Với mục tiêu xây dựng huyện Phú Lộc thành vùng kinh tế trọng điểm, là một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của tỉnh. Huyện Phú Lộc đề ra các chỉ tiêu cụ thể: Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 11,2%/năm. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4-5%/năm. Thu ngân sách nhà nước tăng 10 - 12%/năm; phấn đấu giảm dần cân đối từ ngân sách cấp trên.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 92 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: dịch vụ chiếm 63%, công nghiệp và xây dựng chiếm 31%, nông nghiệp 6%.Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2 - 2,2%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 30 - 32%. Tỷ lệ số hộ được thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên 93%. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68 - 70%. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất từ 10 - 11%/năm. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5 - 6%/năm. Thu ngân sách nhà nước tăng 12 - 14%/năm; phấn đấu giảm cân đối từ ngân sách cấp trên khoảng 50%.
Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 130 - 135 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: dịch vụ chiếm 62 - 64%, công nghiệp và xây dựng chiếm 32 - 34%, nông nghiệp 4 - 5%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều dưới mức trung bình của tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45 - 47%. 100% dân số sử dụng nước sạch, 100% số hộ dân được thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 75 - 80%.
Để đạt được mục tiêu này, huyện ủy Phú Lộc tập trung vào các chương trình trọng điểm bao gồm: Đến năm 2025, hoàn thành việc xây dựng các đô thị La Sơn và Vinh Hiền đạt tiêu chuẩn loại V; từng bước xây dựng đô thị Chân Mây theo quy hoạch được duyệt. Nâng tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 30 - 32%. Xây dựng đô thị Chân Mây thành trung tâm du lịch biển quốc gia, trung tâm dịch vụ logistic gắn cảng nước sâu Chân Mây và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, điện tử, lắp ráp ô tô,... Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện đưa vào sử dụng cầu cảng số 2 và số 3, đê chắn sóng cảng Chân Mây. Phấn đấu triển khai các dự án cầu cảng số 4, số 5, bến container, bến tàu du lịch, bến nhập xăng dầu…
Xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, trạm dừng nghỉ, phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ khu du lịch Bạch Mã và hỗ trợ cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu công nghiệp La Sơn. Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, hỗ trợ, tạo điều kiện triển khai các dự án sản xuất lắp ráp ôtô, nhà máy điện khí hydro, dệt may...
Phấn đấu vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4-5%/năm; thu ngân sách Nhà nước tăng 10 - 12%/năm. Đến năm 2025, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 63%, thu hút khoảng 37.800 lao động, chiếm 50% tổng lao động xã hội.
Tập trung xây dựng Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương thành trung tâm du lịch tổng hợp chất lượng cao, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. Xây dựng các khu vui chơi giải trí ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Lộc Bình, thị trấn Phú Lộc.
Thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, sản xuất, lắp ráp ô tô; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; phát triển nghề và làng nghề phục vụ du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có trên 42% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Lao động qua đào tạo nghề đạt trên 68%; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống dưới 15%.
Tập trung phát triển nhanh dịch vụ cảng và dịch vụ hàng hải theo hướng hiện đại, tạo tiền đề để vươn ra biển Đông; xây dựng cảng Chân Mây trở thành cảng quốc tế có thương hiệu mạnh, tạo động lực để thúc đẩy khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phát triển.
Đẩy mạnh liên kết, phát huy các tiềm năng, lợi thế riêng có của huyện Phú Lộc, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong vùng, tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của vùng; đặc biệt trong liên kết phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng.
Phát triển, nâng cao chất lượng cánh đồng mẫu. Chuyển đổi các diện tích trồng lúa thiếu nước sang trồng rau, màu, cây ăn quả. Hình thành các vùng nguyên liệu vả, dầu tràm; vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu ở vùng gò đồi; vùng sản xuất rau sạch áp dụng công nghệ cao
Thực hiện chích sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đẩy mạnh phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Hỗ trợ tiếp cận các chương trình đào tạo nghề, chính sách hỗ trợ tín dụng và các dịch vụ cơ bản. Phấn đấu đến năm 2025, 100% xã ven biển, đầm phá đạt chuẩn nông thôn mới, gắn với tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới mức bình quân chung của huyện.
Gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn với quy hoạch xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chú trọng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, chuẩn bị bộ máy cho việc hình thành các đô thị tương lai; quan tâm đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức ở khu vực nông thôn. Kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Từng bước xã hội hóa và tách các dịch vụ ra khỏi chức năng quản lý nhà nước.
Tại hội nghị, Huyện ủy Phú Lộc cũng đã đánh giá rút kinh nghiệm về công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ cơ sở điểm đối với 2 đơn vị là Đảng bộ Dân vận Mặt trận huyện và Đảng bộ Trường THPT Thừa Lưu.