Theo đó, Thông tư này quy định về chế độ báo cáo, nội dung báo cáo, hình thức báo cáo, phương thức gửi báo cáo, trách nhiệm báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Nguyên tắc báo cáo: Đầy đủ, chính xác, khách quan, kịp thời; đúng quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và hướng dẫn tại Thông tư này.
Theo Thông tư, cơ quan thanh tra có 03 loại báo cáo là báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề và báo cáo đột xuất. Trong đó, báo cáo định kỳ sẽ được thực hiện hằng quý, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm; báo cáo chuyên đề cung cấp thông tin có tính chuyên sâu về một chủ đề và được thực hiện một hoặc nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định. Trường hợp phát sinh bất thường trong quá trình thực hiện công việc hoặc theo yêu cầu của cấp trên thì sẽ tiến hành báo cáo đột xuất.
Các loại báo cáo nêu trên được thể hiện bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và được đóng dấu theo quy định. Báo cáo sẽ được gửi đến cơ quan nhận báo cáo qua Hệ thống văn bản điện tử trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc thông qua một số phương thức khác như: Phần mềm Hệ thống thông tin báo cáo của Thanh tra Chính phủ; Thư điện tử của cơ quan hành chính Nhà nước; Gửi trực tiếp; Gửi qua Fax; Gửi qua dịch vụ bưu chính.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2021 và đã được đăng tải trên Công báo và Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ./.