Theo đó, phấn đấu năm 2021, tạo việc làm mới cho 1.540 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, đạt 66,0%. Phấn đấu đưa từ 170 - 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, có ít nhất 50 lao động thuộc diện chính sách được hỗ trợ. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động từ nông nghiệp tăng dần lao động sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Để đạt mục tiêu đề ra, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:
- Chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn để có kỹ năng, kỹ thuật nhằm tạo việc làm, giải quyết khó khăn về lao động trước mắt; đồng thời, có chiến lược xây dựng chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ có trình độ đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Trên cơ sở chương trình, kế hoạch đào tạo hằng năm, chủ động, phối hợp với các trung tâm đào tạo, các trường nghề để tổ chức đào tạo tập trung cho người lao động có kỹ năng, có trình độ và tay nghề cao.
- Nâng cao nhận thức đối với các cơ quan, ban ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động từ huyện về đến xã, thị trấn, duy trì cập nhật thông tin thị trường lao động để có những định hướng đúng cho việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nghề nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, thu hút lao động, giải quyết việc làm.
- Có chính sách, cơ chế phát huy các nguồn lực trong huyện thu hút các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực thu hút nhiều lao động. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất, kinh doanh để thu hút lao động, ưu tiên tuyển dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, vùng bị thu hồi đất nông nghiệp, đối tượng chính sách có công vào làm việc.
UBND huyện giao trách nhiệm Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện Kế hoạch này. Kết nối, nắm bắt thông tin Cung – Cầu lao động để tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và lao động gặp gỡ trao đổi về việc làm.
Phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện điều hành nguồn vốn vay từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm có hiệu quả.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động dạy nghề cho lao động, định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp kết quả về UBND huyện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Giao trách nhiệm UBND các xã, thị trấn căn cứ chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các nhiệm vụ của Kế hoạch này, chủ động triển khai lập kế hoạch và tổ chức thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách dạy nghề cho các đối tượng được hưởng chính sách ở địa phương, bảo đảm chính sách được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng.
Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động để người lao động hiểu rõ, đồng thời, chủ động, nắm bắt, nghiên cứu việc làm của người lao động để lập kế hoạch đào tạo, kết nối thông tin giải quyết việc làm cho người dân./.