Nghị định gồm 11 chương với 189 điều quy định chi tiết 07 nhóm vấn đề được Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 giao: (1) Đánh giá tác động của chính sách; (2) Thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật; (3) Công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật; (4) Dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; (5) Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; (6) Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; (7) Bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định văn bản quy định chi tiết phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết. Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp.
Trên tinh thần đó, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể các điều, khoản mà Luật giao để sau khi ban hành có thể thi hành được ngay, hạn chế tối đa việc các bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản hướng dẫn tiếp.
Đồng thời, để bảo đảm thi hành có hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định một số biện pháp thực sự cần thiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ như: quy trình xây dựng chính sách trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, lập danh mục văn bản quy định chi tiết, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật… Ngoài ra, đối với công tác kiểm tra văn bản Nghị định số 34/2016/NĐ-CP cũng quy định rõ khi thực hiện kiểm tra phải căn cứ vào tính chất, mức độ trái pháp luật của văn bản và hậu quả gây ra, người kiểm tra văn bản có thể đề xuất: hình thức xử lý văn bản trái pháp luật; xử lý trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật; xử lý trách nhiệm đối với công chức 2 đã tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản trái pháp luật trong trường hợp người đó có lỗi.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 (cùng thời điểm có hiệu lực của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015). Kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật sau đây sẽ hết hiệu lực: Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Nghị định số 100/2010/NĐ- CP ngày 28 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về Công báo; Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, để công tác tham mưu xây dựng, ban ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn huyện kịp thời, đúng quy định; Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp huyện; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn nghiên cứu Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở cho việc tham mưu, soạn thảo./.