Theo đó, Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2021 và đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Thanh Tra Chính phủ.
Cụ thể, Thông tư này quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra, ban hành và công khai Kết luận thanh tra.
Thông tư này áp dụng đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, người được giao nắm tình hình, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra bao gồm: Người có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự,…là đối tượng thanh tra; Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;…
Bên cạnh đó, Đoàn thanh tra làm việc tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra, trụ sở cơ quan thanh tra hoặc tại nơi tiến hành kiểm tra, xác minh theo kế hoạch tiến hành thanh tra. Đoàn thanh tra làm việc với đối tượng thanh tra trong giờ hành chính; trường hợp phải làm việc ngoài giờ hành chính thì Trưởng Đoàn thanh tra quyết định về thời gian cụ thể, thông báo cho các bên có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Ngoài ra, việc gia hạn thời hạn thanh tra được thực hiện trong các trường hợp sau: Các cuộc thanh tra phức tạp, đặc biệt phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, đơn vị, địa bàn; Cần lấy ý kiến chuyên môn của các cơ quan; Cần xác minh, làm rõ vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc nội dung, phạm vi thanh tra; Cần xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng;…/.