chính sách - pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân và doanh nghiệp…
Khẩu hiệu: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, lĩnh vực được giao quản lý và tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, cụ thể như sau:
- Sống và làm việc theo pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
- Đẩy mạnh truyền thông chính sách góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi pháp luật.
- Tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
- Chủ động tìm hiểu, gương mẫu tuân theo Hiến pháp và pháp luật là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
- Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
- Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
- Tích cực cải cách hành chính, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
- Thực hiện tốt công tác truyền thông, phản ứng chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh.
Thời gian thực hiện: Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt tập trung vào 02 tháng (tháng 10, 11/2023), cao điểm từ ngày 01/11 đến 09/11/2023.