Ngày 03/4/2020, UBND huyện ban hành Công văn số 1397/UBND-KTHT về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn huyện; theo đó, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, Chủ đầu tư, các nhà thầu và các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn huyện triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau đây:
1. Chủ đầu tư xây dựng công trình:
Tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng; về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng theo đúng quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ; Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ, Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 09/11/2016 của UBND huyện về Ban hành quy định về phân công, phân cấp việc tham gia quản lý, bàn giao và tiếp nhận công trình hạ tầng trên địa bàn huyện Phú Lộc, Quyết định số 17/2016/QĐ- UBND ngày 15/11/2016 của UBND huyện ban hành quy định quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Phú Lộc; không ngừng nâng cao năng lực, trách nhiệm trong tổ chức quản lý thực hiện dự án; lựa chọn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng có đủ điều kiện, năng lực phù hợp với quy mô, loại công trình để thực hiện dự án; tăng cường công tác giám sát cộng đồng, công tác kiểm tra hiện trường để theo dõi, kiểm soát tiến độ, chất lượng, an toàn lao động; kiên quyết xử lý những nhà thầu vi phạm về tiến độ, chất lượng, an toàn lao động theo quy định; giải quyết kịp thời các tồn tại, vướng mắc và những kiến nghị của nhà thầu nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho nhà thầu thực hiện tốt các cam kết về tiến độ, chất lượng công trình xây dựng. Chịu trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo hành và bảo trì công trình xây dựng; trong đó cần tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng từ khâu khảo sát, thiết kế đến quá trình thi công xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Phân công, bố trí cán bộ có năng lực và kinh nghiệm tham gia trong Ban quản lý dự án để theo dõi tiến độ, khối lượng, chất lượng từng dự án cụ thể.
- Đối với các công trình đường giao thông nông thôn, các Chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế:
+ Bố trí cọc tiêu, mốc lộ giới theo quy định;
+ Bố trí biển báo giao thông đầy đủ, gờ giảm tốc tại các vị trí nút giao;
+ Các nút giao phải được thiết kế riêng, phần mở rộng cánh gà phải đảm bảo an toàn và tầm nhìn cho các phương tiện tham gia giao thông đúng quy định; bố trí hệ thống thoát nước đảm bảo yêu cầu tiêu, thoát nước; tránh ngập úng do khả năng thoát nước không đảm bảo;
+ Các đường cong đứng và đường cong nằm phải đảm bảo bán kính, phần mở rộng, độ dốc dọc, độ dốc siêu cao theo quy định; trong trường hợp bất khả kháng (do điều kiện giải phóng mặt bằng không đảm bảo) phải bố trí biển cảnh báo, gờ giảm tốc, đèn tín hiệu chớp vàng cảnh báo nguy hiểm…
- Đối với các công trình phải lấy ý kiến Sở Xây dựng về phương án tổng mặt bằng theo quy định tại Khoản 6, Quyết định 63/2016/QĐ-UBND ngày 21/9/2016 của UBND tỉnh: Yêu cầu Chủ đầu tư báo cáo UBND huyện thống nhất bằng văn bản về phương án tổng mặt bằng trước khi nộp hồ sơ trình thẩm định đối với dự án có quy mô nhỏ hơn 5ha và nhà ở chung cư có quy mô nhỏ hơn 2ha không phải lập quy hoạch chi tiết.
- Sau khi khởi công, Chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo thông tin công trình cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng hoặc Phòng Nông nghiệp và PTNT (theo phân loại công trình) để được kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng và kiểm tra công tác nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra công tác nghiệm thu tại Văn bản số 379/KTHT-XD ngày 21/12/2018 của Phòng Kinh tế và Hạ tầng về việc hướng dẫn quy trình công tác kiểm tra nghiệm thu công trình xây dựng trên địa bàn huyện.
- Đối với dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách: Chủ đầu tư có trách nhiệm ký kết hợp đồng với Ban Quản lý dự án ĐTXD khu vực để thực hiện quản lý dự án theo quy định hiện hành.
2. Nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế:
Tổ chức quản lý chất lượng công tác khảo sát xây dựng theo đúng Điều 14 Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ và quản lý chất lượng công tác thiết kế xây dựng theo Điều 20 Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ; trong đó cần lưu ý:
- Thực hiện theo đúng hợp đồng kinh tế đã ký kết với Chủ đầu tư và nhiệm vụ khảo sát, thiết kế đã được phê duyệt.
- Cử người có năng lực để thực hiện giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng theo quy định hiện hành.
- Tham gia nghiệm thu công trình xây dựng khi có yêu cầu của Chủ đầu tư, nếu phát hiện hạng mục công trình, công trình xây dựng không đủ điều kiện nghiệm thu phải có ý kiến kịp thời bằng văn bản gửi Chủ đầu tư.
3. Nhà thầu thi công xây dựng:
Tuân thủ quy định trách nhiệm quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình theo Điều 25 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, cần lưu ý tập trung triển khai một số công việc sau:
- Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với quy mô công trình, trong đó quy định trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận đối với việc quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Bố trí nhân lực, thiết bị thi công đúng theo yêu cầu của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan. Đặc biệt bố trí chỉ huy trưởng công trường và cán bộ kỹ thuật phải đủ tiêu chuẩn và thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành thi công đảm bảo đúng quy trình quản lý chất lượng đã lập.
- Thực hiện trách nhiệm quản lý chất lượng trong việc mua sắm, chế tạo, sản xuất vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị được sử dụng cho công trình theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
- Đề xuất Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, Ban Quản lý dự án ĐTXD khu vực bổ sung, điều chỉnh các nội dung thiết kế không phù hợp với hiện trường thi công công trình và các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
4. Nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng:
Tuân thủ quy định trách nhiệm quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình theo Điều 26 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ. Trong đó, cần lưu ý tập trung một số công việc sau:
- Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây dựng theo quy định tại Điều 107 của Luật Xây dựng.
- Lập sơ đồ tổ chức và đề cương giám sát bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của các chức danh giám sát, lập kế hoạch và quy trình kiểm soát chất lượng, quy trình kiểm tra và nghiệm thu, phương pháp quản lý các hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình giám sát thi công xây dựng.
- Tổ chức, bố trí nhân sự có đủ năng lực theo quy định để thực hiện nhiệm vụ của giám sát trưởng và các chức danh giám sát khác tại công trường thi công để thực hiện giám sát thi công xây dựng một cách thường xuyên, liên tục từ lúc công trình bắt đầu được khởi công đến khi công trình được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.
- Tiến hành nghiệm thu kịp thời các công việc do nhà thầu thi công xây dựng đã thực hiện theo yêu cầu của hợp đồng xây dựng.
- Cùng nhà thầu thi công xây dựng thực hiện thường xuyên việc ghi chép các thông tin vào nhật ký thi công xây dựng theo đúng quy định.
5. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực:
- Tổ chức quản lý dự án theo hợp đồng tư vấn quản lý dự án đã ký kết với Chủ đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách.
- Bố trí cán bộ thường xuyên tại hiện trường công trình để kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng và các nội dung khác theo hợp đồng quản lý dự án đã ký kết.
- Tham mưu, hướng dẫn Chủ đầu tư giải quyết các phát sinh, vướng mắc trong quá trình quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
6. Các Phòng: Kinh tế và Hạ tầng, Nông nghiệp và PTNT:
- Tăng cường công tác thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng công trình đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
- Tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và hoàn thành công trình theo quy định hiện hành.
- Báo cáo, tham mưu UBND huyện các trường hợp phát sinh, vướng mắc, các trường hợp vi phạm (nếu có) trong quá trình quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng công trình.
7. Phòng Tài chính – Kế hoạch:
- Tổ chức làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ dự án đối với dự án do cấp huyện quản lý, rà soát hồ sơ, gửi cơ quan chủ trì thẩm định và chủ trì, tham mưu UBND huyện phê duyệt dự án đúng theo quy trình thủ tục đã được quy định.
- Tổ chức quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước theo quy định hiện hành; trong đó lưu ý phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hồ sơ trình phê duyệt quyết toán.