Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Công điện về việc tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy chữa cháy rừng
Ngày cập nhật 10/06/2021
Ngày 07/6/2021 UBND huyện đã ban hành Công điện số 2337/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy chữa cháy rừng

Theo đó, để chủ động triển khai có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra; Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nội dung Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 04/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh nêu trên, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cấp bách sau:

1. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát  việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân. Quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, đốt xử lý thực bì trồng rừng đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, an toàn, không gây cháy lan vào rừng. Nghiêm cấm và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi đốt thực bì vào thời kỳ cao điểm nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng từ cấp IV trở lên.

Tăng cường chế độ hoạt động của các Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững các xã, thị trấn; phân công trách nhiệm cụ thể, địa bàn phụ trách của các thành viên để để kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng của các chủ rừng; chỉ đạo thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”, “5 sẵn sàng” để chủ động và sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi cháy rừng xảy ra.

2. Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo CTMTPTLNBV huyện) phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng; thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy rừng trong xử lý thực bì trồng rừng; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, trực chỉ huy, trực chiến, cũng như thường xuyên kiểm tra trực phòng cháy chữa cháy rừng tại hiện trường các địa phương, đơn vị chủ rừng.

Chủ động phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân và chủ rừng thực hiện tốt quy định về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; kiểm tra xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp; thực hiện tốt việc theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng.

3. Đối với các chủ rừng Nhà nước: Công ty TNHHNN1 TV Lâm nghiệp Nam Hòa, Vườn quốc gia Bạch Mã, Ban quản lý rừng Phòng hộ Bắc Hải Vân:

Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn.

4. Các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện thuộc các ngành đường sắt, đường bộ, ngành điện, đơn vị quân đội tham gia thi công các công trình và các cơ quan liên quan khác đóng quân ở ven rừng, gần rừng phải có trách nhiệm xây dựng phương án phòng chống cháy, nổ theo quy định của ngành mình; phối hợp với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác PCCCR.

5. Các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) thực hiện quy chế, kế hoạch phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý khi có cháy rừng xảy ra.

6. Lực lượng Công an huyện phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra công tác PCCCR trên địa bàn huyện; điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm để xảy ra cháy rừng theo quy định.

7. Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ số 5 phối hợp với cơ quan kiểm lâm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng của các chủ rừng; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng chuyên ngành cho các lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng của cơ sở. Tổ chức lực lượng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.

8. Phòng Văn hoá và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể của huyện: Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về phòng cháy chữa cháy rừng; gia tăng thời lượng phát sóng đưa tin về dự báo cháy rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng để các đơn vị chủ rừng và chính quyền các cấp chủ động phối hợp thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao nhất.

9. Đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với diện tích rừng đang quản lý. Thực hiện nghiêm túc quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế việc xử lý thực bì để trồng rừng bằng phương pháp đốt, lưu ý sử dụng lửa ở gần rừng, ven rừng.

Nhận được công điện này, yêu cầu các cơ quan, ban ngành, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện./.

Cái Dung
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.977.297
Truy cập hiện tại 4.968 khách