Nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất trên địa bàn huyện, đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức của nhân dân trong việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết, UBND huyện đã giao trách nhiệm các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, UBND các xã, thị trấn khẩn trương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể:
Đối với ngành y tế (Trung tâm Y tế huyện, Phòng Y tế): Chủ trì, phối hợp với cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết của huyện; xây dựng Kế hoạch phòng, chống và sẵn sàng, chủ động ứng phó bệnh dịch trên địa bàn; tăng cường công tác giám sát và xử lý ca bệnh theo Hướng dẫn số 1523/HD - SYT ngày 16/9/2015 của Sở Y tế về việc hướng dẫn xử lý phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, kiên quyết không để xảy ra tử vong do dịch sốt xuất huyết gây ra; chủ trì, phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên trường học về công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh trong đầu năm học 2017 - 2018 theo kế hoạch đề ra; tham mưu UBND huyện thành lập Đoàn kiểm tra công tác giám sát phòng, chống các dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trên địa bàn; trong đó, chú trọng dịch sốt xuất huyết; tiếp tục rà soát, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, máy móc, hóa chất, vật tư tại các tuyến dưới để có kế hoạch bổ sung, sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch trong mùa mưa bão năm 2017. Củng cố các đội phòng, chống dịch cơ động và các trang thiết bị cần thiết khác để sẵn sàng ứng phó kịp thời; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích, … để hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường và vệ sinh phòng bệnh cá nhân. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành và chế độ thông tin báo cáo đảm bảo đúng quy định.
Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo: Triển khai Kế hoạch hoạt động phòng, chống dịch trong trường học; tuyên truyền cho học sinh về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch; khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch tại gia đình và cộng đồng như chiến dịch thau vét bọ gậy, thu gom rác thải nhằm làm sạch môi trường sống. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch trong trường học do Hiệu trưởng làm trưởng ban; phối hợp, cung cấp thông tin về trường hợp dịch bệnh sốt xuất huyết trong trường học cho ngành y tế để xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Đối với Phòng Văn hoá và Thông tin: Phối hợp Trung tâm Y tế, các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn, Trạm y tế các địa phương thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện. Tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe hàng tuần trên đài phát thanh của các xã, thị trấn. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình huyện tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hoá các loại hình truyền thông nhằm chuyển tải thông tin phòng, chống dịch bệnh đến mọi tầng lớp nhân dân.
Đối với Phòng Tài chính - Kế hoạch: Tham mưu UBND huyện đảm bảo kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn theo kế hoạch đề ra.
Đối với các tổ chức Hội, Đoàn thể: Phối hợp, lồng ghép trong các cuộc họp, hội nghị, … nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện theo kế hoạch, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đối với UBND các xã, thị trấn: Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân và phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên trong Ban Chỉ đạo cấp xã, thị trấn, để làm tốt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Huy động các nguồn lực và sự tham gia của nhân dân nhằm đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn (phun chủ động, xử lý ca bệnh,…). Tổ chức Hội nghị sơ kết để đánh giá, rút kinh nghiệm trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương./.