Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm phấn đấu 100% gia súc, gia cầm được tiêm phòng các loại vắc xin theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm, để chủ động phòng tránh dịch bệnh, đổ ngã khi mùa mưa đến, đảm bảo điều kiện cho phát triển chăn nuôi bền vững, góp phần ổn định xã hội và phát triển sản xuất.
Theo kế hoạch, đối với lợn, từ ngày 15/7 đến 31/8/2015 tổ chức tiêm đại trà vắc xin Tam liên lợn (Dịch tả, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn); sau đó hàng tháng triển khai tiêm bổ sung cho số lợn mới nhập đàn và lợn con tách mẹ; kết hợp phòng bệnh tiêu chảy, phù đầu cho đàn lợn bằng vắc xin E.coli và kháng thể E.coli. Từ ngày 01/10 đến 30/10/2015, tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng (đợt II/2015) cho đàn lợn nái, đực giống theo kế hoạch của UBND tỉnh và Chương trình khống chế bệnh LMLM gia súc giai đoạn 2011-2015.
Đối với trâu, bò, từ ngày 15/7 đến 31/8/2015, tiêm phòng vắc xin Tụ huyết trùng nhũ hoá chủng P52 cho số trâu, bò, dê chưa tiêm vắc xin Tụ huyết trùng lần I/2015; sau đó chỉ tiêm bổ sung cho số trâu, bò mới nuôi, bê nghé mới sinh.Từ ngày 01/10 đến 30/10/2015, tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng (đợt II/ 2015) cho đàn trâu, bò, dê theo kế hoạch của UBND tỉnh và Chương trình khống chế bệnh LMLM gia súc giai đoạn 2011-2015.
Đối với chó, mèo: tiếp tục tiêm bổ sung vắc xin Dại cho số chó, mèo chưa được tiêm phòng vắc xin và số mới nhập đàn. Đối với dê, tiêm phòng vắc xin Tụ huyết trùng dê và vắc xin Lở mồm long móng theo nhu cầu của chủ nuôi.
Đối với gia cầm, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn sâu rộng trong nhân dân; đồng thời, tiến hành tiêm phòng rộng rãi các bệnh: Dịch tả vịt, Newcastle, Tụ huyết trùng gia cầm, Đậu gà, Cúm gia cầm và các loại vắc xin khác theo đúng quy trình.
Nhằm thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả, UBND huyện yều cầu các cơ quan, ban ngành, UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công thường xuyên chỉ đạo, theo dõi công tác tiêm phòng, đảm bảo số lượng, chất lượng và thời gian; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh những đơn vị có tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đạt thấp và tiến độ triển khai chậm; tổ chức tuyên truyền sâu rộng về công tác tiêm phòng vắc xin phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho nhân dân biết và thực hiện; lập kế hoạch triển khai công tác tiêm phòng ở địa phương, phân công địa bàn phụ trách và chỉ tiêu tiêm phòng trong vụ cho từng Thú y viên để theo dõi, đánh giá kết quả, bình xét cuối năm./.