Theo đó, Thông tư này quy định quy trình tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 4 của Luật Tiếp công dân và các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân.
Thông tư bổ sung quy định trong trường hợp công dân trình bày nhiều nội dung, vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân cần hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân khi gửi cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện sẽ ấn định thời gian giải quyết phù hợp. Kết thúc việc tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải ra thông báo kết luận việc tiếp công dân.
Bên cạnh đó, theo quy định mới, việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thể được công chức, viên chức giúp việc nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân và được lưu tại nơi tiếp công dân.
Thông tư nêu trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2021 và đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ, các Báo điện tử liên quan./.