Theo đó, để chủ động ngăn chặn và kiểm soát bệnh CGC A/H5N1, A/H5N6 và các chủng vi rút CGC xâm nhiễm vào địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:
- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CGC.
- Rà soát, tổ chức tiêm vắc xin CGC phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới nuôi và chưa được tiêm phòng.
- Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
- Chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở, các ban ngành phối hợp các đoàn thể, thôn, bản tăng cường theo dõi, giám sát nhập đàn gia cầm vào nuôi tại địa phương nhất là các đàn gà mô hình dự án, đàn vịt nuôi chạy đồng, báo cáo các trường hợp phát hiện gia cầm có các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh CGC cho cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời.
2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp các ban, ngành:
- Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng, chống dịch và chỉ đạo việc thực hiện phòng, chống dịch CGC.
- Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm của gia cầm nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc kết hợp lấy mẫu gửi xét nghiệm đối với gia cầm có dấu hiệu bệnh, nghi bị bệnh tại các cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ…
- Tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, đặc biệt tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao như chợ buôn bán, điểm thu gom gia cầm, sản phẩm gia cầm, cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển gia cầm…
3. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh Cúm gia cầm. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại của việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm của gia cầm đến người chăn nuôi, ngành chăn nuôi. Khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm của gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
4. Công an huyện, Đội Quản lý thị trường: thường xuyên kiểm tra các phương tiện lưu hành vận chuyển gia cầm trên tuyến QL1A, QL 49B, TL 14B; các điểm giết mổ gia cầm, điểm mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trong địa bàn huyện để chủ động phòng và ngăn chặn bệnh Cúm gia cầm vào địa bàn.
5. Các phòng: Kinh tế - Hạ tầng, Tài chính - Kế hoạch, Y tế, chuẩn bị nguồn lực phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Cúm gia cầm xâm nhập vào địa bàn.