Theo kết quả đánh giá, trong năm 2019, Chỉ số PAPI của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 45,86/80 điểm, xếp vị thứ 5/63 tỉnh, thành phố (tăng 2,66 điểm và tăng 38 bậc so với năm 2018), nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt điểm cao nhất của cả nước.
Do đó, mục tiêu chung đề ra trong năm 2020 theo Kế hoạch của UBND tỉnh là tiếp tục duy trì và góp phần thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ; Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quảChỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công của tỉnh năm 2020; Nâng cao hơn nữa mức độ hài lòng của người dân đối với nền hành chính nói chung, cũng như các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm phục vụ người dân nói riêng.
Mục tiêu cụ thể là có biện pháp để tiếp tục duy trì tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất của cả nước và cố gắng vươn lên hơn nữa.
Theo đó, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung, kết quả thực hiện Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công hàng năm của tỉnh đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã; chỉ đạo rà soát để khắc phục những hạn chế, yếu kém qua kết quả khảo sát năm 2019;
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nâng cao hiệu quả thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, gắn với đẩy mạnh công khai, lấy ý kiến người dân trong quy trình xét hộ nghèo; công khai, minh bạch các khoản thu, chi ngân sách của xã, phường, thị trấn...;
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng cấp xã và tuyên truyền để người dân biết, giám sát, kiểm tra.
Yêu cầu UBND các xã, thị trấn: Phối hợp với UBMTTQ Việt Nam cùng cấp thông tin cho người dân biết được quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia bầu cử (Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng,…) tại địa phương. Thường xuyên tuyên truyền phổ biến cho người dân biết được hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng;
Định kỳ hàng năm cần phải công bố công khai: Danh sách hộ nghèo (đảm bảo đúng đối tượng); thu, chi ngân sách của địa phương theo đúng quy định; bản đồ quy hoạch, khung giá bồi thường thu hồi đất,… Niêm yết ở những nơi người dân dễ dàng tiếp cận, tránh niêm yết trong trụ sở cơ quan một cách hình thức;
Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của người dân; tích cực, chủ động trong việc chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, địa phương 10 có liên quan giải trình, phúc đáp các đề xuất, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân;
Thường xuyên phổ biến, quán triệt cho người dân hiểu rõ về các văn bản: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Đất đai; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Tiếp công dân, Luật Tiếp cận thông tin…;
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và tích cực hỗ trợ, đôn đốc người dân thực hiện quyền tham gia bầu cử trước khi tổ chức bầu cử các cấp. Đổi mới các biện pháp huy động quyền tham gia bầu cử và ra quyết định của người dân thông qua việc tuân thủ các nguyên tắc bầu cử và quy trình tham vấn người dân và cộng đồng theo quy định của pháp luật;
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết tốt các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực liên quan đến người dân như: chứng thực, xác nhận của chính quyền, đất đai, cấp giấy phép xây dựng, các thủ tục hành chính cấp xã...; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức đã được quy định trong khâu hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Thực hiện niêm yết công khai các TTHC đã được UBND tỉnh công bố tại trụ sở, trên Cổng thông tin điện tử và tại nơi đông người (nhà văn hóa, nhà thờ,...); đa dạng hóa hình thức niêm yết để thuận tiện cho việc tìm hiểu, tra cứu của cá nhân, tổ chức khi đến giải quyết các TTHC. Thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với với các trường hợp trễ hạn hồ sơ trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân; đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra tình trạng chậm trễ hồ sơ, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp;
Duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng hoạt động Cổng thông tin điện tử của UBND cấp xã; cập nhật thông tin đầy đủ, kịp thời, nhất là những vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội và các nội dung khác có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân để thu hút sự quan tâm theo dõi của nhân dân tại địa phương./.